Lạc quan vừa nhen nhóm ở Triều Tiên, Bình Nhưỡng đã dọa hủy gặp

Giám đốc Chương trình Lương thực Thế giới của LHQ vừa có chuyến công tác đến Triều Tiên và nhìn thấy 'sự lạc quan đang nhen nhóm' ở đất nước này trước cuộc gặp Mỹ - Triều.

Triều Tiên ngày 16/5 vừa tuyên bố họ sẽ "cân nhắc lại" cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều, sau khi Hàn Quốc và Mỹ tập trận chung. Diễn biến bất ngờ đến sau vài tháng quan hệ trên bán đảo Triều Tiên nồng ấm lên và đặc biệt là cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều hồi cuối tháng 4 diễn ra thành công.

Mới hôm 15/5, Giám đốc Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc (WFP) David Beasley đã nói rằng có một “cảm giác lạc quan” giữa các quan chức Triều Tiên về các diễn biến ngoại giao của đất nước. Họ cũng cam kết sẽ hợp tác cởi mở hơn với các tổ chức hỗ trợ nhân đạo để mang lại sự ấm no cho người dân Triều Tiên. Ông Beasley vừa trở về sau chuyến thăm chớp nhoáng 4 ngày tại Triều Tiên hồi tuần trước.

Giám đốc Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) David Beasley đến thăm một nhà trẻ ở Triều Tiên hôm 9/5. Ảnh: WFP.

Lạc quan, dù thiếu thốn

Người đứng đầu WFP cho biết tình trạng thiếu lương thực hiện tiếp tục là một vấn đề tại Triều Tiên. Tuy nhiên, trong chuyến thăm ngắn ngủi, ông cho biết đã không ghi nhận bất kỳ bằng chứng nào cho thấy tình trạng thiếu đói nghiêm trọng tương tự thập niên 1990.

“Tôi không thấy cảnh đói ăn trong chuyến thăm. Tôi không thấy bằng chứng nào cho thấy điều đó”, New York Times dẫn lời ông Beasley phát biểu tại cuộc họp báo ở Seoul ngày 15/5.

Người đứng đầu WFP cho biết ông đã dành 2 ngày để đến thăm các trang trại, làng bản, trường học… ở Triều Tiên và sử dụng 2 ngày còn lại ở thủ đô Bình Nhưỡng để gặp mặt các quan chức.

Chuyến đi của ông Beasley diễn ra chỉ một tháng trước khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un dự kiến gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump ở đảo quốc Singapore vào ngày 12/6 tới.

Vị cựu thống đốc bang South Carolina đánh giá các động thái ngoại giao đang được xúc tiến giữa Washington và Bình Nhưỡng đã có ảnh hưởng dễ nhận thấy lên thái độ của các quan chức Triều Tiên hiện nay.

Ông cho biết các thành viên trong nhóm của ông đã nhận được nhiều sự cho phép hơn khi đến thăm các địa điểm ở Triều Tiên, khác hẳn với các chuyến đi trước đây.

“Có một cảm giác lạc quan ở giới lãnh đạo và những người Triều Tiên mà tôi đã gặp. Họ hy vọng rằng đất nước đang bước sang một chương mới, một trang sử mới”, ông Beasly nhận định.

Ông Beasley cho biết người Triều Tiên giờ đã thoát khỏi cảnh đói của thập niên 1990, nhưng vẫn chịu cảnh thiếu ăn. Ảnh: WFP.

WFP đã hoạt động tại Triều Tiên trong hơn 20 năm qua. Họ cung cấp các hỗ trợ về dinh dưỡng cho trẻ em, phụ nữ có thai cùng các bà mẹ. Tuy nhiên, WFP thời gian qua đã vướng phải nhiều khó khăn trong việc gây quỹ để phục vụ hoạt động tại Triều Tiên khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc áp đặt các gói trừng phạt gắt gao lên Bình Nhưỡng, để đáp trả các vụ thử hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Bên cạnh đó, Triều Tiên còn bị cáo buộc đã hạn chế các chuyên viên quốc tế độc lập tiến hành hoạt động hỗ trợ người dân nước này.

Ông Beasley cho biết ông cùng các cộng sự đã dành nhiều thời gian để giải thích cho giới chức Triều Tiên hiểu rằng họ cần cung cấp cho WFP nhiều dữ liệu cũng như cơ hội tiếp cận. Điều này là cần thiết để đảm bảo tính minh bạch trong việc phân bổ nguồn hỗ trợ cũng như giúp WFP xác định rõ hơn nhu cầu của người dân Triều Tiên.

Cơ hội sẽ đến hay bị thổi bay?

Người đứng đầu WFP đánh giá ông nhận thấy “một khát khao thật sự để cởi mở hơn” và ông đã tham gia vào “các cuộc thảo luận thật tâm và ngay thẳng hơn”. “Triều Tiên đã cho tất cả thấy được họ mong muốn đáp ứng các tiêu chuẩn của chúng tôi và hợp tác với chúng tôi”, ông Beasley cho biết.

Triều Tiên đã trải qua nạn thiếu lương thực kinh niên kể từ những năm 1990 mặc dù việc sản xuất các loại ngũ cốc của nước này đã cải thiện trong những năm gần đây. Năm ngoái, WFP ước tính 10 triệu người trong số 25 triệu dân Triều Tiên rơi vào tình trạng thiếu ăn. Thông thường họ thiếu các loại protein thiết yếu, chất béo, vitamin và các khoáng chất.

Dù sử dụng các công cụ thô sơ, người dân Triều Tiên vẫn siêng năng với công việc đồng áng để sản xuất lương thực. Ảnh: AFP.

Trung bình các thanh thiếu niên Triều Tiên có chiều cao thấp hơn so với những người bạn Hàn Quốc đồng trang lứa do tình trạng thiếu ăn. “Không trẻ em nào đáng phải chịu hậu quả như vậy”, ông Beasley tuyên bố.

Trong chuyến thăm Triều Tiên 4 ngày, ông Beasley cho biết đã nhìn thấy nhiều phụ nữ và đàn ông làm việc trên các cánh đồng cùng với những trang thiết bị thô sơ. Họ dùng cuốc, xẻng và tận dụng sức trâu bò để cày bừa. Ông nói rằng “mỗi tấc đất” canh tác cho đến từng ngõ ngách dường như được tận dụng để trồng trọt khi “đất nước ẩn sĩ” này xoay xở để sản xuất lương thực.

Sự quyết tâm đó của nhân dân Triều Tiên như thể được làm mát bởi những hạt mưa đầu mùa mà nhà lãnh đạo nước này đang mang lại. Vừa qua, ông Kim Jong Un đã tuyên bố sẽ từ bỏ chính sách “Byungjin” (vừa phát triển đất nước, vừa chế tạo hạt nhân) để dồn sức lực phát triển kinh tế quốc gia.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In mới đây cũng hứa hẹn sẽ sẵn sàng giúp đỡ Triều Tiên cải thiện nền nông nghiệp cùng các ngành công nghiệp chủ chốt, mở đường cho dòng vốn tư nhân đầu tư vào các lĩnh vực năng lượng, cơ sở hạ tầng… nếu nước này từ bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (trái) trong cuộc gặp lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un ở Bình Nhưỡng. Ảnh: AP.

Nếu Triều Tiên làm tới cùng cam kết phi hạt nhân hóa và các điều kiện được Mỹ đặt ra, cơ hội thoát khỏi thiếu lương thực để bước sang một giai đoạn ấm no hơn sẽ mau chóng đến với nước này. Hãng tin Bloomberg còn phỏng đoán, Triều Tiên có khả năng sẽ trở thành một “sân sau” mới của tập đoàn Samsung một khi giới lãnh đạo nước này giữ các cam kết phi hạt nhân hóa tới cùng.

Dù vậy, đến ngày 16/5, những niềm hy vọng đó có lẽ phải kèm thêm chút bất an khi Triều Tiên liên tiếp dọa sẽ rút khỏi cuộc họp thượng Mỹ - Triều, vốn lên kế hoạch vào ngày 12/6 ở Singapore, nếu Mỹ một mực yêu cầu Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân.

90s: Những biểu tượng hòa bình của thượng đỉnh liên Triều

Cuộc gặp gỡ thượng đỉnh lịch sử giữa ông Kim Jong Un và ông Moon Jae In ngày 27/4 cho thấy nhiều biểu tượng hòa bình, thống nhất và hữu nghị.

Biên An (theo NYT)

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/lac-quan-vua-nhen-nhom-o-trieu-tien-binh-nhuong-da-doa-huy-gap-post843036.html