Kỷ niệm với Nhà thơ Lâm Quang Mỹ

Nhà thơ-Dịch giả Lâm Quang Mỹ (1943-2023), tên khai sinh là Nguyễn Đình Dũng, SN 1943 (Quý Mùi), hậu duệ nhiều đời của Cương Quốc Công Nguyễn Xí. Anh quê làng Cổ Đan, tổng Đặng Xá, nay là xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Tiến sỹ vật lý Viện Hàn Lâm Khoa học Ba Lan, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Nhà văn Ba Lan. Nghề tay phải là Cử nhân điện tử, nhưng thơ ca lại là nghiệp theo anh trọn đời.

Hơn 30 năm sống xứ người, anh trình làng hàng chục tập thơ xuất bản tại Việt Nam, Ba Lan, được dịch ra nhiều thứ tiếngCzech, Pháp, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Đức, Canada, Ucraina, Hàn Quốc, Thái Lan. Anh chuyển ngữ sang tiếng Ba Lan “Tuyển tập thơ Việt Nam từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 19” (xuất bản 2010), “Thơ Việt Nam hiện đại từ 1932 đến 1941 (xuất bản 2015). Công trình "Thơ Việt Nam từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 19"trở thành “sự kiện thơ của năm 2010” ở Ba Lan, là tác phẩm thơViệt Nam độc đáo ở nước ngoài. Ngày đó chị Kim Phúc kể với tôi: Anh dự định sẽ ra mắt công trình vào đầu tháng 10/2010dịp đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Chừng giữa quý 4/2009 anh nhận tin từ trong nước, rằng, Hội nghị quốc tế giới thiệu văn học VN ra nước ngoài sẽ tiến hành từ 5-10/01/2010tại Hà Nội. Thế là anh như con thiêu thân làm ngày làm đêm cho kịp có sách để giới thiệu tại Hội nghị quan trọng này. Trong 3 ngày công trình in xong, anh đến Nhà xuất bản nhận sách mang về nhà để chuẩn vài hôm sau cả người và sách cùng bay về Hà Nội. Vì quá mừng sách đã in xong, lại vội vàng bỏ quên áo khoác ấm trong xe, bước rangoài trời đang dưới 10 độ C anh bị cảm lạnh viêm phổi cấp, vợ con và bạn bè đưa anh vào bệnh viện cấp cứu. Hiềm nỗi vé máy bay Warszawa-Hà Nội đã mua rồi, anh mở hết “tài dân vận nài nỉ bác sĩ rằng, hai ngày tới phải có mặt tại Hà Nội để dự hội nghị rất quan trọng. Động lòng với “bệnh nhân đặc biệt”, bác sĩ đành cấp thuốc men để anh điều trị ngoại trú.Lên ngồi trên máy bay rồi anh vẫn còn sốt. Thế mà hôm sau vào hội trườn anh tỉnh táo nhanh nhẹn như bình thường. Hỏi thì anh bảo, lâu ngày được gặp anh em bạn bè, cái “viêm cảm lăng nhăng ấy cũng phải nhanh chân tìm đường mà biến chứ!”. Chị Kim Phúc tiếp: “Em à, ngần ấy buổi diễn ngâm thơ (bạn gọi “hát thơ”) anh đều đảm đương ba trong một: chỉ đạo, thiết kế, biểu diễn. Anh hát thơ của mình và thơ của các Nhà thơ Việt Nam và Ba Lan. Chị ngoại đạo thơ phú, những buổi chị thu xếp cùng đi là để lo sức khỏe của anh”.

Nhà thơ Lâm Quang Mỹ tại Tarnowski, tỉnh Małopolskie-quê Đại thi hào Ba Lan Zygmunt Krasinski, nơi anh Lâm Quang Mỹ được trao danh hiệu Công dân danh dự.

Nhà thơ Lâm Quang Mỹ tìm kiếm đãi đằng những tinh túy trong tiếng Ba Lan để thơ Việt đồng điệuvới thơ Ba Lan, để hương vị cái đẹp phương Đông hấp dẫn chinh phục trái tim độc giả châu Âu. Những đóng góp của anh về sáng tác, dịch thuật, diễn ngâm thơ Việt được Hội văn học Việt Nam, Hội văn học Ba Lan nhiệt thành ghi nhận. Anh giành hai giải thưởng UNESCO về thơ, hai giải nhất cuộc thi Marathon thơ quôc tế 2008 (của Ban giám khảo và của công chúng), được Nhà nước Ba Lan tặng thưởng Huân chương công trạng. Trong danh sách các nhà thơ nhà văn xuất sắc nhất của Ba Lan hiện nay có tên anh. Chính quyền vùng Krasnetỉnh Małopolskie-quê hương của thi hào Ba Lan Zygmunt Krasinski, năm 2008 phong tặng anh danh hiệu "Công dân danh dự".

Ông Marek Wawrzkiewicz- Chủ tịch Hội Nhà văn Ba Lan khái quát:"Là nhà thơ có phong cách riêng, nhạy cảm với cái đẹp, qua thơ Lâm Quang Mỹ trong sáng tác và dịch thuật tìm thấy sự tương đồng trong ngôn ngữ thơ ca 2 dân tộc. Thật đáng mừng là thơ của nhà thơ Việt Nam được chào đón trong các gia đình bạn đọc Ba Lan".

Thơ anh độc đáo, khác lạ, kiệm lời, giàu triết lý tư duy,cách diễn đạttinh tế, câu chữ chắt lọc kỹ càng. Lối so sánh ví vongiàu chất triết luận trong thơ anh chạm đến trái tim độc giả, hầu hết những bài thơ của anh đều có một vài câu vui hoặc buồn sâu lắng, nhẹ nhàng, thấm đẫm tình người, tình đời: "...Em muốn em chỉ là màu đất, để muôn hoa từ đó sinh ra", miễn sao “Giữ cho mình một góc của riêng ta”.

Anh sống nội tâm, nhiệt tình, chân thành, tình cảm, giàu nghị lực khám phá. Anhtừng qua tháng ngày sống độc thân cô đơngiữa phố phường Hà Nội, từng trải khó khăn thiếu thốn của một thời “trí thức không nuôi nổi vợ con, trong khi lợn nuôi sống cả vợ con và trí thức”. Anh từng qua những cơn đói cồn cào, những đêm đông lạnh giá, sự trải nghiệm không ai muốn ấy giúp anh thẩm thấu lẽ đời, thẩm thấu những nghiệt ngã tưởng chừng không vượt nổi, nhưng khi vượt được rồi thì nghị lực, khát khao, hy vọng trong anh lại nhân lên.

Các tác phẩm của anh Lâm Quang Mỹ

*****

Anh với tôi đồng tộcđồng làng, tuổi tác cách nhaugần một con giáp, chúng tôi những kỷ niệm khó quên. Vâng, khó quên là bởi dưới thời đạn bom sống chết chỉ trong gang tấc, bởi kỷ niệm đầu tiên xẩy ra cùng ngày cùng giờ với sự kiện lịch sử xẩy ra trên miền Bắc Việt Nam. Đầu chiều ngày 05/8/1964,tàu bay Mỹ bất thình lình ào đến ném bomVinh-Bến Thủy, bom dội trúng kho xăng dầu Bến Thủy (cách làng tôi chừng 4km đường chim bay), khói lửa ngút một góc trời, năm ấy nhóc tôi 10 tuổi một mình ngồi co ro trong hầm tròn cá nhân, bổng ai đó nháo nhào đập lên đầu:

- Cho anh trú với. Ra sông mua mấy bó nứa về để ôngLiệu (cụ thân sinh) đan phên. Chuẩn bị vác nứa về thì… bom…bom...bom!

Tôi ép người sát vào vách hầm để dành chỗ cho anh, bấy giờ ngẩng lên mới nhận ra anh Dũng cách nhà tôi vài trăm mét.Sau trận bom lịch sử ấy anh Dũng lên đườngra Hà Nội học tiếng để chuẩn bị du học Ba Lan. Khi anh lên đường, làng Cổ Đan quê chúng tôi bên bờ hạ lưu tả Lam vẫn mướt mát cây xanh, tấp nập trên bến dưới thuyền đẹp như tranh thủy mặc. Nhưng rồi 9 tháng saungày 20/5/1965 (nhằm 20/4 âl Ất Tỵ), hàng chục lần chiếc máy bay Mỹ từ biển vào oanh tạc liên tục từ 14h-17h, hết tốp này đến tốp khác cắt bom phóng rốc két hủy diệt Quân cảng K34 hải quân, hủy diệt luôn ngôi làng Cổ Đan,48 dân lành thiệt mạng,hàng chục người bị thương. Từ ấy làng Cổ Đan bị đạn bom biến thành vùng đất trắng đất chết, suốt 8 năm (1965-1972) chiến tranh phá hoại miền Bắc, làng tôi không bóng cây bóng người. Trận bom thứ hai hủy diệt dân cư trên đất Nghệ An đã “khai tử” làng tôi, trận bom hủy diệt dân cư đầu tiên giáng xuống thị trấn Dùng huyện Thanh Chương (19/3/1965). Suốt mấy trăm năm kể từ đầu thời Trần đến giữa thế kỷ 20, làng Cổ Đan bên bờ Lam bị bom hủy diệt, mấy chục hộ dân tứ tán khắp nơi. Dân làng tôi tan đàn xẻ nghé từ đó, cũng từ ngày 20/4 âl ấy, hằng năm thành ngày giỗ chung của nhiều gia đình dân làng, dù một số gia đình dạt sang làng khác, xã khác, huyện khác, hoặc chạy lên vùng núi Nghệ An dần thành công dân các huyện miền trên.

Chị Kim Phúc, Nhà giáo Hoàng Xuân Thường, em Nguyễn Công Hòa, và tác giả bài viết (chụp ngày 08/8/2022)

Sau trận bom hủy diệt ấy, nhà anh Dũng dạt vô Kỳ Đùng Hà cách chỗ cũ bờ Lam chừng 2 cây số. Nhà bố mẹ tôi thì gặp “hạn”, chạy“đến đâu bom theo đấy”, bị mất trắng hai lần nhà nữa vì bom. Sau lần trắng tay “của đi thay người” đầu năm 1968, từ Kỳ Đùng Ràn bố mẹ tôi tha đàn con dạt sang Kỳ Đùng Hà dựng tạm 1 gian tranh tre trú nắng trú mưa cách nhà anh Dũng tầm 300m. Làng mới Kỳ Đùng Hà tập hợp vài chục gia đình lánh nạn. Nhà ông Liễu (thân sinh anh Dũng) gỗ lim kiên cố vào hàng khá giả, thời điểm ấy người anh cả và cô em gái của anh Dũng tên là Dương đều đang bộ đội. Một ngày hè năm 1970 đất trời trút lửa, hôm ấy nhà ông Liễu người lớn đi vắng, hai thằng cháu nội là Nguyễn Đình Trần (10 tuổi), Nguyễn Đình Đông (8 tuổi) ở nhà, nổi lửa nấu khoai, chẳng may gây hỏa hoạn. Gần trưa đang lúc gió phơn nam ràn rạt, căn nhà gỗ lim phút chốc thành bó đuốc khổng lồ, lửa gặp gió bốc cao 15-20m, thiêu trụi ngôi nhà cùng toàn bộ nông sản vừa thu hoạch đã được cất đặt gọn gàng.

Tôi nhập ngũ, đơn vị đóng tại Vườn Nhãn Đền Voi Phục (bên Ngã Ba Cầu Giấy), nghe tin anh Dũng đã về nước làm việc tại Viện Vật lý. Một sáng Chủ nhật tiết thu năm 1973 tôi đang chơi bóng bàn tại đơn vị thì sỹ quan trực ban vào gọi:

- Đồng chí Hưởng ra cổng gặp người nhà.

Ai nhỉ? Đoán già đoán non vẫn không biết người nhà là ai. Từ xa tôi thấy người đàn ông đứng bên chiếc xe máy hiệu Pozot 105 màu vàng, lại gần nghe chất giọng Cổ Đan đặc sệt:

- Hưởng ơi, anh Dũng đây.

- Ôi, anh Dũng. Bằng cách nào anh biết em ở đây mà tìm?

- Dài dòng lắm, anh em mình 9 năm rồi mới gặp nhau, ta dạo phố nói chuyện.

Anh bảo tháng trước nghỉ phép về quê, lên nhà o chú chơi (anh gọi bố mẹ tôi bằng o chú), biết em ở Hà Nội, anh cầm cái hòm thư 30JA... thì em trốn ở mô anh cũng tầm ra, dân kỹ thuật mà. Chiếc Pozot 105 ta đang cưỡi anhmượn của Giáo sư Nguyễn Văn Hiệu-Viện trưởng Viện Vật lý. Ngày đó Viện Vật lý anh làm việc đóng bên đường Bưởi-Chèm, cách đơn vị tôi chừng 4-5 cây số. Anh là cán bộ độc thân duy nhất của Viện, được GS Viện trưởng “đặc cách” suất nội trú tạicơ quan, thế nên “thường ngày làm việc của Viện, hằng đêm và các ngày Chủ nhật anh làm Sư giữ Chùa”. Chủ nhật tôi mượn xe đạp công vụ của đơn vị sang Viện Vật lý “cùng anh làm sư giữ Chùa”. Mấy Chủ nhật anh mượn xe máy “cụ Hiệu” chở tôi bát phố, vào các quầy bán sách, báo mượn xem tại chỗ, rất ít khi mua vì viêm màng túi. Có lần qua cổng Đại sứ quán Ba Lan, anh dựng xe bên này bảo tôi đứng chờ, anh sang cổng sứ quán “mong gặp mấy ông Tây để giao tiếp tiếng Ba Lan, văn ôn võ luyện, lâu ngày không dùng hỏng mất”.

Dạo khắp Hà Nội gần hết bình xăng, về Viện bật bếp dầu nấu mì sợi, mỗi người 1 bát kèm một quả trứng. Anh có trí nhớ đăc biệt, tôi nghe anh đọc nhiều bài thơ anh thuộctừ tuổi trường làng trường tỉnh, trong đó bài “Chia tay đầu trăng mật” của Nhà thơ Minh Huệ làm trong kháng chiến chống Pháp, bị xếp vào hệ “thơ tả thực”, “thơ phản chiến” cấm phổ biến, nó hiếm tới mức trong Di cảo của Nhà thơ Minh Huệ do gia đình bảo quản cũng không có bài này. Từ ngày đó tôi biết anh thuộc rất nhiều thơ Ta có Tây có, cũng từ ngày đó tôi mường tượng Vật lý là nghề câu cơm, Thơ ca mới là niềm đam mê cuốn hút anh. Dù vậy tôi không nghĩ Thơ ca sẽ là nghiệp để chừng 20 năm sau xuất hiện bút danh Lâm Quang Mỹ có chỗ đứng vững vàng trên thi đàn Ba Lan,trở thành lưỡng quốc hội viên" Hội nhà văn Việt nam - Hội nhà văn Ba Lan.

Một trong rất nhiều cuộc “hát thơ” của anh Lâm Quang Mỹ (năm 2018).

Anh Nguyễn Đình Dũng, Nguyễn Đình Tâm tại Ngày thơ VN- 2019

Nghỉ hưu anh sang sống cùng vợ con trước đó đã định cư Ba Lan. Từ ấy cho đến khi sức khỏe không cho phép, anh có khoảng1500 buổi diễn ngâm thơ tại nhiều địa phương nước sở tại.Ông Darius Tomasz Lebioda, Nhà thơ, Gíao sư Tiến sĩ,Nhà phê bình văn học, Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ “Temat” nhận xét: “Lâm Quang Mỹ đã có chỗ đứng vững chắc trong văn học Ba Lan. Các buổi biểu diễn của ông luôn thu hút rất đông người xem.... trở thành ngày hội thật sự của thơ trữ tình, của nét lạ phương Đông xa xôi.”

*****

Lần cuối ngồi với anh tại quán cafe bên bờ tả Lam, gió chiều lồng lộng, anh hít thở rất sâu, giang rộng hai tay cười bảo: Hưởng à, anh Dũng gói gió quê hương mang sang trời Tây dùng dần!

Chị Kim Phúc ơi! Từ quê nhà xa xôi, em kể mấy mẩu chuyện này kết nén tâm nhang kính viếng hương linh anh Nguyễn Đình Dũng, chị nhé!

Vinh, 30/7/2023

Giao Hưởng

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/ky-niem-voi-nha-tho-lam-quang-my-a20099.html