Kỷ niệm về bức thư Bác Hồ gửi anh lính trẻ

Thư được đánh máy trên một trang pơ-luya mỏng, khổ 14x20 cm,có chữ ký của Bác Hồ rất rõ.

Những năm sáu mươi của thế kỷ 20, khi cuộc chiến tranh bằng không quân của Mỹ ở miền Bắc nước ta đang leo thang tới giai đoạn ác liệt nhất, cơ quan chúng tôi phải sơ tán về một vùng núi ở phía Bắc tỉnh Vĩnh Phú.

Vào một đêm đông rất rét, không ngủ được, chúng tôi phải đốt lửa ngồi sưởi ấm và nói chuyện dông dài với nhau. Anh N.L., một cán bộ lớn tuổi đã kể cho chúng tôi câu chuyện sâu đây: Mùa đông năm 1948, vào một đêm cũng rét như đêm nay, tại một binh trạm giữa rừng sâu Việt Bắc, anh nằm mông lung suy nghĩ về tương lai.

Lúc đó anh là một chiến sĩ Vệ quốc đoàn mới hai mươi tuổi, đã có bằng diplôme. Anh nghĩ, sau khi kháng chiến thắng lợi, nước ta cần có nhiều chuyên gia để xây dựng lại đất nước. Và đêm hôm đó, anh đã cao hứng viết một lá thư lên Bác Hồ nói về điều này và xin được Bác cử anh ra nước ngoài học tập.

 Ảnh tư liệu. Nguồn: Bộ Văn hóa.

Ảnh tư liệu. Nguồn: Bộ Văn hóa.

Thư gửi đi rồi, anh bỗng tự trách mình đã làm một việc không chín chắn. Đất nước đang kháng chiến, thiếu thốn trăm bề mà lại xin Bác cử ra nước ngoài học tập! Nhưng rồi lại nghĩ: Chắc gì thư đã tới tay Bác, vì ngoài phong bì anh chỉ đề: Thư gửi Hồ Chủ tịch. Mà nếu có tới tay Người, Bác sẽ không trả lời, vì cho đây là “chuyện trẻ con”. Ấy thế mà khoảng nửa năm sau, anh nhận được thư trả lời của Bác. Anh thực sự sửng sốt và xúc động.

Anh N.L. rút chiếc ví từ túi áo ngực ra, lấy lá thư được bọc kỹ trong tấm ni-lông nhỏ, đưa chúng tôi xem. Thư được đánh máy trên một trang pơ-luya mỏng, khổ 14x20cm, có chữ ký của Bác Hồ rất rõ. Vì đã mấy chục năm trôi qua, nên tôi chỉ nhớ vài ý Bác viết trong thư: Bác nói Bác rất cảm động khi nhận được thư anh, vì cuộc kháng chiến đang rất khó khăn, gian khổ, nhưng anh vẫn vững tin vào ngày thắng lợi, vẫn nghĩ tới ngày xây dựng lại đất nước.

Bác rất tiếc hiện nay Nhà nước ta còn nghèo, chưa thể có kinh phí cử người ra nước ngoài học tập. Bác khuyên anh cố gắng tự học, học cho giỏi một nghề, tích cực tham gia các công tác cách mạng, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân.

Ngày ấy chưa có các phương tiện sao chụp, nhưng sau này tôi cứ tự trách mình là tại sao không xin phép anh chép lại lá thư quý báu đó, để giữ lại một di sản tinh thần mà Bác để lại cho đời, bởi vì chỉ ít lâu sau đó, chúng tôi chia tay nhau mỗi người một ngả và mấy năm sau thì nghe tin anh bị mất vì một cơn bạo bệnh. Không hiểu gia đình anh còn giữ được và đã công bố lá thư đó chưa?

Những năm gần đây nhiều cuốn hồi ký của các nhà hoạt động chính trị - xã hội, cả phía ta lẫn phía đối phương đã lần lượt ra mắt bạn đọc. Họ kể khá nhiều câu chuyện lý thú về các cuộc gặp gỡ, đối thoại, những kỷ niệm về Hồ Chí Minh trong thời kỳ trước và sau Cách mạng tháng Tám, trong hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của nhân dân Việt Nam.

Họ công bố khá nhiều lá thư riêng của Hồ Chí Minh gửi cho họ. Thực ra nói là “thư riêng”, nhưng hầu hết những thư đó Hồ Chí Minh đều nói về việc chung, rất hiếm những thư chỉ nói về chuyện riêng giữa người viết thư và người nhận thư.

Thời gian qua tôi đã đọc được một số cuốn sách, một số bài báo nói trên và có thể đưa ra một nhận xét đầu tiên: Còn rất nhiều thư của Bác Hồ gửi cho bạn bè, đồng bào, đồng chí, cho những người nằm ở phía đối phương còn chưa được tập hợp và xuất bản. Đặc biệt là giai đoạn trước và sau Cách mạng tháng Tám, giai đoạn kháng chiến chống Pháp.

Số sách báo mà tôi đã đọc tuy chưa nhiều, nhưng đã thu thập, lượm lặt được hàng trăm lá thư của Bác. Tôi tin rằng còn hàng trăm lá thư như thế nằm rải rác trong các cuốn hồi ký, trong các sách nghiên cứu, trong các bài báo... mà tôi chưa có dịp đọc qua.

Nhưng chỉ riêng số thư được đọc đã phát hiện ra biết bao tư liệu quý, đầy xúc động, đầy tình người. Nhiều bức thư có thể coi như những áng văn chương kinh điển, những viên ngọc quý của nền văn học Việt Nam, những giá trị tinh thần cao đẹp mà Bác Hồ đã để lại cho nhân dân ta.

Chỉ với những gì tôi đã đọc được, tôi tạm chia ra thành mấy loại:

- Những bức thư gửi cho người Mỹ.

- Những bức thư gửi cho người Pháp, cả những người bên đối phương lẫn bạn bè, đồng chí của chúng ta.

- Những thư riêng gửi cho đồng bào, đồng chí. - Thư gửi cho bầu bạn các nước anh em. - Những lá thư chỉ thị.

Kèm theo những lá thư là đôi điều thuyết minh về hoàn cảnh ra đời của thư. Những lá thư này là một mảng tư liệu phong phú, quý báu, trung thực, giúp chúng ta và bạn bè thế giới tìm hiểu thêm về các khía cạnh của cuộc đời hoạt động sôi nổi, không biết mệt mỏi của Bác Hồ, vị lãnh tụ kính yêu, niềm tự hào của dân tộc ta, đất nước ta. Thực ra, đây là cách làm quen thuộc mà các nước trên thế giới vẫn thường làm trong quá trình tìm hiểu về một con người. Đối với một vĩ nhân lại càng nên làm như thế.

Trong quá trình sưu tầm, giới thiệu, nếu có điều gì sai sót, xin được bạn đọc góp ý và chỉ dẫn. Chúng tôi xin chân thành cảm ơn.

Trần Quân Ngọc

Nguyên Chuyên viên cao cấp Văn phòng Chính phủ

Trần Quân Ngọc (sưu tầm và giới thiệu)/NXB Trẻ

Nguồn Znews: https://znews.vn/ky-niem-ve-buc-thu-bac-ho-gui-anh-linh-tre-post1475787.html