Kỳ cuối: Tổ chức “đả lôi đài”… mừng thọ

(PL&XH) - Nghe tiếng ông Nguyễn Bảo Sinh là một võ sĩ trong làng quyền anh ở Hà Nội, thú thật ban đầu tôi liên hệ với ông để nhờ ông “chỉ điểm” thực hiện một đề tài về võ thuật.

Thế nhưng, những ý tưởng độc đáo đến mức bị cho là “điên rồ” của ông đã khiến tôi vô cùng thú vị. Trong đó việc “thượng đài” ở độ tuổi “xưa nay hiếm” chỉ là một trong rất nhiều những ý tưởng như vậy…

Tinh thần võ sĩ

Mùa xuân năm 2014, ông Nguyễn Bảo Sinh sẽ bước sang tuổi 75 nhưng gương mặt vẫn mang một vẻ trẻ trung, chứ không tiều tụy như thường thấy của những người ở tuổi “xưa nay hiếm”.

Đối diện với ông, tôi không nghĩ ông từng là một võ sĩ quyền anh có hạng. Khi ông khoe mình là một võ sư đấm bốc, tôi cứ nghĩ ông đùa. Nhận thấy vẻ hoài nghi của tôi, ông đưa rất nhiều hình ảnh bằng chứng về những lần “thượng đài” trong những năm tháng tuổi trẻ của ông. Ông Bảo Sinh cho biết, mình đã trải qua mấy chục năm luyện quyền anh, cũng là “huấn luyện viên” của con trai ông - võ sĩ quyền anh Nguyễn Bảo Thi – nhà cựu vô địch quyền anh toàn quốc.

Đã bước sang tuổi 75, ông Nguyễn Bảo Sinh vẫn quyết tâm “thượng đài” . Ảnh: Sỹ Hào

Khi ông nghĩ ra ý tưởng tổ chức “đả lôi đài” mừng thọ, mặc dù người thân và bạn bè đều can ngăn, tuy nhiên không lay chuyển được ông. “Bạn thân của tôi là nhà văn Nguyễn Huy Thiệp bảo rằng, ở tuổi của tôi, có “điên” mới tổ chức mừng sinh nhật bằng trò đấm bốc. Trong khi đó, một người bạn khác là bác sĩ Chu Mạnh Khoa, cũng tỏ ra lo ngại nói với tôi rằng: Tuổi 70, các dây thần kinh không còn như trước nữa, trong khi quyền anh là một môn thể thao hạng nặng. Chỉ dính vài cú đòn vào đầu, vào mặt thì… không chết cũng thần kinh mất” – ông Nguyễn Bảo Sinh kể lại.

Võ đài vẫn được dựng lên trong khu “Resort chó mèo Bảo Sinh”, với hàng trăm người đến dự khán, thưởng thức những trận quyền anh hấp dẫn giữa các võ sĩ. Cuộc “đả lôi đài” lần thứ nhất mừng thọ 70, có ông Nguyễn Hồng Minh (nguyên Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao, Tổng cục Thể dục thể thao) làm trưởng ban tổ chức. Và trọng tài quyền anh quốc tế “Cường con” làm trọng tài. Cùng các y bác sĩ, túc trực đề phòng bất trắc.

Lần mừng thọ “không giống ai” đó, ông Nguyễn Bảo Sinh tham dự hai trận đấu. Trận thứ nhất, ông đấu với võ sĩ Cảnh Thịnh, xấp xỉ tuổi. Ông Cảnh Thịnh nổi tiếng một thời trên các sàn đấu những năm 60 của thế kỷ trước, và từng vô địch quyền anh liên tỉnh tổ chức tại Hà Nội năm 1961. Trận đấu giữa hai lão võ sĩ diễn ra rất hấp dẫn, gay cấn. Cả hai hăng máu quá, trọng tài “Cường con” đành phải cho dừng trận đấu, sợ kết cục “hai hổ đấu nhau” sẽ bị thương. Trận thứ hai, ông Bảo Sinh thách đấu với võ sĩ Hải, (huấn luyện viên quyền anh đội tuyển quốc gia, Huy chương vàng quyền anh châu Á), ít hơn ông chừng 25 tuổi.

“Lần trước chúng tôi đã cống hiến cho khán giả những trận đấu tuyệt mỹ, bởi lẽ quyền anh mà đấu giả vờ thì không có gì khiến khán giả thất vọng hơn. Lần “đả lôi đài” mừng thọ thứ 2 vào đầu năm 2014 này, tôi vẫn thượng đài nhưng e rằng đối thủ xứng tầm của tôi là Cảnh Thịnh, nhiều khả năng sẽ không tham dự được. Tôi phải hỏi xem ông này có còn đấu được nữa hay không? Nếu ông Cảnh Thịnh “treo miễn chiến bài” tôi sẽ phải tìm đối thủ khác” – ông Bảo Sinh quả quyết.

Huyền thoại quyền anh Muhammad Ali huấn luyện kỹ thuật cho võ sĩ Bảo Thi, con trai của ông Nguyễn Bảo Sinh. Ảnh tư liệu do gia đình cung cấp

“Vào hang hổ” cứu con…

Nói chuyện về quyền anh, tôi cảm thấy ông Bảo Sinh hào hứng hơn bình thường. Ông cũng “khoe” ra rất nhiều bức ảnh của một thời trẻ trung sôi nổi ngày xưa, thể hiện sự đam mê và khá am tường về môn thể thao hạng nặng này. Theo ông Bảo Sinh, quyền anh bắt đầu du nhập vào Việt Nam từ những năm 1930 của thế kỷ trước. Quyền anh hồi đó rất sôi nổi, hay tổ chức các trận đấu ở rạp Chuông Vàng, phố Hàng Bạc, hoặc những trận đấu lớn thì ở Nhà hát Lớn. Các võ sĩ ngày xưa không phân ra nghiệp dư hay chuyên nghiệp. Võ sĩ đều cởi trần và không đội mũ bảo hiểm. Mỗi trận đấu thường diễn ra trong 6 hiệp, thách đấu bao nhiêu tùy thích.

“Chính vì thi đấu theo kiểu võ Tầu, thách đấu tự do – các võ sĩ được quyền lên đài thách đấu nhau, thậm chí nhiếc móc nhau theo kiểu Trương Phi mắng Lã Bố là kẻ “ba họ”, nên cũng xảy ra những cái chết thượng võ. Mà cái chết của võ sĩ Ngọc Long làm chấn động dư luận Hà Nội thời bấy giờ. Vì quá tự tin vào khả năng của mình, võ sĩ Ngọc Long đã thách đấu với võ sĩ Ri pha người Pháp, vượt hạng cân mình. Võ sĩ Ngọc Long đã thiệt mạng ngay trên võ đài trong trận thách đấu này. Khoảng năm 1950 đến 1954, ở Hà Nội võ sĩ người Việt Nam và người Pháp thi đấu với nhau dễ kích thích khán giả đến xem. Những trận đấu này đều phảng phất tinh thần tự tôn dân tộc” – ông Nguyễn Bảo Sinh cho biết.

Ông Nguyễn Bảo Sinh “so găng” cùng võ sĩ Hải, người từng đạt Huy chương vàng quyền anh châu Á. Ảnh: TL

Ông Nguyễn Bảo Sinh kể cho tôi nghe về việc “rèn luyện” con trai của ông là Nguyễn Bảo Thi trở thành một võ sĩ quyền anh có hạng cũng khá li kỳ. Ông Bảo Sinh nói, chính quyền anh đã khiến con trai ông bỏ nhà ra đi, theo đám bạn bè xấu. Và cũng chính quyền anh, đã giúp con trai ông tìm lại ý nghĩa của cuộc đời.

“Con trai tôi là Nguyễn Bảo Thi, được tôi dạy quyền anh từ năm lên 6 tuổi. Sau 7 năm khổ luyện, Bảo Thi đã sớm bộc lộ tố chất của một võ sĩ thiên bẩm, tôi càng gò ép nó nhiều hơn. Việc nghiêm khắc ép con khổ luyện những mong Bảo Thi thành võ sĩ thành danh đã tạo ra áp lực quá lớn cho nó. Vào năm 13 tuổi, Bảo Thi sợ hãi rồi “nổi loạn” bằng cách bỏ nhà ra đi lang thang với đám bạn bè xấu. Khuyên nhủ con đủ đường không được, đúng lúc này tôi nghĩ rằng băng nhóm giang hồ nào cũng cần người có võ nghệ, vì vậy tôi đã nghĩ ra một kế. Tôi tìm cách gặp đại ca của con đưa ra đề nghị: Nhờ gã “khuyên nhủ” con mình luyện tập quyền anh, vừa để củng cố thế lực cho băng nhóm, mà toàn bộ tiền phụ cấp bồi dưỡng của con tôi sẽ chuyển cho đại ca này lĩnh.

Thấy lợi, gã đã đồng ý, và “ra lệnh” cho con tôi, có “nhiệm vụ” luyện quyền anh ở Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt Xô. Mặt khác tôi cũng đã gặp các thầy dạy ở đây để bày tỏ nguyện vọng muốn con lấy lại niềm tin bằng môn thể thao này, đồng thời tham gia huấn luyện kỹ thuật cho con. Bảo Thi vốn là một người có năng khiếu về quyền anh, lại được các thầy tận tâm rèn giũa nên đã giành Huy chương vàng quyền anh toàn quốc năm 1993. Chính “vinh quang” này, là động lực lớn nhất để con tôi lấy lại nghị lực niềm tin” – ông Nguyễn Bảo Sinh khẳng định.

Được biết, sau khi giành Huy chương vàng, võ sĩ Bảo Thi đã đột ngột từ giã nghiệp thể thao, theo đuổi con đường đèn sách. Anh sang Trung Quốc du học và trở thành một trong những sinh viên xuất sắc của Học viện Ngôn ngữ Bắc Kinh. Sau khi tốt nghiệp ra trường, Nguyễn Bảo Thi trở về quê nhà, hiện anh là GĐ một Cty dịch thuật tại Hà Nội.

Sỹ Hào

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/2014011812111044p1001c1049/ky-cuoi-to-chuc-da-loi-dai-mung-tho.htm