Kỳ họp 15 Hội đồng nhân dân TP Đà Nẵng: Phục hồi kinh tế sẽ giải tỏa nhiều vấn đề bức xúc

Trong ngày làm việc đầu tiên của kỳ họp thứ 15 HĐND TP Đà Nẵng hôm 6-7, các đại biểu đã dành nhiều thời gian bàn nhóm giải pháp phục hồi kinh tế TP từ nay tới cuối năm 2020. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng thảo luận, cho ý kiến nhiều nội dung liên quan tới phát triển bền vững TP, kể cả những vấn đề bức xúc của người dân nhưng xử lý kéo dài, chưa dứt điểm.

Trong ngày làm việc đầu tiên của kỳ họp thứ 15 HĐND TP Đà Nẵng hôm 6-7, các đại biểu đã dành nhiều thời gian bàn nhóm giải pháp phục hồi kinh tế TP từ nay tới cuối năm 2020. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng thảo luận, cho ý kiến nhiều nội dung liên quan tới phát triển bền vững TP, kể cả những vấn đề bức xúc của người dân nhưng xử lý kéo dài, chưa dứt điểm.

Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Nho Trung phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 15.

Lo cho “4 an”

Ảnh hưởng của dịch bệnh khiến kinh tế Đà Nẵng suy giảm, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, trực tiếp tác động đến mục tiêu “an sinh xã hội” trong “4 an” của TP. Theo Trưởng Ban Văn hóa- Xã hội Cao Thị Huyền Trân, khoảng 179 ngàn người lao động TP bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, trong đó có 12,6 ngàn lao động bị chấm dứt hợp đồng, 59,6 ngàn lao động bị ngừng việc, nghỉ việc không lương và 106 ngàn lao động làm việc không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc. Việc thất nghiệp, thiếu việc làm là một trong những nguyên nhân khiến tội phạm và tệ nạn xã hội phức tạp, nhất là ma túy. Bà Trân cho biết, so với cùng kỳ, tội phạm ma túy tại Đà Nẵng tăng hơn 12%, số đối tượng tái nghiện tăng trên 37%, số nghiện mới tăng trên 38%, số người sử dụng ma túy ở độ tuổi từ 16 đến dưới 18 tăng hơn 169%. Trước thực trạng đó đòi hỏi TP cần đánh giá hiệu quả các chương trình “5 không”, “4 an” để đề ra chủ trương phù hợp với thực tế trong giai đoạn tới.

Giải áp lực hạ tầng đô thị

Hạ tầng đô thị Đà Nẵng đang chịu áp lực lớn về môi trường, giao thông, cấp nước… Nhiều dự án đã được TP triển khai đầu tư nhằm giải tỏa áp lực này, song tình hình cải thiện chưa nhiều. Ông Nguyễn Thành Tiến, Trưởng Ban Đô thị cho biết, nhiều điểm nóng về ô nhiễm môi trường đã tái diễn như âu thuyền Thọ Quang, trung tâm giết mổ Đà Sơn… Tương tự, việc kiểm soát xả thải tại các nhà hàng, khách sạn ven biển chưa đảm bảo căn cơ, chưa triển khai xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu giám sát tình trạng xả thải của các cơ sở dịch vụ, kinh doanh ven biển. Trong khi đó, các dự án tại khu liên hiệp xử lý rác thải Khánh Sơn hiện tiến độ rất chậm. Chẳng hạn như Hộc rác số 6 hiện chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng để khởi công, có nguy cơ mất an ninh trong việc xử lý rác thải. Kế tiếp, dự án nhà máy xử lý rác 1.000 tấn vẫn loay hoay thủ tục, tìm nhà đầu tư, trong khi yêu cầu xử lý rác thải đô thị đang trở nên cấp bách với TP.

Liên quan tới áp lực quá tải hạ tầng giao thông, nguy cơ ùn tắc, ông Tiến nói: Bãi đỗ xe đầu tư chưa tương thích với yêu cầu; chưa kiểm soát tình trạng gia tăng phương tiện giao thông cá nhân dẫn đến việc đậu đỗ xe trên hầu hết các tuyến đường trung tâm gây cản trở giao thông, giảm đáng kể năng lực lưu thông của đường phố. Để hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, giảm tải áp lực hạ tầng đô thị, TP đã hỗ trợ mỗi năm khoảng 90 tỷ đồng cho hệ thống xe buýt trợ giá, khuyến khích người dân tham gia phương tiện công cộng. Hiện 12 tuyến xe buýt trợ giá với số lượng 161 chiếc. Tuy nhiên do nhiều bất cập, số lượng người đi xe buýt trợ giá chưa nhiều.

Theo ông Tiến, giải pháp để giảm áp lực quá tải giao thông, trước tiên TP cần đẩy nhanh tiến độ nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý, nâng cấp đường ĐT 601, cải tạo đường Ngô Quyền và đường Ngũ Hành Sơn. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện hồ sơ sớm trình Thủ tướng phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Đầu tư xây dựng Cảng Liên Chiểu, chuẩn bị đầu tư dự án Di dời ga đường sắt, Quy hoạch mở rộng sân bay Đà Nẵng. Đặc biệt, TP cần tiếp tục triển khai đầu tư các bãi đỗ xe tạm; cấm đậu, đỗ xe ô-tô trong các kiệt hẻm, tiến tới cấm đỗ xe trên một số tuyến đường theo quy định, nhất là các tuyến có lưu lượng giao thông lớn, thường xảy ra ùn tắt giao thông; di dời các tuyến xe buýt liền kề ra khỏi trung tâm.

Trưởng Ban Kinh tế- Ngân sách HĐND TP Trần Chí Cường nêu một số giải pháp phục hồi kinh tế Đà Nẵng trong thời gian tới.

Quyết liệt vực dậy kinh tế

Tác động của dịch Covid-19 khiến hầu hết các lĩnh vực kinh tế của TP đều suy giảm, một số ngành đình trệ hoặc đóng băng, gần như không có hoạt động sản xuất, kinh doanh. Do vậy, DRDP của TP 6 tháng qua giảm hơn 3,6% so với cùng kỳ, tổng thu ngân sách chỉ đạt hơn 11,2 ngàn tỷ đồng (đạt 36,4% dự toán), hụt thu hơn 4,6 ngàn tỷ đồng. Trưởng Ban kinh tế- Ngân sách Trần Chí Cường cho biết, số DN đăng ký mới giảm trên 32%, tổng vốn đầu tư phát triển của TP đạt khoảng 17,6 ngàn tỷ đồng giảm trên 8% so với cùng kỳ. Trong khi đó, các chính sách hỗ trợ DN khắc phục khó khăn bởi dịch bệnh còn nhiều vướng mắc (hầu hết DN khó tiếp cận gói hỗ trợ 62 ngàn tỷ đồng của Chính phủ). Ngược lại, với 14 chính sách hỗ trợ DN của TP đã ban hành nhiều năm vẫn chưa thực sự đi vào cuộc sống, chưa có doanh nghiệp tiếp cận.

Về đầu tư công, ông Cường cho biết tiến độ vẫn chậm, gói hơn 12,5 ngàn tỷ đồng của năm 2020 mới giải ngân khoảng 23% (trên 2,8 ngàn tỷ đồng). Nhiều công trình trọng điểm động lực của TP chưa đảm bảo tiến độ đề ra. Cụ thể với 54 công trình trọng điểm động lực đầu tư công đến nay mới có 2 dự án hoàn thành, 27 dự án đang triển khai, 25 dự án đang thực hiện các thủ tục đầu tư (13 dự án chưa phê duyệt chủ trương đầu tư). Nhiều dự án trọng điểm đang triển khai giải phóng mặt bằng nhưng rất bị động, chưa có đất thực tế để bố trí tái định cư làm chậm tiến độ giải tỏa như đường vành đai phía Tây, đường ven sông Tuyên Sơn - Túy Loan. Nhiều dự án quan trọng sắp triển khai cần quỹ đất lớn, cần sớm có phương án để chủ động trong triển khai thực hiện, như KCN Hòa Ninh dự kiến cần 3.000 lô đất.

Cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình trọng điểm tạo động lực tăng trưởng kinh tế. (Trong ảnh: Thi công nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý).

Từ thực trạng đó, ông Cường nêu giải pháp, TP cần đẩy mạnh phát triển ngành công nghệ thông tin, tài chính ngân hàng, dịch vụ y tế… để tăng tỷ lệ đóng góp trong cơ cấu kinh tế. Bởi lẽ, đây là một số ít ngành không ảnh hưởng sụt giảm doanh thu trong 6 tháng vừa qua.

Để thu hút đầu tư, phát triển các ngành này, ông Cường cho rằng, TP phải đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng công nghiệp như khu CNC, khu CNTT tập trung, khu Công viên phần mềm số 2, các KCN mới như Hòa Nhơn, Hòa Ninh, Hòa Cầm giai đoạn 2. Với các dự án trọng điểm đầu tư công (đường và cầu qua sông Cổ Cò, đường vành đai phía Tây, nút giao thông phía tây cầu Trần Thị Lý, nhà máy nước Hòa Liên, thoát nước ven biển phía Đông, cảng Liên Chiều) đang vướng giải tỏa hay các dự án lớn của tư nhân đầu tư (Làng Vân, tổ hợp khán đài pháo hoa, Getaway) đang vướng thủ tục, TP cần khẩn trương tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ để tạo động lực tăng trưởng.

Với lĩnh vực du lịch, TP cần đẩy mạnh các giải pháp kích cầu thu hút du khách nội địa thông qua đầu tư nhiều sản phẩm hấp dẫn như Tuyến phố đi bộ Bạch Đằng - Cầu Nguyễn Văn Trỗi - Trần Hưng Đạo, khu phố du lịch An Thượng, các chợ đêm, trung tâm thương mại chợ Cồn, chợ Hàn… Đặc biệt, để hỗ trợ DN sản xuất kinh doanh trong điều kiện nay, ông Cường cho rằng nhóm chính sách về tín dụng là quan trọng nhất. Cục thuế TP cần tập trung hướng dẫn, công khai để DN được hưởng nhóm chính sách tài khóa về miễn giảm thuế, phí, tiền thuê đất theo đúng quy định.

HẢI QUỲNH

>>Phản đối cái gọi là “quận Nam Sa”

>>Khai mạc kỳ họp 15 HĐND TP Đà Nẵng: Quyết liệt giải pháp phục hồi kinh tế, xử lý dứt điểm bức xúc đời sống dân sinh

>>Hôm nay (6-7), khai mạc kỳ họp thứ 15 HĐND TP Đà Nẵng: Trọng tâm bàn giải pháp phục hồi kinh tế

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/102_227545_ky-hop-15-hoi-dong-nhan-dan-tp-da-nang-phuc-hoi-kinh-te-se-giai-toa-nhieu-van-de-buc-xuc.aspx