Lãi suất huy động tăng chưa tạo áp lực lên lãi suất cho vay
Một số ngân hàng tăng lãi suất huy động gần đây đã gây nên tâm lý lo ngại lãi suất cho vay sẽ tăng trong khi nhu cầu vốn trong mùa sản xuất kinh doanh cuối năm của các doanh nghiệp (DN) đang cận kề. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc tăng lãi suất huy động của một số nhà băng chỉ mang tính cục bộ, chưa tạo áp lực lên lãi suất cho vay.
Tính đến tháng 7/2019 tổng nguồn vốn huy động của các ngân hàng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đạt 2.368,56 ngàn tỷ đồng, tăng 1,57% so với tháng trước (chỉ số này của tháng trước là +1,60%); tăng 10,91% so với tháng cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn huy động của các ngân hàng thương mại cổ phần chiếm 52,35% tổng vốn huy động, tăng 12,22% so tháng cùng kỳ. Tiền gửi tiết kiệm chiếm tỷ trọng 46,36% tổng vốn huy động, tăng 5,59% so với tháng cùng kỳ.

Lãi suất huy động chỉ tăng ở vài kỳ hạn nhất định, trong khi mặt bằng lãi suất chung vẫn khá ổn định
Tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đến đầu tháng 7/2019 đạt 2.171,75 ngàn tỷ đồng, tăng 13,55% so tháng cùng kỳ. Trong đó, dư nợ tín dụng của các ngân hàng thương mại cổ phần đạt 1.131,12 ngàn tỷ đồng, chiếm 52,08% tổng dư nợ, tăng 12,83% so tháng cùng kỳ.
Ghi nhận từ các ngân hàng cho thấy trong tháng 7/2019 vừa qua có 12 ngân hàng đang có mức lãi suất kỳ hạn dài trên 8%/năm. Cụ thể như Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank) lãi suất 8,6% dành cho khách gửi từ 24 tháng trở lên, không yêu cầu sàn giá trị tiền gửi; Ngân hàng TMCP Tiên phong (TP Bank) lãi suất 8,6% cho khách hàng gửi trên 100 tỷ đồng, 24 tháng và cam kết không rút trước hạn; Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) cũng có lãi suất 8,6% cho khách hàng gửi từ 500 tỷ đồng kỳ hạn 12- 13 tháng...
Bên cạnh đó, lãi suất đầu vào cũng đang chịu áp lực từ việc nhiều DN địa ốc huy động vốn qua kênh phát hành trái phiếu với lãi suất rất cao từ 12 - 14/năm khiến nhà đầu tư, người gửi tiền có xu hướng chuyển sang mua trái phiếu DN thay vì gửi tiết kiệm. Với xu hướng lãi suất đầu vào đi lên, áp lực với lãi suất cho vay là khó tránh, đây cũng là tâm lý lo lắng chung của nhiều DN sản xuất kinh doanh đang gấp rút chuẩn bị cho kinh doanh.
Thực tế cho thấy lãi suất tiền gửi được điều chỉnh tăng chủ yếu ở các kỳ hạn dài, nhằm giúp cơ cấu lại nguồn vốn huy động, đáp ứng quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn. Một số ngân hàng khác tăng lãi suất để kéo khách trong bối cảnh tăng trưởng huy động vốn thấp hơn cùng kỳ năm trước.
Theo Chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Bùi Quang Tín, việc lãi suất huy động tăng sẽ tác động đến lãi suất cho vay. Tuy nhiên lãi suất huy động chỉ tăng ở vài kỳ hạn nhất định, trong khi mặt bằng lãi suất chung vẫn khá ổn định. Việc một số ngân hàng tăng lãi suất huy động gần đây chỉ mang tính chất cục bộ, thanh khoản của hệ thống vẫn rất tốt và mặt bằng lãi suất liên ngân hàng ở mức thấp, kỳ hạn qua đêm và 1 tuần đang giảm khá mạnh, chỉ còn 2,98%/năm và 3,09%/năm. Ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2019 thặng dư 79,3 nghìn tỷ đồng (theo Bộ Tài chính) là một yếu tố gián tiếp khiến cho nguồn cung VNĐ dồi dào, góp phần giữ mặt bằng lãi suất ổn định.
Như vậy, lãi suất huy động đang tăng nhưng mang tính thời điểm chứ chưa phản ánh xu hướng từ nay đến cuối năm. Cần theo dõi diễn biến thị trường, nếu lãi suất tiếp tục tăng trong 1- 2 tháng tới mới tạo áp lực lãi suất cho vay mùa cuối năm. Từ phía NHNN cũng chỉ đạo xuyên suốt mục tiêu ưu tiên cho vay sản xuất kinh doanh, hạn chế cho vay tiêu dùng, bất động sản...