Kỳ cuối: Từng bước hiện đại hóa hệ thống truyền thanh cơ sở
Với góc nhìn sát thực tiễn, Đảng và Nhà nước ta đã và đang có những chủ trương, chỉ đạo đúng đắn, kịp thời nhằm từng bước hiện đại hóa hệ thống truyền thanh cơ sở, phù hợp với xu thế chung của xã hội.
Thời gian qua, với sự phát triển của công nghệ hiện đại, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông có nhiều văn bản chỉ đạo về việc từng bước triển khai ứng dụng hệ thống truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin viễn thông.
Cụ thể, ngày 20.1.2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 135/QĐ-TTg phê duyệt Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin với mục tiêu hiện đại hóa hệ thống thông tin cơ sở nhằm đổi mới phương thức cung cấp thông tin theo hướng chủ động, kịp thời, chính xác và hiệu quả; hình thành cơ sở dữ liệu, số hóa nguồn thông tin cơ sở.
Hiện đại hóa hệ thống thông tin cơ sở
Với chủ trương này, Bộ TT&TT cũng ban hành nhiều văn bản triển khai thực hiện như Thông tư số 39/2020/TT-BTTTT ngày 24.11.2020 quy định về quản lý Đài truyền thanh cấp xã ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông; Quyết định số 1381/QĐ-BTTT ngày 7.9.2021 ban hành Chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở giai đoạn 2021 - 2025; Công văn số 624/BTTTT-TTCS ngày 27.2.2023 về việc triển khai thiết lập mới, nâng cấp đài truyền thanh có dây/không dây FM sang truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông; Công văn số 1175/BTTTT-TTCS ngày 10.4.2023 về việc khuyến nghị nội dung đầu tư và yêu cầu kỹ thuật tối thiểu của thiết bị, công nghệ phục vụ sản xuất nội dung truyền thông đa phương tiện của cơ sở truyền thanh - truyền hình cấp huyện…
Đây là mô hình truyền thanh hiện đại với phương thức truyền dẫn tín hiệu âm thanh trên hạ tầng viễn thông, internet, có khả năng quản lý và kiểm soát chất lượng âm thanh tới từng cụm loa. Khác với truyền thanh không dây và có dây FM, truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông không giới hạn khoảng cách truyền tín hiệu âm thanh; khắc phục lỗi thường xảy ra với các hệ thống tiếp âm sóng FM như bị nhiễu sóng, mất sóng do thời tiết hoặc trùng sóng nước ngoài với những địa phương giáp biên giới; ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, lưu trữ và quản lý chương trình, lịch phát sóng; sử dụng trí tuệ nhân tạo trong chuyển đổi bản tin giấy sang giọng nói…
Nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đã từng bước triển khai thực hiện, hiện đại hóa hệ thống truyền thanh cơ sở tại địa phương. Theo số liệu thống kê của Bộ TT&TT, tính đến tháng 6.2023, cả nước có 1.757 đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông, chiếm 17,6% (tăng 4,4% so với năm 2022).
Tại Tây Ninh, năm 2020, Bộ tặng 200 bộ truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông của MobiFone cho tỉnh Tây Ninh, lắp đặt tại 8 huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh. Ngày 1.12.2021, UBND tỉnh ra Quyết định 3284/QĐ-UBND ban hành Đề án “Xây dựng hệ thống truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2021 - 2025”.
Trong năm 2022, Sở TT&TT triển khai thực hiện dự án “Tăng cường cơ sở vật chất cho hệ thống thông tin và truyền thông cơ sở” cho các xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao năm 2022 với việc trang bị các cụm loa ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông.
Ngày 15.3.2024, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 523/QĐ-UBND phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Xây dựng hệ thống truyền thanh cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông. Quy mô đầu tư 681 cụm truyền thanh cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông cùng các thiết bị hỗ trợ kèm theo cho các xã, phường, thị trấn theo nhu cầu và điều kiện bố trí sử dụng tại từng địa phương với tổng mức đầu tư dự kiến 22 tỷ đồng.
Mới đây nhất, Chính phủ ban hành Nghị định số 49/2024/NĐ-CP ngày 10.5.2024 quy định về hoạt động thông tin cơ sở, có hiệu lực từ ngày 1.7.2024. Trong đó quy định các đài truyền thanh cấp huyện không đầu tư, nâng cấp hệ thống truyền dẫn, phát sóng; chấm dứt hoạt động phát sóng, tiếp sóng chương trình phát thanh trước ngày 31.12.2025. Như vậy, các cơ quan truyền thanh cấp huyện sẽ chuyển hình thức vận hành truyền dẫn phát sóng, tiếp sóng sang hệ thống truyền thanh hiện đại.
Đây là những chủ trương lớn, là bước đột phá trong công tác chỉ đạo, điều hành của nhà nước ta đối với lĩnh vực truyền thanh cơ sở, nhằm từng bước thay thế phương thức phát thanh bằng công nghệ cũ bằng công nghệ mới hiện đại, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong công tác thông tin cơ sở.
Với phương thức vận hành mới, nhanh gọn, có thể điều khiển trên máy tính hoặc điện thoại thông minh, thuận tiện trong việc theo dõi, quản lý, hệ thống truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông đang trở thành xu hướng phát triển của xã hội, cũng như giúp các địa phương nâng cao chất lượng thông tin tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh cơ sở.
Khắc phục hạn chế, khẳng định vai trò của truyền thanh cơ sở trong xã hội hiện đại
Bên cạnh những mặt tích cực và kết quả đạt được, truyền thanh cơ sở ở một số nơi cũng đang bộc lộ những hạn chế như: cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến hoạt động truyền thanh cơ sở, dẫn đến cơ sở vật chất chưa được đầu tư tương xứng; chất lượng chương trình phát thanh chưa phong phú, nội dung được biên tập “khô khan”, chưa dễ hiểu và gần gũi với người dân; nhân sự thường xuyên thay đổi dẫn đến khó khăn trong công tác hướng dẫn, đào tạo quản lý, vận hành hệ thống truyền thanh cơ sở; hệ thống truyền dẫn đôi lúc còn sự cố kỹ thuật, âm thanh chưa ổn định; việc chuyển đổi hệ thống truyền thanh bằng kỹ thuật truyền dẫn phát sóng sang ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông chưa đồng bộ, nên nhiều địa phương vẫn còn đang “vận hành song song” hai công nghệ…
Để truyền thanh cơ sở tiếp tục khẳng định được vai trò, vị trí của mình trong xã hội hiện đại ngày nay, thiết nghĩ nên cần một số giải pháp sau:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với hoạt động của truyền thanh cơ sở. Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, sửa chữa thiết bị đã xuống cấp, nâng cấp trang thiết bị hiện đại. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông phù hợp với xu hướng phát thanh hiện đại; song, việc chuyển đổi phải đồng bộ, hiệu quả, tiết kiệm. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tổng kết đánh giá tình hình hoạt động quản lý, vận hành hệ thống truyền thanh cơ sở đi đôi với việc đề ra giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế.
Hai là, phát huy vai trò của truyền thanh cơ sở là kênh thông tin “hai chiều” giữa cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở với nhân dân. Vừa cung cấp thông tin thiết yếu, nội dung trả lời của cơ quan, tổ chức về vấn đề người dân quan tâm, vừa tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân để báo cáo cấp trên giải quyết hoặc chuyển đến cơ quan chức năng giải quyết, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và quyền tiếp cận thông tin của người dân theo quy định của pháp luật, nâng cao Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI).
Ba là, hoàn thiện cơ chế quản lý nhà nước đối với hoạt động phát thanh, truyền thanh cơ sở, nhất là chính sách về lương, phụ cấp, nhuận bút, tuyển dụng… để thu hút và “giữ chân” nhân lực trẻ, am hiểu lĩnh vực báo chí truyền thông, công nghệ thông tin vào làm việc. Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ của cán bộ phụ trách truyền thanh cơ sở bảo đảm vững về chính trị, giỏi về chuyên môn, có tính sáng tạo, nhiệt tình với công việc.
Bốn là, không ngừng nâng cao chất lượng nội dung theo hướng thời sự, nhanh, chính xác và phù hợp với địa phương. Ngôn ngữ truyền đạt đơn giản, dễ hiểu, gần gũi, nội dung thiết thực. Phối hợp xây dựng lực lượng cộng tác viên rộng khắp với sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể để mở rộng nguồn tin đa dạng trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội.
Nâng cao chất lượng các chương trình phát thanh hấp dẫn, bám sát định hướng của Ban Tuyên giáo các cấp, đáp ứng nhu cầu thưởng thức, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người dân. Sắp xếp giờ phát thanh phải phù hợp với tập quán, thói quen sinh hoạt của từng khu vực, vùng miền; bố trí vị trí và số lượng cụm loa phù hợp với đặc điểm dân cư địa phương như nơi đông dân cư, nông thôn - đô thị… bảo đảm phát huy tối đa hiệu quả của truyền thanh cơ sở.
Năm là, có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp cắt ghép video clip, đưa thông tin sai sự thật trên mạng xã hội về loa truyền thanh - công cụ tuyên truyền của cấp ủy đảng và chính quyền cơ sở, về hành vi “Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm cá nhân”, theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 101, Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 3.2.2020 và Nghị định 14/2022/NĐ-CP ngày 27.1.2022 của Chính phủ, ảnh hưởng đến nhận thức của người dân trong việc nhìn nhận vai trò của truyền thanh cơ sở trong xã hội ngày nay.
Có thể khẳng định, hiệu quả hoạt động của hệ thống truyền thanh cơ sở đã được khẳng định trong thực tiễn từ lịch sử đến đời sống xã hội ngày nay. Chúng ta không thể phủ nhận những hạn chế, bất cập còn tồn tại trong hoạt động truyền thanh cơ sở thời gian qua. Song với góc nhìn sát thực tiễn, Đảng và Nhà nước ta đã và đang có những chủ trương, chỉ đạo đúng đắn, kịp thời nhằm từng bước hiện đại hóa hệ thống truyền thanh cơ sở, phù hợp với xu thế chung của xã hội.
Điều đó càng khẳng định vai trò, “sứ mệnh” cầu nối giữa Đảng, chính quyền với nhân dân của hệ thống truyền thanh trong xã hội hiện đại. Không chỉ định hướng thông tin mà còn phản ánh mọi ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, là phương tiện tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các phong trào thi đua, tuyên truyền các sự kiện chính trị, kết quả phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.