Lại chết nhiều người vì lũ dữ
Trận lũ quét ác nghiệt đã cướp đi sinh mạng 3 cha con trong một gia đình nhỏ sống nơi triền núi ở tỉnh Khánh Hòa
Chiều 1-12, lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa và TP Nha Trang đã tổ chức đoàn thăm hỏi, động viên gia đình chị Nguyễn Thị Thanh Tâm (thôn Lương Sơn 3, xã Vĩnh Lương, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) vừa mất 3 người thân trong trận lũ quét.
Một đêm mất 3 người thân
3 người thân vừa mất của chị Tâm là chồng - anh Nguyễn Ngọc Duy (SN 1985) cùng 2 con Nguyễn Thanh Nhã (SN 2002) và Nguyễn Thanh Trúc (SN 2009).
Đường vào nhà chị Tâm ngoằn ngoèo nằm trên triền núi, sát đó là suối Đồng Bé. Theo gia đình, anh Duy làm nông, hằng ngày trồng cây, nuôi gà. Chị Tâm làm công nhân may khẩu trang vải cho một nhà máy ở nội thành Nha Trang.
Chị Tâm khóc ngất suốt ngày qua. Chiều tối 30-11, chị đi làm về đến chân núi Đồng Bé và ghé qua nhà cha là ông Nguyễn Văn Hùng (cách nhà chị 450 m) chơi. Lúc này, anh Duy cùng 2 con cũng đang chơi tại đây. Thấy trời tối, vợ chồng chị để con ở nhà cha rồi men theo con đường nhỏ ở lưng chừng núi Đồng Bé để về nhà. Thời điểm đó mưa lớn, suối trước nhà chị thường không có nước nhưng nay cuồn cuộn như thác.
"Trong lúc anh Duy đưa tôi qua suối thì không may trượt chân. Tôi kêu cứu, cha tôi ở trên nhà nghe tiếng, vội chạy ra, nắm được tay tôi. Rồi cả cha và tôi cũng bị nước cuốn nhưng may mắn thoát chết sau 3 giờ bám được một cành cây. Còn anh Duy trôi từ lúc nào" - chị Tâm nghẹn giọng.
Hai con chị Tâm, khi nghe tiếng mẹ kêu cứu đã chạy theo ông ngoại để cùng cứu cha mẹ.
"Tôi đuổi hai đứa quay lại rồi chạy xuống cứu con. Lúc này, lũ từ khắp nơi tràn xuống, ngập cả lối đi. Có thể khi tôi chạy xuống bên dưới thì 2 cháu đã chạy theo và bị lũ cuốn. Đau lòng quá chú ơi" - ông Hùng khóc không ra tiếng.
Đến 9 giờ cùng ngày, lực lượng Bộ đội Biên phòng Khánh Hòa mới tìm thấy 3 cha con anh Duy.
Trong khi đó, theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Cứu hộ cứu nạn tỉnh Khánh Hòa, cơ quan chức năng vẫn chưa tìm thấy anh Trần Văn Quốc (SN 1996; ngụ thôn Phú Cang 1, xã Vạn Phú, huyện Vạn Ninh). Trước đó, nhóm anh Quốc đi rừng ở khu vực Thác Bay - Kèo Chò (xã Vạn Bình, huyện Vạn Ninh) để hái trái đác. Trên đường về vào sáng 29-11, anh Quốc bị lũ cuốn mất tích khi băng qua suối.
Do mưa lớn nhiều ngày qua, nhiều khu vực tại TP Nha Trang, thị xã Ninh Hòa và huyện Diên Khánh bị ngập nặng, trung bình 1 m. Hàng loạt ôtô bị ngập sâu trong nước. Tại đường Phong Châu (đoạn qua khu biệt thự Giáng Hương, thuộc xã Vĩnh Thái, TP Nha Trang) xe và người xếp hàng dài chờ thuyền chuyển qua.
Cùng ngày, ông Nguyễn Văn Nhuận, Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa), cho biết lực lượng chức năng đã liên lạc được với 45 người (trong đó có 36 du khách TP HCM và 9 người dân địa phương dẫn đường) bị kẹt khi khám phá núi Tà Giang (xã Thành Sơn, huyện Khánh Sơn). Lực lượng của huyện Khánh Sơn cũng huy động 30 người để triển khai cứu nạn. Nhất là việc đưa các du khách vượt suối lớn, nước chảy xiết. Đến chiều cùng ngày, 45 du khách đều đưa đến nơi an toàn.
Khó khắc phục sự cố
Trong khi đó, tại tỉnh Đắk Lắk, đến tối cùng ngày, lực lượng chức năng gấp rút huy động lực lượng, phương tiện tổ chức khắc phục địa điểm sụp lún tại Km 53+400, Quốc lộ 26 (đoạn qua xã Ea Trang, huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk). Khu vực này sạt lở, sụp lún một đoạn dài khoảng 70 m, sâu khoảng 20 m, tạo thành một vực sâu ngay trên Quốc lộ 26.
Khu vực sạt lở trước đây có một cống lớn để nước chảy qua. Tối 30-11, do mưa lớn, nước từ thượng nguồn suối chảy về rất mạnh, tràn qua đường. Khoảng 1 giờ sau khi nước tràn, đoạn đường đã sạt lở hoàn toàn, chia cắt tuyến giao thông huyết mạch nối Đắk Lắk - Khánh Hòa. Đến trưa hôm sau, khu vực sạt lở trời vẫn mưa nên công tác khắc phục sự cố gặp nhiều khó khăn.
Anh Giàng Seo Dìn (người dân ở gần khu vực sạt lở) cho rằng tuyến đường bị chia cắt khiến dân trong khu vực di chuyển ra trung tâm huyện rất khó khăn. Hôm nay, trong làng có đám tang nên người dân buộc phải lội suối, băng rừng phía dưới khu vực sạt lở để đưa lương thực, thực phẩm về tổ chức tang lễ.
Chưa kết luận nguyên nhân sạt lở
Ông Nguyễn Minh Tiến, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty CP Quản lý và Xây dựng đường bộ 26, cho biết hiện chưa kết luận nguyên nhân vụ sạt lở trên Quốc lộ 26.
Dự kiến 5 đến 6 ngày nữa mới có thể khắc phục để thông tuyến. Tuy nhiên, ông Tiến khẳng định đơn vị sẽ tập trung làm cả ngày và đêm để thông xe sớm nhất. "Phía bên hướng tỉnh Khánh Hòa lên, đơn vị bố trí 8 xe tải, phía Đắk Lắk bố trí khoảng 20 xe nữa để chở đá từ các mỏ về san lấp" - ông Tiến nói thêm.
Mưa lớn trong những ngày qua khiến khu vực lòng hồ thủy lợi Krông Pách Thượng (đang trong quá trình xây dựng ở xã Cư San, huyện M’Đrắk) bị ngập sâu. Trong ngày 1-12, lực lượng chức năng phải di dời gần 100 hộ dân vùng thấp trũng đến nơi an toàn. Người dân được di dời vào Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân hoặc ở nhà người thân.
Chiều tối cùng ngày, ông Võ Huy Khôi, Chủ tịch UBND xã Ea Ô (huyện Ea Kar, Đắk Lắk), cho biết lực lượng chức năng đang tìm kiếm một nam thanh niên mất tích. Trước đó, vào sáng cùng ngày, người thân không thấy nam thanh niên đang trông coi hồ cá nên trình báo cho cơ quan chức năng tìm kiếm nhưng chưa có kết quả.
Nguy cơ cao sạt lở đất ở vùng núi
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, đêm 30-11 và sáng 1-12, các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa có mưa, có nơi mưa rất to. Dự báo, do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp nhiễu động trong đới gió đông trên cao suy yếu dần nên đêm 1 và sáng sớm 2-12, các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có mưa, riêng các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Nam có mưa vừa, có nơi mưa rất to và giông. Từ ngày 2-12, mưa có xu hướng giảm ở những khu vực trên.
Cơ quan dự báo cảnh báo nguy cơ cao sạt lở đất ở vùng núi tại các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Ninh Thuận và khu vực Tây Nguyên; tình trạng ngập lụt ở vùng trũng thấp, ven sông, khu đô thị tại các tỉnh từ Quảng Nam đến Ninh Thuận và khu vực Tây Nguyên tiếp tục diễn ra.
Ba ngày qua, các hồ thủy lợi, thủy điện ở tỉnh Quảng Nam xả lũ khiến nhiều khu vực tại các huyện: Nông Sơn, Đại Lộc, Núi Thành và thị xã Điện Bàn, TP Hội An, TP Tam Kỳ... ngập nặng. Nhiều tuyến đường trong phố cổ Hội An ngập 30-40 cm, người dân phải dùng thuyền để đi lại. Mưa lớn liên tục cũng gây ngập lụt, chia cắt cục bộ nhiều nơi tại 2 huyện Bắc Trà My, Nam Trà My. Tại Bắc Trà My xảy ra hàng chục điểm sạt lở núi, làm ít nhất 4 nhà dân bị sập, 10 nhà hư hỏng. Tại các xã Phước Lộc, Phước Thành (huyện Phước Sơn) mới được thông đường sau gần 1 tháng bị cô lập, nay sạt lở tiếp tục gây tắc đường.
Ở Bình Định, tuy ngớt mưa nhưng lũ từ thượng nguồn ào ạt đổ về chia cắt nhiều đoạn trên Tỉnh lộ 640 nối trung tâm huyện Tuy Phước đến các xã. Nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã chìm trong nước khiến nhiều địa phương bị chia cắt. Nhiều chỗ người dân phải dùng thuyền hoặc xe vận tải lớn để trung chuyển với giá khoảng 20.000 đồng/lượt/người. Theo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tuy Phước, do nước lũ chia cắt và một số trường học ngập trong nước nên trong ngày 1-12, học sinh mẫu giáo, tiểu học đến THCS thuộc các xã bị ngập lụt đều phải nghỉ học. Lũ dâng cao cũng khiến hàng ngàn công nhân ở các xã khu Đông huyện Tuy Phước đang làm việc tại KCN Phú Tài (TP Quy Nhơn) không thể đến nơi làm việc.
Cùng ngày, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định phát tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất. Theo đó, sạt lở đất có nguy cơ xảy ra tại một số nơi trong tỉnh; ngập úng cục bộ tại các huyện: An Lão, Hoài Ân, Vĩnh Thạnh, Tây Sơn và Vân Canh.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/lai-chet-nhieu-nguoi-vi-lu-du-20201201230355433.htm