'Kỷ luật và đồng tâm' - Tài sản vô giá của thợ mỏ

Cuộc tổng bãi công ngày 12/11/1936 của trên 3 vạn thợ mỏ Quảng Ninh mãi in đậm trong những trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam như một biểu tượng sáng chói về tính kỷ luật, tinh thần đoàn kết, ý chí kiên cường của giai cấp vô sản trong cuộc đấu tranh chống áp bức, bóc lột, đòi quyền dân chủ. Bài học 'Kỷ luật và đồng tâm' đã trở thành giá trị tinh thần vô giá, đồng hành cùng quân và dân Quảng Ninh trong suốt 82 năm qua, là nguồn lực giúp thợ mỏ vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ.

Đồng tâm vượt khó

Những năm gần đây ngành Than gặp phải những khó khăn, bất lợi về thị trường, điều kiện khai thác, lực lượng lao động thợ lò... Nhiều mỏ hầm lò đã phải chuyển diện khai thác xuống sâu, đi xa, mỏ lộ thiên cũng dần cạn kiệt, chưa kể là những áp lực về môi trường, đòi hỏi ngành Than phải có sự thay đổi về mô hình sản xuất, công nghệ...

Có những thời điểm lượng than tồn lên đến trên 10 triệu tấn, ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động. Thế nhưng, dường như trong khó khăn đó, tinh thần đoàn kết của thợ mỏ lại được nhân lên gấp bội, sự sẻ chia, quyết tâm vượt khó được phát huy cao độ. Cán bộ, công nhân ngành Than đã nêu cao tinh thần kỷ luật, đồng tâm để đưa ra những giải pháp hợp lý trong điều hành sản xuất kinh doanh, gỡ dần khó khăn.

Công nhân Công ty CP Than Hà Lầm nỗ lực thi đua lao động sản xuất.

Theo đánh giá của ông Lê Minh Chuẩn, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn, nếu như năm 1995 - năm đầu thành lập Tổng Công ty Than Việt Nam, sản lượng than khai thác mới đạt trên 7,2 triệu tấn, thì đến năm 2018, dự kiến sẽ sản xuất và tiêu thụ được trên 40 triệu tấn. TKV cũng phát triển mạnh mẽ các lĩnh vực công nghiệp khác như khoáng sản, luyện kim, hóa chất mỏ, công nghiệp điện.

Năm 2018, dự kiến sản xuất trên 12.000 tấn đồng tấm; gần 1,3 triệu tấn alumin; 70.000 tấn thuốc nổ công nghiệp; trên 9,3 tỷ kWh điện. Tổng doanh thu toàn Tập đoàn dự kiến đạt trên 122.000 tỷ đồng, nộp ngân sách trên 15.000 tỷ đồng, lợi nhuận đạt trên 4.500 tỷ đồng. Tập đoàn đã bảo toàn và phát triển được vốn Nhà nước, đáp ứng đủ than cho các ngành kinh tế trong nước, bảo đảm việc làm và ổn định đời sống cho gần 100.000 công nhân lao động với thu nhập bình quân đạt trên 10,8 triệu đồng/người/tháng.

Đến nay, sau khoảng thời gian tiêu thụ khó khăn, TKV đã giải quyết cơ bản lượng than tồn và hiện đang tập trung gia tăng thêm sản lượng khai thác và tiêu thụ. Tính từ đầu năm, TKV đã 3 lần điều chỉnh kế hoạch sản xuất và tiêu thụ từ 36 triệu tấn lên 40 triệu tấn than vào cuối năm 2018 này. Trong 10 tháng qua, Tập đoàn đã sản xuất 30,78 triệu tấn than nguyên khai, tiêu thụ 34,06 triệu tấn; sản xuất 1,09 triệu tấn alumin, tiêu thụ 1,08 triệu tấn; sản xuất 9.538 tấn đồng tấm, tiêu thụ 8.860 tấn; sản xuất 7,96 tỷ kWh điện; sản xuất 53.000 tấn vật liệu nổ công nghiệp, cung ứng 83.000 tấn... Doanh thu toàn Tập đoàn đạt 103.658 tỷ đồng, đạt 91,1% kế hoạch năm, bằng 119% so với cùng kỳ 2017.

Hệ thống băng tải vận chuyển than của Công ty Kho vận Đá Bạc.

Xây dựng ngành Than phát triển vững mạnh

Ông Lê Minh Chuẩn, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn khẳng định: Mục tiêu của giai đoạn từ 2015-2020 và sau năm 2020 là xây dựng TKV thực sự trở thành một tập đoàn kinh tế mạnh; có cơ cấu sản xuất, kinh doanh hợp lý, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh than, khoáng sản, điện, vật liệu nổ công nghiệp, cơ khí, vật liệu xây dựng; mở rộng hợp tác kinh doanh quốc tế... góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và thúc đẩy các ngành kinh tế đất nước cùng phát triển.

Theo đó, Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam giai đoạn 2017-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, TKV sẽ trở thành Tập đoàn kinh tế mạnh có trình độ công nghệ, mô hình quản trị theo hướng hiện đại và chuyên môn hóa cao; cơ cấu tổ chức gọn nhẹ, hợp lý. TKV sẽ tập trung tái cơ cấu vào một số vấn đề trọng tâm bao gồm: Tái cơ cấu ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh; thoái vốn tại các công ty con, công ty liên kết; tăng tỷ lệ sở hữu của TKV tại các công ty cổ phần sản xuất than; sắp xếp doanh nghiệp; phá sản doanh nghiệp; tái cấu trúc quản trị nội bộ và tái cơ cấu lực lượng lao động.

Để thực hiện được mục tiêu đó, TKV xác định, phải đầu tư công nghệ hiện đại, đồng bộ hóa, thông minh hóa các dây chuyền sản xuất, vận chuyển và tiêu thụ cũng như tăng cường chất xám cho các sản phẩm... Do đó trong những năm qua, ngành Than đã không ngừng đầu tư, đổi mới công nghệ theo hướng cơ giới hóa, tự động hóa. Kết quả đến nay, TKV đã áp dụng cơ giới hóa vào vận hành tại hầu hết các mỏ than như: Đầu tư lò chợ cơ giới hóa công suất 600.000 tấn/năm tại các công ty than Hà Lầm, Dương Huy, Khe Chàm; cơ giới hóa khai thác than vỉa dốc bằng tổ hợp dàn chống 2ANSH kết hợp máy bào và giàn mềm ZRY tại các công ty than Mạo Khê, Uông Bí, Hồng Thái...

Giàn cơ giới hóa đồng bộ 1,2 triệu tấn/năm của Công ty CP Than Hà Lầm.

Bên cạnh đó, TKV cũng chỉ đạo tập trung sản xuất theo hướng đẩy mạnh đầu tư, ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa vào sản xuất và quản lý, điều hành. Nhiều hệ thống, dây chuyền công nghệ hiện đại được đưa vào ứng dụng, như: Băng tải hóa vận chuyển; khai thác than bằng công nghệ cơ giới hóa đồng bộ… Song song với đó, Tập đoàn luôn chú trọng đầu tư cải thiện môi trường vùng mỏ, thực hiện tốt các chỉ đạo của Tỉnh ủy Quảng Ninh, đảm bảo các khoản nộp ngân sách tỉnh, đẩy mạnh đầu tư các dự án trên địa bàn tỉnh, góp phần đảm bảo tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp và tăng trưởng GRDP của tỉnh, góp phần xây dựng tỉnh Quảng Ninh giàu đẹp.

Với những thành tích xuất sắc trong chiến đấu, lao động sản xuất, công nhân, cán bộ ngành Than đã vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Sao Vàng năm 1996, danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới năm 2005.

Đặng Nhung

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/201811/ky-niem-82-nam-ngay-truyen-thong-cong-nhan-vung-mo-truyen-thong-nganh-than-1211-1936-2018-va-50-nam-ngay-bac-ho-gap-mat-doan-dai-bieu-cong-nhan-can-bo-nganh-than-1511-1968-2018-ky-luat-va-dong-tam-tai-2407589/