Kỳ II: Siết chặt công tác quản lý
PTĐT - Công tác phát triển sản xuất, kinh doanh giống cây trồng trên địa bàn tỉnh trong những năm qua đã được các cấp, các ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện nhưng hiện nay, một số loại giống cây trồng...
>>> Kỳ I: Chú trọng chất lượng giống cây trồng, nâng hiệu quả sản xuất
PTĐT - Công tác phát triển sản xuất, kinh doanh giống cây trồng trên địa bàn tỉnh trong những năm qua đã được các cấp, các ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện nhưng hiện nay, một số loại giống cây trồng đang lưu hành trên thị trường không rõ nguồn gốc xuất xứ, chất lượng chưa đảm bảo, ảnh hưởng tới sản xuất. Do đó, công tác quản lý Nhà nước về giống cây trồng cần được đẩy mạnh để bảo đảm hiệu quả đầu tư, quyền, lợi ích chính đáng của nông dân và doanh nghiệp.
Như chúng ta đã biết, các loại cây nông nghiệp ngắn ngày như cây lúa, ngô, rau màu và cây chè của tỉnh đều có năng suất, chất lượng khá cao và ổn định. Còn đối với cây công nghiệp, cây ăn quả...giá trị kinh tế mang lại chưa xứng với lợi thế sẵn có, năng suất và sản lượng hàng năm mặc dù có tăng nhưng còn ở mức khiêm tốn. Sở dĩ năng suất, chất lượng các loại cây trồng có chu kỳ sinh trưởng ngắn ngày luôn tăng cao là do tỉnh đã có được nguồn giống tốt ổn định. Điều này khẳng định công tác quản lý giống cây nông nghiệp đã khá chặt chẽ, đi vào nền nếp.
Còn đối với giống cây công nghiệp, cây ăn quả, hiệu quả kinh tế chưa đạt như mong muốn là bởi nguồn giống chưa đảm bảo. Tại sao tình trạng này vẫn còn diễn ra!? Tìm hiểu nguyên nhân chúng tôi được biết, mặc dù tỉnh đã rất quan tâm chỉ đạo thực hiện song trong quá trình quản lý vẫn gặp nhiều khó khăn.Một trong những khó khăn là khâu kiểm tra, giám sát quá trình sản xuất, kinh doanh giống tại các cơ sở, nhất là các cơ sở quy mô nhỏ lẻ, tự phát lập vườn ươm. Với những vườn ươm quy mô nhỏ lẻ, quá trình ươm tạo giống thường không tuân thủ quy trình sản xuất giống theo chuỗi hành trình, cây giống sản xuất ra không lấy từ nguồn giống được bình tuyển, không rõ nguồn gốc nên tỷ lệ sống của cây thấp hoặc cây sinh trưởng không đồng đều dẫn đến năng suất, sản lượng sản phẩm không cao. Hiện nay, số lượng vườn ươm tự phát khá lớn, họ không đăng ký kinh doanh, lấy lý do tự ươm tạo giống để phục vụ nhu cầu của gia đình nhưng thực chất vẫn cung cấp ra thị trường mặc dù số lượng không lớn.
Khó khăn nữa là việc đầu tư nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho công tác sản xuất giống của các cơ sở hạn chế, hầu hết còn thực hiện theo phương pháp thủ công, dẫn đến số lượng cũng như chất lượng giống giảm. Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu khoa học, khảo nghiệm đưa giống mới vào thực tế cũng như kinh phí, các thiết bị phục vụ kiểm tra, lấy mẫu kiểm nghiệm chất lượng giống chưa đáp ứng nhu cầu. Nguồn cung ứng giống trên địa bàn tỉnh hiện nay rất đa dạng, đặc biệt là giống cây lâm nghiệp, cây ăn quả.Mặt khác, công tác tuyên truyền, phổ biến cho người dân về tầm quan trọng của chất lượng giống chưa triệt để, thường xuyên, vì vậy một bộ phận người dân còn coi nhẹ, vẫn sử dụng giống không rõ nguồn gốc xuất xứ. Để thực hiện thành công chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp, công tác quản lý Nhà nước về giống cây trồng cần tiếp tục đẩy mạnh với những giải pháp đồng bộ. Trao đổi về nội dung này, ông Trần Tú Anh- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT nhìn nhận: Để quản lý, kiểm soát tốt hoạt động sản xuất, kinh doanh giống cây trồng theo quy định, Sở NN&PTNT đã, đang và tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thành, thị đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, liên ngành về công tác quản lý giống cây trồng; tăng cường công tác hậu kiểm thông qua lấy mẫu, kiểm tra trực tiếp trên thực địa. Với các giống cây được du nhập từ các vùng có khí hậu, thổ nhưỡng khác, cần có thời gian khảo nghiệm sự thích nghi để hạn chế rủi ro khi đưa vào trồng đại trà. Đồng thời, cung cấp đường dây nóng để các tổ chức, cá nhân thuận tiện trong việc tố giác nguồn cung cấp giống không đảm bảo, không tuân thủ các quy định của pháp luật.Mặc dù công tác quản lý Nhà nước được đẩy mạnh, song về phía người dân cũng nên thận trọng khi lựa chọn giống đưa vào sản xuất, nhất là những mô hình trồng quy mô lớn với những loại cây trồng có chu kỳ đầu tư dài, vốn lớn như cây ăn quả, cây lâm nghiệp. Do đó, người sản xuất cần lựa chọn giống tại các cơ sở cung cấp giống uy tín, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Bên cạnh việc hỗ trợ mặt bằng, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất giống cây trồng để người dân trong tỉnh chủ động được nguồn giống cây trồng chất lượng tốt, các cấp, ngành, các lực lượng chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, giúp các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh giống cây trồng hiểu đúng và thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật. Được biết, từ năm 2020, thực hiện Luật Trồng trọt số 31/2018/QH14 và Nghị định số 94/2019/NĐ-CP ngày 13/12/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trồng trọt về giống cây trồng và canh tác; sự quản lý Nhà nước có sự thay đổi. Ngành Nông nghiệp đã có văn bản yêu cầu các huyện, thị, thành phố chỉ đạo các phòng, đơn vị chuyên môn, UBND các xã, thị trấn tổ chức rà soát, thống kê, lập danh sách các tổ chức, cá nhân buôn bán giống cây trồng trên địa bàn để tuyên truyền, hướng dẫn, quản lý theo luật.Ông Hoàng Văn Cường - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Yên Lập cho biết: “Huyện đã tiến hành triển khai rà soát, yêu cầu các hộ thực hiện khai báo thông tin về Sở NN&PTNT theo quy định và ký cam kết với chính quyền địa phương kinh doanh những mặt hàng đảm bảo chất lượng, thực hiện nghiêm các quy định, không mua bán, tàng trữ hàng giả, hàng kém chất lượng; cam kết mang đến cho nông dân những sản phẩm tốt nhất để mùa màng bội thu”.Hiện nay trên địa bàn tỉnh các tổ chức, cá nhân có ĐKKD giống cây trồng đã cơ bản thực hiện thông báo đến Sở NN&PTNT và được đăng tải trên trang thông tin điện tử của Sở. Để công tác quản lý hiệu quả, thời gian tới, các địa phương tiếp tục triển khai rà soát, yêu cầu các tổ chức, cá nhân đã hoặc trước khi sản xuất, kinh doanh giống cần có trách nhiệm gửi thông tin của đơn vị qua thư điện tử, gửi trực tiếp, gửi qua đường bưu điện để đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Sở. Các tổ chức, cá nhân phải có hồ sơ bảo đảm truy xuất nguồn gốc lô giống cây trồng, gồm: Thông tin về hợp đồng, hóa đơn mua bán lô giống; hồ sơ chất lượng lô giống, nhãn phù hợp quy định. Đối với giống cây ăn quả lâu năm, các tổ chức, cá nhân phải thực hiện các thủ tục công nhận cây đầu dòng, vườn ươm cây đầu dòng; tự công bố lưu hành giống.Ông Nguyễn Minh Chung - Giám đốc Công ty TNHH Giống cây trồng Phú Thọ, đơn vị chuyên kinh doanh các loại giống lúa, ngô, rau màu có uy tín chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn ngành Nông nghiệp liên tục cập nhật các thông tin về nguồn giống, danh sách các cơ sở sản xuất kinh doanh giống cây trồng đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh trong và ngoài tỉnh tại trang Web của ngành cho các tổ chức, cá nhân, nông dân biết để có sự cạnh tranh lành mạnh cũng như lựa chọn được giống tốt, đảm bảo chất lượng khi đưa vào gieo trồng”.Để nâng cao năng lực quản lý và tránh tình trạng vi phạm trong sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, ông Trần Tú Anh - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT nhấn mạnh: Đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh giống cây trồng cần thực hiện nghiêm túc việc đăng ký kinh doanh về lĩnh vực cây trồng, phải đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị và kỹ thuật bảo quản theo quy định. Xác định công tác quản lý giống còn phải đối mặt với những khó khăn nên rất cần các cấp có thẩm quyền tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời các cơ chế chính sách và quy định trong khuyến khích sản xuất, quản lý giống cây trồng nhằm đảm bảo lợi ích các bên liên quan. Đặc biệt, cần rà soát, bổ sung những quy chuẩn, tiêu chuẩn cụ thể về cây đầu dòng, vườn đầu dòng, tiêu chuẩn cây giống, hạt giống, tiêu chuẩn khảo kiểm nghiệm, tiêu chuẩn lấy mẫu, hậu kiểm…đối với một số giống cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm của tỉnh để việc quản lý thực sự hiệu quả.