Kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời
Là thành viên hoạt động bí mật nội thành của Đội công tác Thanh niên, sinh viên, học sinh Đà Lạt trước năm 1975 nên tôi mãi không quên những ngày Đà Lạt được giải phóng.

Tháng 3/1966, phong trào đấu tranh chính trị do sinh viên, học sinh phát động đã được sự hưởng ứng của các tầng lớp Nhân dân Đà Lạt. Ảnh: Tư liệu
Ngày 10/3/1975, quân ta giải phóng Buôn Ma Thuột, quân đội Sài Gòn bắt đầu lâm vào tình thế suy sụp nhanh. Những cuộc di tản chiến thuật từ Tây Nguyên xuống miền biển, từ Trị Thiên vào Đà Nẵng theo lệnh của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã làm rệu rã sức chiến đấu của một đội quân được Mỹ trang bị vũ khí tận răng. Ở Đà Lạt, tình hình vẫn im ắng, nhà cầm quyền tỏ ra không lo lắng, hoang mang vì ở đây có cả một lực lượng quân sự hùng hậu của Tuyên Đức - Đà Lạt và của các trường huấn luyện quân sự lớn của chế độ Sài Gòn như: Trường Võ bị Quốc gia, Trường Chiến tranh chính trị, Trường Cảnh sát dã chiến…
Giữa lúc ấy, tôi - một thành viên hoạt động bí mật nội thành của Đội công tác Thanh niên, sinh viên, học sinh Đà Lạt có bí số B71 và anh Trần Đình Tài bí số B7, được chi đoàn nội thành giao nhiệm vụ in hai nội dung truyền đơn để chi đoàn lên kế hoạch rải truyền đơn trong TP Đà Lạt. Một truyền đơn có nội dung kêu gọi đồng bào không di tản theo địch, ở lại phối hợp cùng cách mạng giải phóng thành phố, bảo vệ tính mạng và tài sản của đồng bào. Một truyền đơn kêu gọi sĩ quan, binh lính chế độ Sài Gòn hãy hạ súng làm binh biến trở về với cách mạng, với Nhân dân để được hưởng chính sách khoan hồng của cách mạng.

Chiếc máy đánh chữ do sinh viên, học sinh sử dụng đang được trưng bày tại Bảo tàng Lâm Đồng. Ảnh: Nguyễn Nghĩa
Có thể nói, một nhiệm vụ vô cùng khó khăn vì cả hai chúng tôi đều không giỏi đánh máy mà chỉ gõ theo kiểu cò mổ, cũng không có máy in roneo mà phải in trên một bàn in thủ công do các anh cung cấp, sau mới biết đó là sáng chế của anh Trần Văn Cơ cũng là một thành viên bí mật nội thành. Và rất nguy hiểm vì bộ máy địch vẫn đang hoạt động ổn định, chưa có dấu hiệu di tản, cảnh sát mật vụ vẫn tuần tra khám xét bất cứ lúc nào nên cần phải tuyệt đối giữ bí mật. Địa điểm in truyền đơn là nhà gỗ phía sau biệt thự số 3 đường Cộng Hòa (nay là Lý Tự Trọng), nhà của người gác dan Trường Quang Trung, ông bà xem tôi như con nuôi cũng là nhà trọ của tôi. Bà chủ nhà thấy chúng tôi làm việc gì đó có vẻ bí mật nên tự ý canh gác vòng trong, suốt ngày bà ở ngoài sân, ngoài rào như cảnh giới, tôi còn biết ở vòng ngoài còn có các anh trong đội công tác nội thành đi lòng vòng hoặc ngồi gốc thông đọc sách để cảnh giới từ xa.
Phải mất 3 ngày lọ mọ, chúng tôi mới in được 1.700 tờ truyền đơn, tâm trạng chúng tôi lúc ấy vừa rất lo nhưng cũng vừa hết sức cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ. Sau đó, tôi được tham gia họp bàn kế hoạch rải truyền đơn tại nhà số 2A đường Cộng Hòa, lần đầu tiên được gặp nhiều anh em, tôi cảm thấy rất vui và tin tưởng, vì trước đây tôi chỉ được biết người trực tiếp với mình mà thôi. Vào lúc 5 giờ sáng ngày 27/3/1975, đồng đội từ các con hẻm đã chọn tất cả tiến ra đường đã được phân công và chỉ rải trong 15 phút phải xong, rồi tìm con hẻm khác rút vào không đi lại đường cũ và đường đã có người khác rải (máy đánh chữ và truyền đơn hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Lâm Đồng). Công chức, binh lính bắt đầu hoang mang cho rằng Việt cộng đã vào thành phố, những nhà giàu bắt đầu ồ ạt di tản, một số công chức bỏ nhiệm sở về lo thu xếp gia đình, binh lính cũng dao động. Sau khi quân ta giải phóng Bảo Lộc rồi Di Linh, ở miền Trung, ta liên tục giải phóng các tỉnh, thành phố ven biển thì địch thực sự hoang mang.
Đêm 31/3/1975, địch cho nổ các kho đạn và rút chạy. Sáng 1/4/1975, lực lượng nội thành tổ chức khởi nghĩa tập hợp lực lượng tại sân chùa Linh Sơn, chiều tối 1/4/1975, tôi được phân công chỉ huy một số anh em bảo vệ an toàn tuyệt đối cho buổi họp thành lập Ủy ban Khởi nghĩa Đà Lạt do dì Ba Lê (Nguyễn Thị Hạ, Thị ủy viên, vừa bí mật từ chiến khu về tới Đà Lạt) chủ trì họp tại nhà đồng chí Trần Nghĩa - 68 đường Phan Đình Phùng, Phường 1, thời gian khoảng từ 19 giờ đến 21 giờ. Thành phần dự họp có dì Ba Lê, Trần Nghĩa, Nguyễn Trọng Hoàng, Lê Thị Quyền. Địch đã rút chạy khỏi Đà Lạt về Phan Rang - Ninh Thuận, tuy vậy, tình hình an ninh rất hỗn loạn, bọn tàn quân, tội phạm hình sự giam ở trại thẩm vấn phá trại đi cướp kho gạo, cướp hàng hóa chợ Đà Lạt. Ủy ban Khởi nghĩa đã thành lập lực lượng Tự vệ thành, phân công đi chốt giữ các cơ quan trọng yếu trong Đà Lạt và đi đánh đuổi bọn cướp bóc hôi của giữ an ninh trật tự bảo vệ tài sản và tính mạng đồng bào. Lúc này tôi được phân công chỉ huy một tiểu đội tự vệ thành trực 24/24 tại Rạp Hòa Bình (nay là Rạp 3/4) từ sáng 1/4/1975 để bảo vệ an toàn trụ sở Ủy ban Khởi nghĩa đang chỉ đạo công việc và phát thanh kêu gọi sĩ quan, binh lính và công chức chế độ Sài Gòn trình diện và giao nộp vũ khí. Tiểu đội của tôi phân công nhau ghi danh sách người đến nộp vũ khí và thu nhận vũ khí từ ngày 1/4/1975, sau mấy ngày đã thu được một khối lượng súng đạn rất lớn đủ các loại kể cả mìn, lựu đạn… chất đầy cả hiên trước Rạp Hòa Bình, rồi bàn giao số vũ khí trên cho Quân khu 6. Sau đó, tất cả anh em được rút về Thành Đoàn Đà Lạt, riêng tôi được rút về văn phòng Khu đoàn Khu VI.
Đó là những ngày đáng nhớ trong cuộc đời mình.
Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/xa-hoi/202505/ky-niem-dang-nho-trong-cuoc-doi-ca617c6/