Kỳ vọng gì ở thị trường chứng khoán tháng 5?

Sau khi sụt giảm mạnh trong tháng 4 với nhiều sự kiện lớn, thị trường chứng khoán trong ngắn hạn được đánh giá là 'bất định' với nhiều yếu tố không chắc chắn. Tuy nhiên, dòng tiền lớn vẫn đang chờ đợi 'bắt đáy' các cổ phiếu tốt có tiềm năng tăng trưởng cao.

Điểm số và thanh khoản thị trường đã giảm mạnh trong tháng 4. Nguồn dữ liệu: Vietstock.

Thị trường tháng 4 đã phản ứng thái quá?

Mặc dù những phiên cuối tuần hồi phục khá tốt nhưng chỉ số VN-Index đã giảm 125,35 điểm, tức giảm 8,4% so với tháng 3. Đây cũng là mức giảm theo tháng lớn nhất kể từ tháng 3-2020, tức thời điểm mà dịch Covid-19 vừa mới bùng phát, theo báo cáo của Fiintrade.

Ghi nhận cũng cho thấy toàn bộ các ngành giảm điểm trong tháng 4, trong khi nhóm giảm mạnh nhất là dầu khí (giảm gần 21%), xây dựng và vật liệu (gần 20%) và dịch vụ tài chính (giảm hơn 18%).

Tháng 4 cũng là tháng có rất nhiều sự kiện lớn liên quan đến thị trường vốn nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng. Tâm lý thị trường trở nên đặc biệt tiêu cực sau các động thái siết lại hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp, thắt chặt lĩnh vực cho vay nóng như bất động sản hay xử lý các vụ việc thao túng giá cổ phiếu trên thị trường.

Bên cạnh sức ép của thị trường quốc tế, áp lực bán giải chấp cổ phiếu sau đó đã ảnh hưởng xấu đến thị trường, khiến nhiều cổ phiếu có nền tảng cơ bản, tăng trưởng lợi nhuận tốt trong năm và trong quí 1 cũng bị bán tháo theo.

Theo đánh giá của Công ty chứng khoán MIB, sự giảm mạnh của chỉ số VN-Index, chủ yếu do các nhà đầu tư cá nhân hoảng loạn bán ra và hoạt động bán giải chấp cổ phiếu đã tạo ra hiệu ứng “domino”. Dù vậy, một điểm đáng chú ý đây không phải là lần đầu tiên thị trường có một “thời kỳ thanh lọc” như thế này. Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích của MIB cho rằng dường như thị trường đã phản ứng quá mức đối với việc thực thi pháp luật của chính phủ.

Không chỉ ghi nhận đà bán tháo chung trên thị trường, thanh khoản cũng sụt giảm mạnh trong các phiên cuối tháng 4, dù thị trường vẫn có sự hồi phục trong nghi ngờ.

Theo số liệu của Công ty chứng khoán VNDirect, giá trị giao dịch trung bình trên ba sàn giảm 12% so với đầu tháng (nhưng tăng 22,2% so với cùng kỳ), xuống mức 27.957 tỉ đồng. Trong đó thanh khoản sàn HOSE giảm 9% so với đầu tháng, còn sàn HNX và UPCoM lần lượt giảm 28,1% và 21,5% so với cùng kỳ.

Danh mục đầu tư của nhiều nhà đầu tư cá nhân giảm mạnh trong tháng 4 vì đà bán tháo ở toàn bộ các nhóm ngành nghề trên thị trường. Có thời điểm chỉ số VN-Index đã giảm sâu nhất về 1.261 điểm, nhưng sau đó lực cầu bắt đáy xuất hiện giúp chỉ số đảo chiều ngay.

Theo khối phân tích Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam, điểm tích cực là dòng tiền ngắn hạn có dấu hiệu phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu, đặc biệt dòng tiền có dấu hiệu quay trở lại một vài nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ.

“Chỉ báo tâm lý ngắn hạn tiếp tục tăng mạnh cho thấy các nhà đầu tư đã bớt bi quan và thoát khỏi giai đoạn bi quan quá mức, đặc biệt cơ hội ngắn hạn dần gia tăng”, báo cáo của Yuanta nhận định.

Đã tới thời điểm “bắt đáy”?

Mặc dù thị trường giảm điểm mạnh đi cùng danh mục thua lỗ của nhiều nhà đầu tư, các chuyên gia vẫn cho rằng đây là thời điểm phù hợp để tìm kiếm các cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng tốt. Theo đó, việc bán tháo mạnh cũng đồng thời mang đến cơ hội mua tích lũy nhiều mã cổ phiếu chất lượng với mức chiết khấu đáng kể.

Theo VNDirect, các yếu tố vĩ mô hỗ trợ thị trường trong tháng 5 là dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn được cải thiện, việc mở cửa lại thị trường ở nhiều dịch vụ và ngành nghề, gói kích thích kinh tế được triển khai (giảm thuế VAT, nâng quy mô gói cấp bù lãi suất, giải ngân đầu tư công,…), dòng vốn FDI tiếp tục hồi phục và hoạt động xuất khẩu tiếp tục được cải thiện.

Bên cạnh đó, tăng trưởng lợi nhuận cao của nhóm các doanh nghiệp cũng mang đến sự kỳ vọng trên thị trường.

Tính đến ngày 27-4, có khoảng 529 công ty (chiếm khoảng 20,7% tổng vốn hóa toàn thị trường) công bố kết quả kinh doanh tích cực, với doanh thu và lợi nhuận trong quí 1 lần lượt tăng 31,5% và 68,1% so với cùng kỳ. Thống kê cũng cho thấy có 7 ngành có tỷ lệ doanh nghiệp công bố báo cáo kết quả quí 1 cao hơn 40% (theo tỷ trọng vốn hóa), đa phần đều có mức tăng trưởng lợi nhuận khả quan trong quí vừa qua.

Lợi nhuận doanh nghiệp tăng cao trong khi giá cổ phiếu giảm giúp định giá doanh nghiệp trở nên hấp dẫn hơn. Theo thống kê của VNDirect, chỉ số P/E của VN-Index tính ở thời điểm 25-4 ở mức thấp nhất kể từ tháng 9-2020, thấp hơn 15,2% so với mức đỉnh trong năm nay. Với lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp trên HOSE dự báo tăng trưởng 23% trong năm nay, chỉ số P/E sẽ còn về mức hấp dẫn hơn, khoảng 12,3 lần và thấp hơn nhiều so với mức P/E trung bình 3 năm qua (16,2 lần).

“Định giá này hiện ở mức rất hấp dẫn đối với các nhà đầu tư dài hạn, những người đang tìm kiếm các công ty được quản trị tốt với mức tăng trưởng lợi nhuận cao”, khối phân tích của chứng khoán VNDirect nhận định.

Một yếu tố tích cực hỗ trợ khác là dòng tiền ở bên ngoài sẵn sàng chờ “bắt đáy”. Theo số liệu ước tính mới đây được VCBS dẫn lại, số dư tiền gửi khách hàng tại các công ty chứng khoán vào cuối quí 1-2022 là khoảng 100.000 tỉ đồng, tăng khoảng 6.000 tỉ đồng so với cuối năm ngoái và cao kỷ lục từ trước đến nay. Tương tự, dư nợ cho vay toàn thị trường cũng tăng nhẹ và đạt mức kỷ lục khoảng 200.000 tỉ đồng.

“Việc dòng tiền lớn vẫn đang ở trạng thái chờ đợi để giải ngân trở lại ở tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư cho thấy các nhà đầu tư không hoàn toàn bi quan về thị trường, và sẵn sàng tham gia lại khi nhận thấy cơ hội tốt hoặc thị trường chung có mức chiết khấu mạnh”, các chuyên gia phân tích của VCBS nhận định.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng không loại trừ kịch bản thị trường tiếp tục đi xuống trong bối cảnh có nhiều yếu tố trong nước và quốc tế ảnh hưởng.

Yếu tố đầu tiên là lạm phát trong nước cao hơn dự kiến có thể cản trở đà tăng trưởng kinh tế và áp lực thắt chặt chính sách tiền tệ. Trong khi đó, các yếu tố quốc tế cũng sẽ tiếp tục ảnh hưởng mạnh đến kinh tế vĩ mô năm nay. Theo đó, các tổ chức nghiên cứu lớn đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu 0,5-0,9 điểm phần trăm trong năm nay để phản ánh tác động của cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine. Áp lực lạm phát toàn cầu cũng đang nặng nề không chỉ giá hàng hóa cơ bản tăng, mà còn vì áp lực chuỗi cung ứng khi Trung Quốc tiếp tục theo đuổi chính sách “zero-Covid”.

Mặt khác, đồng đô la Mỹ mạnh lên cũng gây áp lực lên chính sách tỷ giá và dòng vốn đầu tư gián tiếp trên thị trường. Fed hiện phát đi tín hiệu thu hẹp quy mô bảng cân đối kế toán sớm hơn dự kiến, mức tăng lãi suất cũng cao hơn thị trường kỳ vọng.

Dù thị trường đã phản ánh một phần lộ trình tăng lãi suất của đồng đô la, tuy nhiên, việc thắt chặt mạnh hơn dự kiến có thể ảnh hưởng đến tâm lý thị trường, bao gồm cả các thị trường phát triển và mới nổi, báo cáo của VNDirect nhận định.

Ông Hồ Quốc Tuấn, giảng viên cao cấp, Đại học Bristol, Anh, chia sẻ tại tọa đàm Phố Tài chính mới đây, đánh giá rằng nếu đầu tư ngắn hạn, tức khoảng 1-2 tháng, thì thị trường còn nhiều yếu tố chưa chắc chắn, bao gồm vấn đề tăng lãi suất đô la, câu chuyện riêng của Trung Quốc, rủi ro các đồng tiền ở khu vực các nước đang phát triển cũng bị mất giá mạnh so với đô la, chưa tính đến căng thẳng ở Ukraine.

Tuy nhiên, nếu nhìn dài hạn thì tình hình vẫn được đánh giá là sáng sủa. Dù Fed tăng lãi suất thì mặt bằng lãi suất của Việt Nam vẫn ở mức thấp nhất trong lịch sử tính đến cuối năm 2022 và cổ phiếu vẫn là kênh sinh lợi hấp dẫn. “Đầu tư vào doanh nghiệp tốt thì vẫn sinh lợi”, ông Tuấn nói.

Theo Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam, xu hướng ngắn hạn hiện tại của thị trường chung vẫn duy trì ở mức giảm, nên đưa ra khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục đứng ngoài và quan sát thị trường, chỉ giải ngân nếu chấp nhận mức rủi ro cao.

Về lâu dài, theo MIB, tình trạng hỗn loạn trên thị trường sẽ sớm giảm bớt khi các cơ quan quản lý chủ yếu nhắm mục tiêu “cải thiện tính toàn vẹn và uy tín của thị trường”. “Khi Việt Nam được FTSE nâng hạng lên “thị trường mới nổi” trong những năm tới, việc thực thi pháp luật hơn như thế này là cần thiết để chuẩn bị cho thị trường cho bước nhảy vọt tiếp theo”, báo cáo chiến lược của MIB đánh giá.

Dũng Nguyễn

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/ky-vong-gi-o-thi-truong-chung-khoan-thang-5/