'Lá chắn tên lửa' trên hạm Pantsir-ME của Nga

Dựa trên hiệu quả ưu việt của tổ hợp pháo-tên lửa Pantsir-S1 trang bị cho lực lượng lục quân, Quân đội Nga đã phát triển và hoàn thiện biến thể Pantsir-ME trang bị trên hạm với vai trò là lá chắn phòng thủ tầm cực gần hay CIWS.

Tổ hợp pháo-tên lửa Pantsir-ME.

Phiên bản trên hạm của tổ hợp pháo-tên lửa Pantsir-ME được phát triển tại Cục thiết kế kỹ thuật khí cụ Shipunov ở Tula vào năm 2017. Không giống như phiên bản lục quân, Pantsir-ME được trang bị 8 đạn tên lửa 57E6-E1 và pháo siêu tốc AO-18KD với cỡ nòng là 30mm.

Tổ hợp hoạt động theo nguyên tắc tấn công các mục tiêu ở cự ly xa bằng tên lửa, còn đối với các mục tiêu tầm gần và bay thấp thì sẽ là nhiệm vụ của pháo 30mm.

Theo giới thiệu của nhà sản xuất, Pantsir-ME có khả năng ngăn chặn các đợt tấn công từ trên không, trên biển, đặc biệt là các thiết bị không người lái. Tổ hợp có khả năng phát hiện mục tiêu ở cự ly lên tới 75km; bám bắt và tiêu diệt chúng ở phạm vi 20km, độ cao tác chiến tới 15km. Thời gian phản ứng của tổ hợp là 5 giây.

Trong các bài thử nghiệm, Pantsir-ME đã tấn công cùng lúc 4 mục tiêu và khả năng tiêu diệt mục tiêu cơ động với vận tốc 1000m/giây nhờ hệ thống điều khiển quang-radar tích hợp trí thông minh nhân tạo giúp phát hiện tất cả các vật thể tấn công từ trên cao. Cơ cấu trinh sát, dẫn bắn này truyền tải trực tiếp toàn bộ thông tin về các mục tiêu đã bị khóa tới hệ thống chỉ huy để kíp chiến đấu quyết định có tấn công hay không. Cùng với đó, Pantsir-ME cũng có chế độ hoạt động tự động hóa hoàn toàn.

Tổ hợp pháo-tên lửa Pantsir-ME có khả năng tạo ô phòng không bảo vệ chiến hạm khỏi các mục tiêu bay đa dạng từ tên lửa diệt hạm tới UAV tự sát. Ảnh: Topwar

Trọng lượng tổ hợp Pantsir-ME đầy đủ là hơn 7 tấn. Nó hoàn toàn phù hợp để trang bị trên các chiến hạm có lượng choán nước từ 500 tấn trở lên.

TUẤN SƠN (tổng hợp)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/vu-khi-trang-bi/la-chan-ten-lua-tren-ham-pantsir-me-cua-nga-771615