Làm chủ các công nghệ lõi để vươn ra 'biển lớn'

Với chiến lược làm chủ nền công nghiệp công nghệ cao và sẵn sàng vươn ra 'biển lớn', những kỹ sư công nghệ của Viettel đã dần khẳng định mình bằng việc 4 sáng chế bao trùm 3 lĩnh vực quân sự, hạ tầng viễn thông và dân dụng vừa được cấp bằng bảo hộ độc quyền tại Mỹ.

Sáng chề về Phương pháp phát hiện mục tiêu mặt nước trong môi trường nhiễu, ứng dụng trong đài radar cảnh giới bờ - một trong 4 sáng chế được cấp bằng bảo hộ độc quyền tại Mỹ của VHT. (Ảnh TL)

4 bằng sáng chế được bảo hộ độc quyền tại Mỹ

Là doanh nghiệp công nghệ với yếu tố hạt nhân là tri thức, Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (VHT) đã dần đi đầu trong việc làm chủ công nghệ lõi, với mục tiêu gia nhập nhóm dẫn đường trong cuộc cách mạng số của nhân loại.

Xác định trở thành hạt nhân trong tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao của Việt Nam, vừa qua VHT (Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội - Viettel) đã được Cơ quan Quản lý sáng chế và nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO) cấp mới 4 bằng sáng chế quốc tế. Với VHT, việc có 28 sáng chế được bảo hộ trong nước và 4 sáng chế được bảo hộ ở Mỹ bao trùm 3 lĩnh vực quân sự, hạ tầng viễn thông và dân dụng mới chỉ là bước khởi đầu. Mục tiêu của VHT là mỗi năm có 50-70 đơn đăng ký sáng chế trong và ngoài nước.

Theo lãnh đạo VHT, đến thời điểm hiện tại, số lượng bằng sở hữu công nghiệp được bảo hộ liên tục tăng cao trong 2 năm qua, đặc biệt việc cấp 4 bằng sáng chế được bảo hộ độc quyền tại Mỹ càng khẳng định sự phát triển vượt bậc của VHT trong tương lai.

Chia sẻ về sáng chế được bảo hộ độc quyền tại Mỹ, đại diện VHT cho biết, bằng sáng chế đầu tiên là "Phương thức phân chia dữ liệu ngẫu nhiên trong các hệ thống phân tán đa vi xử lý”- của Trung tâm Nghiên cứu OCS (VHT). Sáng chế này đã giúp Viettel làm chủ hoàn toàn một hệ thống tính cước phù hợp với nhu cầu cụ thể của người dùng Việt Nam; giúp nhà mạng chủ động phát triển kinh doanh hệ thống tính cước ra thị trường quốc tế trong thời điểm chỉ có khoảng 3 nhà cung cấp lớn nhất cung cấp cho tất cả các nhà mạng trên thế giới.

Trong năm 2020, đơn vị này có thêm 2 bằng sáng chế là “Phương pháp phát hiện mục tiêu mặt nước trong môi trường nhiễu, ứng dụng trong đài radar cảnh giới bờ” của Trung tâm Radar (VHT) và “Sáng chế về cơ cấu trợ lực cho Robot song song bằng hệ lò xo với trợ lực hằng số” của Trung tâm Mô hình mô phỏng (VHT).

Đại diện Trung tâm Mô hình mô phỏng cho biết, sáng chế cơ cấu trợ lực cho Robot song song bằng hệ lò xo với trợ lực hằng số được sử dụng trợ lực cho robot song song trong lĩnh vực mô phỏng chuyển động, góp phần làm giảm chi phí chế tạo, tăng tuổi thọ của robot mà vẫn đảm bảo đáp ứng được các chỉ tiêu về tải trọng và không gian làm việc. Nhờ cơ cấu trợ lực giảm 50% lực tác dụng lên các cơ cấu dẫn động của robot, nên góp phần làm giảm 25% chi phí chế tạo, tăng 2 lần tuổi thọ robot và thích hợp cho các hệ thống có tải trọng làm việc lớn, gặp hạn chế khi lựa chọn thiết bị dẫn động.

Gần đây nhất, trong tháng 4/2020, “Phương pháp hiệu chỉnh và điều khiển công suất tuyến thu thích ứng theo môi trường truyền dẫn trong hệ thống trạm thu phát gốc vô tuyến” của Trung tâm Nghiên cứu thiết bị Vô tuyến băng rộng (VHT) đã chính thức được cấp bằng bảo hộ độc quyền tại Mỹ. Hệ thống này được thiết lập theo phương pháp theo sáng chế có khả năng hiệu chỉnh và điều khiển công suất tuyến thu. Đồng thời, phương pháp theo sáng chế đem lại hiệu quả tối ưu khi tương thích với từng loại môi trường truyền dẫn, khắc phục được nhược điểm biến thiên chậm với kiểu điều khiển cũ, nâng cao chất lượng mạng nói riêng và các chỉ số KPI mạng nói chung…

Theo ông Nguyễn Cương Hoàng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel, sáng chế là một quá trình rất dài và Viettel đã làm từ 10 năm trước. Số lượng bằng sáng chế sẽ thể hiện năng lực của doanh nghiệp. Năng lực, sức mạnh của các đơn vị nghiên cứu thể hiện ở chính sở hữu trí tuệ và những sáng chế được cấp.

Theo Trung tâm thẩm định, Cục Sở hữu trí tuệ, trong 5 năm gần đây, số lượng đơn đăng kí bằng sáng chế của Viettel tăng trưởng liên tục. Việc Viettel có 4 bằng sáng chế được Mỹ cấp bằng sáng chế có ý nghĩa lớn trong việc khẳng định năng lực công nghệ và định hướng phát triển mở rộng thị trường của doanh nghiệp Việt.

Anh Nguyễn Trung Tuyến đại diện nhóm kỹ sư của Sáng chế trạm thu phát gốc vô tuyến. (Ảnh: TL)

Khẳng định vị thế trong cuộc đua công nghệ thế giới

Những năm qua, số lượng đơn đăng ký sáng chế trong nước của các tổ chức, cá nhân Việt Nam đã tăng cao hơn 35% so với năm 2019. Theo báo cáo của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN), năm 2020 Cục đã tiếp nhận gần 126.000 đơn các loại (tăng 4,1% so với năm 2019). Năm 2019, Cục đã xử lý được trên 113.000 đơn và cấp Văn bằng bảo hộ cho trên 48.000 đối tượng sở hữu công nghiệp (tăng trên 18% so với năm 2019).

Tuy nhiên, nếu nhìn vào danh sách bằng độc quyền sáng chế và giải pháp hữu ích mà Cục công bố hằng tháng dễ nhận ra các chủ thể nước ngoài vẫn đang chiếm đa số còn lượng đơn sáng chế/giải pháp hữu ích của chủ đơn Việt Nam thì chiếm tỷ lệ chưa cao.

Theo ông Phan Ngân Sơn, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ: Do nhu cầu đối với sáng chế chưa cao; năng lực nghiên cứu của Việt Nam còn thấp; khả năng hấp thụ sáng chế của doanh nghiệp còn hạn chế; cơ chế khuyến khích tạo ra sáng chế ở doanh nghiệp, viện, trường chưa thực sự hiệu quả…Vì chưa có ý thức về quyền SHTT, các nhà sáng chế đã bỏ qua công đoạn đăng ký bảo hộ sáng chế cho công nghệ của mình, dẫn tới đến khi thương mại hóa đã rơi vào tình cảnh không được hưởng lợi ích từ quyền SHTT mà lẽ ra họ rất xứng đáng.

Tuy nhiên, một điều đáng ghi nhận trong năm 2020, mặc dù trong bối cảnh đại dịch COVID-19, số lượng đơn đăng ký sáng chế và giải pháp hữu ích của các chủ thể nước ngoài giảm 2% thì số lượng đơn đăng ký sáng chế và giải pháp hữu ích của các chủ thể Việt Nam vẫn tăng 35% so với năm 2019.

Tín hiệu đáng mừng nhất cho thực tế này là việc Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO) đã cấp văn bằng bảo hộ độc quyền cho các sáng chế của Viettel. Đây là niềm tự hào khi sản phẩm trí tuệ của Việt Nam, lại là sản phẩm về công nghệ viễn thông, một lĩnh vực dường như là độc quyền của các nước phát triển, được bảo hộ độc quyền ở nước ngoài.

Điều này đã khẳng định việc nộp đơn đăng ký yêu cầu bảo hộ độc quyền đối với sáng chế là hướng đi đúng của các doanh nghiệp Việt trong quá trình tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Điều này cũng khẳng định sự tự tin của doanh nghiệp Việt khi tham gia vào thị trường khoa học công nghệ lớn nhất thế giới (thị trường Hoa Kỳ), với phương châm vươn ra biển lớn.

Điều đáng mừng là trong các doanh nghiệp đang chú trọng bảo hộ sáng chế, đăng ký quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm của mình tại nước ngoài những năm qua, có thể nói thành công nhất là VHT.

Ông Nguyễn Cương Hoàng, Phó tổng giám đốc VHT cho biết: Tính đến thời điểm hiện tại thì VHT đã có nhiều đơn đăng ký sáng chế trong nước, trong đó 4 bằng sáng chế đã được công nhận ở Mỹ. Điều này có thể khẳng định, những kết quả mà VHT có được như hôm nay không phải ngày một ngày hai mà là cả quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng.

Đại diện VHT cũng khẳng định, bảo hộ các tài sản trí tuệ bằng việc đăng kí các sáng chế cấp quốc gia, quốc tế là cơ sở quan trọng để doanh nghiệp làm chủ sở hữu công nghệ lõi, sẵn sàng hội nhập thế giới, có đầy đủ năng lực cạnh tranh với các tập đoàn quốc tế. Bằng sáng chế do Hoa Kỳ bảo hộ là sự ghi nhận những phát minh, nghiên cứu khoa học, qua đó, khẳng định con người Việt Nam có thể sánh vai với các tập đoàn công nghệ lớn… Chứng chỉ về quyền sở hữu trí tuệ là vật chứng bảo đảm cho thành công của mỗi doanh nghiệp khi tiến vào đấu trường thế giới./.

Bích Liên

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/khoa-giao/lam-chu-cac-cong-nghe-loi-de-vuon-ra-bien-lon-579140.html