Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ngô vụ đông

Cây ngô thường được sản xuất trên đất 2 vụ lúa và là một trong những cây vụ đông chính trên địa bàn tỉnh. Ngô dễ trồng và chăm sóc nhưng để cho năng suất cao, chất lượng tốt nông dân cần chú ý những điều sau:

Ngô dễ trồng và chăm sóc nhưng để cho năng suất cao, chất lượng tốt nông dân cần chú ý chăm sóc đúng cách (ảnh internet)

1. Kỹ thuật trồng

- Gieo hạt trực tiếp: Sau khi thu hoạch lúa, cày lật đất để tạo luống rộng khoảng 1,2 m, rãnh rộng 30-40 cm, sâu 20-25 cm. Dùng cuốc rạch hàng ngang trên mặt luống sâu 2-3 cm, hàng cách hàng 30 cm.

- Trồng bằng bầu ươm: Nếu bề mặt ruộng còn bằng phẳng, không bị phá kết cấu, tưới tiêu chủ động, cắt sát gốc rạ, phủ rạ lên bề mặt ruộng. Không cần tạo các rãnh thoát nước, sử dụng hệ thống tiêu thoát nước như sản xuất lúa.

+ Sử dụng cuốc tạo hốc đặt bầu theo kiểu nanh sấu, tạo luống đơn hoặc luống đôi. Luống đôi nên có bề rộng 90-120 cm và trồng 2 hàng ngô với khoảng cách 50-60 cm, bầu cách bầu 25-30cm. Khi bề mặt ruộng không bằng phẳng cần phải làm phẳng bề mặt ruộng, tạo điều kiện thuận lợi cho tiêu thoát nước. Với ruộng không chủ động tưới tiêu thì cứ 5-7 hàng tạo 1 rãnh thoát nước.

+ Đặt bầu ngô theo hướng lá xòe ra 2 bên hàng và vuông góc với chiều dài luống, trồng ra ruộng khi ngô đạt 2-3 lá thật.

2. Kỹ thuật chăm sóc

- Lượng phân bón/ha: 8-10 tấn phân chuồng hoai mục hoặc 2.500 kg phân + 600 kg lân supe + 420-450 kg đạm ure + 180-200 kg kaliclorua + 500 kg vôi bột. Bón lót trước khi trồng bằng toàn bộ phân chuồng, lân và vôi bột.

- Bón thúc lần 1 khi ngô bén rễ, hồi xanh. Bón thúc lần 2 khi ngô được 5-6 lá. Bón thúc lần 3 khi ngô được 10-11 lá kết hợp với tưới nước, làm cỏ và vun cao để hạn chế đổ ngã.

- Độ ẩm đất thích hợp đối với ngô là 70-80%. Cách tốt nhất là tưới theo rãnh luống để ngâm qua một đêm rồi rút cạn nước.

- Phòng trừ cỏ dại và sâu bệnh hại sớm, đặc biệt là sâu keo mùa thu, sâu đục thân, bệnh đốm lá, các bệnh sinh lý do thời tiết...

+ Sâu keo mùa thu: khi mật độ sâu cao sử dụng một trong các loại thuốc như: Lufen extra 100 EC, Enasin 32WP, Ratoin 5WG, Karuba WP, Bitadin WP... để phun trừ, phun theo hàng, ướt đều cả hai mặt lá và nách lá.

+ Sâu đục thân: chọn và trồng giống ngô chống chịu sâu đục thân. Gieo trồng đúng thời vụ. Không trồng rải rác tạo nguồn thức ăn cho sâu tồn tại từ vụ này sang vụ khác. Bắt sâu bằng tay, ngắt ổ trứng đem tiêu hủy. Khi mật độ sâu cao, dùng một trong các loại thuốc như: Voliam Targo 063SC, Patox 95SP, Enasin 32WP hoặc thuốc dạng hạt Vibam 5H... để phun hoặc rắc vào gốc cây ngô.

+ Bệnh đốm lá: ngắt bỏ lá bệnh khi mới xuất hiện, khi tỷ bệnh hại cao có thể sử dụng một trong các loại thuốc như: Anvil 5SC, Tilt 250ND, Aliette 800WG, Amistar Top 325EC...

- Đối với các bệnh sinh lý do rét, hạn như huyết dụ, vàng lá… cần chú ý giữ ẩm, bón phân cân đối đặc biệt là lân và kali để tăng tính chống chịu của cây.

Theo Trung tâm Khuyến nông quốc gia

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/nong-nghiep---nong-thon/ky-thuat-trong-va-cham-soc-cay-ngo-vu-dong-218379