Lâm Đồng: Phát triển ngành dâu tằm tơ ổn định, bền vững

Mặc dù trong quá trình phát triển, ngành dâu tằm tơ của tỉnh Lâm Đồng đã trải qua nhiều thăng trầm, song cây dâu, con tằm vẫn giữ vị trí quan trọng trong cơ cấu cây trồng, vật nuôi của tỉnh theo định hướng phát triển của ngành nông nghiệp địa phương.

Mặc dù trong quá trình phát triển, ngành dâu tằm tơ của Lâm Đồng có nhiều thăng trầm, song hiện nay cây dâu, con tằm vẫn giữ vị trí quan trọng trong định hướng phát triển của ngành nông nghiệp địa phương.

Những bước thăng trầm

Lịch sử phát triển của ngành dâu tằm tơ tỉnh Lâm Đồng trong hơn 30 năm qua trải qua nhiều thăng trầm. Trong đó, giai đoạn từ năm 1986-1995 là thời kỳ phát triển mạnh nhất của ngành dâu tằm tơ địa phương với diện tích trồng dâu đạt khoảng 10.000 ha, chiếm 50% diện tích dâu của cả nước; nhiều nhà máy ươm tơ, các xí nghiệp giống tằm, xí nghiệp chế biến, nhà máy dệt lụa được xây dựng đã giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động, ngành dâu tằm tơ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Lâm Đồng trong giai đoạn này và Lâm Đồng cũng được xem là thủ phủ ngành dâu tằm tơ cả nước.

Tuy nhiên, đến đầu những năm 2000, do ảnh hưởng của giá tơ lụa trên thị trường thế giới giảm sút (giảm 40-50%), ngành sản xuất, kinh doanh dâu tằm tơ thế giới bắt đầu gặp khó khăn. Trong bối cảnh đó, ngành dâu tằm tơ của Việt Nam nói chung và Lâm Đồng nói riêng cũng chịu nhiều tác động suy giảm về các hoạt động sản xuất, chế biến, tiêu thụ. Cụ thể, đến thời điểm của những năm 2000, diện tích trồng dâu của Lâm Đồng còn khoảng 2.900 ha, giảm 70% so với năm 1995. Điều này đã kéo nghề nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa của tỉnh đi xuống, mai một dần.

Trải qua giai đoạn khó khăn đó, từ sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương, nghề dâu tằm tơ của Lâm Đồng được cơ cấu lại để duy trì, không để mai một thêm. Đặc biệt, kể từ năm 2011 khi giá tơ lụa thế giới bắt đầu có xu hướng phục hồi; cộng với uy tín, chất lượng của sản phẩm tơ lụa Việt Nam nói chung, Lâm Đồng nói riêng (trong đó nổi bật là thương hiệu tơ lụa Bảo Lộc) ngày càng được nâng cao, được các thị trường nước ngoài ưa chuộng. Nhờ đó, ngành dâu tằm tơ của Lâm Đồng từng bước được khôi phục, phát triển cho đến nay. Điều đáng mừng là hiện nay, cây dâu, con tằm đang giữ vị trí quan trọng trong định hướng phát triển của ngành nông nghiệp địa phương. Lâm Đồng cũng đã và đang tập trung đầu tư để phát triển, đưa dâu tằm tơ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh trong những năm tới đây.

Thống kê hiện nay cho thấy, toàn tỉnh Lâm Đồng có 630 hộ tham gia dự án liên kết tại các địa phương phát triển dâu tằm của tỉnh.

Đưa ngành dâu tằm tơ phát triển bền vững

Tại Hội nghị ngành dâu tằm tơ toàn quốc năm 2023 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức mới đây tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng), đại diện Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), Trung tâm Nghiên cứu dâu tằm tơ Trung ương, Hiệp hội dâu tằm tơ Việt Nam đều khẳng định, nhiều chuyển biến của ngành dâu tằm tơ tại Lâm Đồng hiện nay được bắt nguồn trên cơ sở “Đề án phát triển bền vững ngành dâu tằm tơ tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2019-2023”, được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt tại Quyết định số 1371/QĐ-UBND ngày 25/6/2019.

Trước đó, trong phát biểu của đại diện UBND tỉnh Lâm Đồng và Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng đã nhấn mạnh rằng ngành dâu tằm tơ của Lâm Đồng đã được khôi phục và phát triển về cả diện tích, năng suất, chất lượng. Trong đó, chất lượng kén nguyên liệu hiện đã đáp ứng được yêu cầu ươm tơ chất lượng cao cho nhu cầu nội tiêu và xuất khẩu; sự phát triển của ngành dâu tằm tơ Lâm Đồng đứng đầu so với cả nước về diện tích trồng dâu cũng như sản lượng kén tằm và sản xuất tơ lụa. Cụ thể, diện tích dâu Lâm Đồng đến nay chiếm khoảng 70% diện tích dâu cả nước và sản lượng tơ lụa chiếm trên 80% sản lượng kén tằm cả nước.

Về sản xuất, theo Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng, năm 2023 diện tích trồng dâu tằm của Lâm Đồng đạt khoảng 9.800 ha, sản lượng lá dâu ước đạt khoảng 247 ngàn tấn, sản lượng kén đạt khoảng 16.000 tấn, sản lượng sợi tơ các loại đạt trên 2.000 tấn; toàn tỉnh có khoảng 16.000 hộ nông dân trồng dâu, nuôi tằm; có 05 làng nghề trồng dâu nuôi tằm và 45 tổ hợp tác, 12 hợp tác xã trồng dâu nuôi tằm.

Thông tin thêm về tình hình sản xuất của ngành dâu tằm tơ địa phương, ông Nguyễn Văn Châu, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng cho hay, đến nay nguồn lá dâu phục vụ nuôi tằm tại tỉnh này cơ bản đáp ứng như cầu với các bộ giống cho năng suất, chất lượng cao, đáp ứng như cầu sản xuất chăn nuôi tằm, phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu của tỉnh và đang dần thay thế các giống dâu nhập ngoại.

Ông Châu cũng cho bết thêm, toàn tỉnh hiện có 04 tổ chức, cá nhân nhập khẩu trứng giống tằm tơ và khoảng 200 cơ sở nuôi tằm con tập trung (chủ yếu tại huyện Lâm Hà và TP Bảo Lộc) thực hiện cung ứng giống tằm con cho người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Tỉnh Lâm Đồng hiện có 32 cơ sở ươm tơ, công nghệ sản xuất chế biến tơ đã được đầu tư cơ bản với dây chuyền sản xuất hiện đại, công suất cao với trên 100 dãy ươm tơ tự động, 400 mối/dãy, chất lượng tơ đã được nâng lên đáp ứng yêu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu. Công nghiệp dệt sản xuất trên 5 triệu mét lụa mộc/năm, công nghiệp may từ lụa tơ tằm đã được đầu tư với khoảng 200.000 sản phẩm/năm. Ngành công nghiệp chế biến sản phẩm tơ, lụa hằng năm giải quyết khoảng 2.000 lao động (bình quân 60-80 lao động/cơ sở).

Diện tích dâu của tỉnh Lâm Đồng hiện chiếm khoảng 70% diện tích dâu cả nước.

Cùng với những nỗ lực đó, trong giai đoạn 2019-2023, tỉnh Lâm Đồng thường xuyên tổ chức đào tạo các khóa về quy trình quản lý, kỹ thuật trồng dâu, nuôi tằm cho cán bộ phụ trách, quản lý ngành dâu tằm tơ của tỉnh và các địa phương cơ sở; tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyển giao quy trình kỹ thuật trồng dâu nuôi tằm cho các hộ nông dân. Thông qua các khóa, lớp đào tạo, bồi dưỡng này, tỉnh đã nâng cao trình độ quản lý và chuyển giao khoa học kỹ thuật của ngành trồng dâu, nuôi tằm đến các đối tượng có liên quan; từ đó ứng dụng, mở rộng sản xuất, bảo vệ, phòng trừ dịch bệnh, thực hiện tốt công tác quản lý, liên kết chuỗi sản xuất gắn với tiêu thụ, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế và phát triển ngành nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa ở địa phương.

Không chỉ quan tâm, chăm lo phát triển ngành dâu tằm tơ bằng các chính sách, định hướng và hỗ trợ nông dân, các cơ sở sản xuất… mà vấn đề thị trường tiêu thụ sản phẩm cũng được tỉnh Lâm Đồng chú trọng. Hiện thị trường xuất khẩu tơ sợi, tơ thô của Việt Nam nói chung và Lâm Đồng nói riêng chủ yếu sang thị trường các nước: Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Bangladesh, Đài Loan; thị trường xuất khẩu vải dệt từ tơ tằm chủ yếu các nước Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Brunei. Trong đó, sản lượng tơ xuất khẩu của Lâm Đồng năm 2022 đạt khoảng 1.800 tấn, kim ngạch xuất khẩu tơ, sợi dệt, vải các loại đạt khoảng 180 triệu USD (đứng thứ hai sau ngành hàng cà phê).

Những nỗ lực nêu trên đã đưa ngành sản xuất dâu tằm tơ tỉnh Lâm Đồng trong những năm gần đây trở thành ngành kinh tế mang lại hiệu quả cao, với giá trị sản phẩm thu được bình quân khoảng 350-400 triệu đồng/ha/năm, lợi nhuận thu được (khoảng 50% doanh thu) khá cao với vốn đầu tư ban đầu thấp, quay vòng vốn nhanh; doanh thu trên một đơn vị diện tích trồng dâu nuôi tằm cao hơn gấp 203 lần so với một số cây công nghiệp như cà phê, chè, tiêu, điều. Vì vậy, theo đại diện UBND tỉnh Lâm Đồng, ngành dâu tằm tơ của tỉnh đã được địa phương quan tâm đầu tư, khuyến khích và mở rộng sản xuất. Trong thời gian tới, địa phương tiếp tục tạo điều kiện để giúp nhành dâu tằm tơ của tỉnh phát triển ổn định, bền vững dựa trên lợi thế, tiềm năng của tỉnh, đồng thời tiếp tục nâng cao năng suất, chất lượng, đảm bảo cạnh tranh và hiệu quả trong sản xuất cũng như mở rộng thị trường tiêu thụ./.

Bài, ảnh: Đình Tăng

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/kinh-te/lam-dong-phat-trien-nganh-dau-tam-to-on-dinh-ben-vung-657058.html