Làm bạn cùng con

Chị Hà Anh thân mến!

Con trai em năm nay học lớp 5. Con thông minh, hiếu động nhưng cũng rất nghịch ngợm. Chính vì vậy, em thường xuyên bị cô giáo gọi điện trao đổi, thậm chí phụ huynh của các bạn chơi cùng cũng thường xuyên gọi điện “mắng vốn” vì con trai em luôn là “đầu têu” của những vụ việc nghịch phá của cả nhóm, nhất là trêu chọc, giấu tập sách, giày dép của các bạn... Đối diện với những lời mắng vốn đó, em thực sự muốn nổi điên với con và nhiều khi em đã không kìm được mà đánh mắng con. Tuy nhiên, nghĩ lại em thấy mình chưa đúng và tự trách bản thân rất nhiều.

Thực sự em cũng rất nghiêm khắc trong giáo dục con, thậm chí nhiều khi em còn dùng cả đòn roi nếu con quá nghịch. Tuy nhiên, với bản tính hiếu động và con cũng đang ở lứa tuổi “khó bảo” nên thật khó để “uốn” con như ý mình.

Mong chị cho em lời khuyên.

H.M (Chơn Thành)

H.M thân mến!

Ở lứa tuổi 10-11 là giai đoạn chuyển tiếp từ trẻ con sang lứa tuổi vị thành niên. Vì vậy, giai đoạn này trẻ có sự thay đổi tâm sinh lý rất lớn. Trẻ luôn muốn khẳng định mình, do đó những trò “đầu têu” của con cũng chỉ là muốn thể hiện cá tính bản thân.

Ông bà ta thường nói: “Dạy con từ thuở còn thơ”, vì vậy em cũng đừng quá lo lắng hay nghiêm khắc mà hãy khéo léo để tìm hiểu rõ về mong muốn, ước mơ của con. Trước tiên, em cần phân tích cho con hiểu rõ những hành vi của con sai chỗ nào, ảnh hưởng ra sao đến bạn bè, thầy cô và cả ba mẹ. Cảm giác của con ra sao nếu con bị bạn bè trêu chọc như thế? Khi con đã ý thức được hành vi của mình thì hãy hướng dẫn con cách khắc phục, sửa chữa.

Con hãy học cách xin lỗi bạn, biết cảm ơn khi được tha thứ và từ đó dần giúp con trưởng thành hơn. Hãy giúp con hiểu rằng, xin lỗi không phải là câu nói mà là một hành động thể hiện sự chân thành khi bản thân mắc lỗi và muốn sửa sai. Mỗi ngày thay đổi một chút, dần dần con sẽ tự điều chỉnh được cảm xúc và hành động đúng đắn hơn.

Cha mẹ là tấm gương trước tiên cho con học tập. Khi cha mẹ mắc lỗi, hãy biết nhận lỗi và chỉ cho con học cách sửa chữa và khắc phục. Điều này sẽ giúp con biết được ai cũng có thể mắc sai lầm dù là người lớn và điều quan trọng là cách giải quyết và xử lý nó.

Để hình thành nhân cách cho trẻ phải trải qua quá trình đào tạo, uốn nắn liên tục. Do đó, cha mẹ phải luôn đồng hành cùng con trong mọi tình huống để hỗ trợ, giúp đỡ và cho con lời khuyên kịp thời. Cha mẹ không thể đi theo con suốt cuộc đời, tuy nhiên nền tảng hình thành nhân cách ngay từ thuở nhỏ là rất quan trọng. Vì vậy, thay vì tức giận la mắng, đòn roi thì em hãy làm bạn cùng con, đồng hành cùng con, để con mở lòng sẻ chia những mong ước, gỡ vướng những khúc mắc tâm lý… hướng con đi con đường đúng đắn.

Chị chúc em sẽ sớm tìm ra phương pháp phù hợp trong việc giáo dục con và con sẽ ngoan, thương mẹ nhiều hơn!

Hà Anh

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/258/168431/lam-ban-cung-con