Kỳ bí vết chân hổ in trên vách đá giữa ngôi đền thiêng ở Thái Nguyên

Trên tảng đá lớn tại ngôi đền ở huyện Phú Lương (tỉnh Thái Nguyên), người dân truyền tai nhau về vết chân hổ trong tư thế đang nằm phục in lên, bên cạnh là tảng đá hình rồng với biểu trưng 'long chầu'...

Những ngày đầu năm Nhâm Dần 2022, nhiều người dân huyện Phú Lương tỉnh Thái Nguyên và du khách thập phương tìm đến đền Đuổm (xã Động Đạt, huyện Phú Lương) để vãn cảnh và tìm hiểu về ngôi đền được xây dựng cách đây hơn 800 năm.

Có vị trí nằm sát QL3, ngôi đền cổ là nơi thờ tự Anh hùng dân tộc Dương Tự Minh. Quần thể kiến trúc ngôi đền nằm lọt dưới những tán cổ thụ che mát ba ngôi đền tôn nghiêm thờ phủ Bà, Dương Tự Minh và thờ Mẫu. Ðền đã được tu sửa nhiều lần nhưng vẫn giữ được phong cách kiến trúc cổ theo kiểu tam cấp gồm đền Thượng, đền Trung và đền Hạ.

Toàn cảnh ngôi đền nhìn từ trên cao

Toàn cảnh ngôi đền nhìn từ trên cao

Có mặt tại đền những ngày đầu năm mới 2022, ông Nguyễn Thế Hiệp, Trưởng ban quản lý Đền Đuổm cùng các thành viên trong ban tất bật chuẩn bị những công đoạn cuối cùng để tổ chức lễ hội đền Đuổm diễn ra từ ngày 6-8 tháng Giêng. Chia sẻ với VietNamNet, ông Hiệp cho biết năm nay có phần đặc biệt khi là năm con hổ. Ngôi đền cổ này có nhiều câu chuyện kì bí về "long chầu, hổ phục".

Trưởng Ban quản lý đền Đuổm cho biết, ngôi đền cổ linh thiêng tựa lưng vào núi, phía trước là cánh đồng rộng lớn và phóng tầm mắt xa hơn là dòng sông Đu êm chảy. Địa thế ngôi đền được dựng lên phần lớn đều giữ vẻ hoang sơ vốn có, một số kiến trúc theo thời gian bị xuống cấp đã được tỉnh Thái Nguyên trùng tu nhưng vẫn giữ được vẻ cổ kính.

Một điều đặc biệt mà ít người biết, tại đền Đuổm được người dân bản địa truyền tai nhau về vết chân hổ in sâu trên tảng đá ngay lối vào Đền. Theo ông Nguyễn Thế Hiệp, khi bước qua cánh cổng đền đi lên những bậc thang đầu tiên sẽ thấy hai tảng đá lớn nằm ở bên trái và bên phải.

"Ở bên trái là tảng đá in hình dấu chân hổ trong tư thế nằm phục và canh giữ ngôi đền. Vết dấu chân hổ này hoàn toàn tự nhiên. Quan sát viên đá đặc biệt này, không khó để nhận ra hai vết chân trái, phải rất giống với chân hổ. Người xưa kể lại rằng, vết chân trên hình thành khi con hổ đứng lên tảng đá tạo ra vết lún in hình dấu chân", ông Hiệp kể.

Ông Nguyễn Thế Hiệp mô tả vết chân hổ in trên vách đá

Ông Nguyễn Thế Hiệp mô tả vết chân hổ in trên vách đá

Dấu vết in lại khiến người dân liên tưởng đến tư thế con hổ đang nằm phục

Dấu vết in lại khiến người dân liên tưởng đến tư thế con hổ đang nằm phục

Còn vị trí bên phải, một tảng đá lớn uốn cong tạo thành một khe đá giống hình đầu rồng xuất hiện khiến người dân liên tưởng đến hình tượng con rồng với dáng "Long chầu". Hai tảng đá tồn tại qua hơn 800 năm được nhân dân đặt bát hương và thờ cúng với sự tôn nghiêm.

Ông Hiệp lên đây sinh sống từ những năm 1961. Thời điểm này vùng rừng núi Phú Lương (Thái Nguyên) vẫn xuất hiện nhiều hổ và thú rừng. "Tôi vẫn còn nhớ tiếng dân làng báo nhau đóng cửa khi thấy hổ xuất hiện ở bản làng", ông Hiệp kể.

Đền Đuổm là một trong những ngôi đền lớn nhất tỉnh thái Nguyên và được du khách thập phương biết đến vì sự tôn nghiêm và linh thiêng. Đền được công nhận Di sản cấp quốc gia và Lễ hội đền Đuổm được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Đền Đuổm nằm sát QL3

Đền Đuổm nằm sát QL3

Vị trí của Đền nằm tựa lưng vào núi, phía trước hướng ra cánh đồng và dòng sông Đu

Vị trí của Đền nằm tựa lưng vào núi, phía trước hướng ra cánh đồng và dòng sông Đu

Mỗi năm, lễ hội đền Đuổm thu hút hàng vạn du khách thập phương tìm đến. Lễ hội đền Đuổm khai hội vào ngày 6 tháng Giêng với các nghi lễ: rước kiệu, dâng hương, các trò thi võ, vật, ném lao, tung còn, leo núi ngoạn cảnh. Lễ hội được tổ chức để tưởng nhớ công ơn vị Anh hùng dân tộc, cầu mong Đức Thánh Đuổm ban cho một năm mới mọi sự tốt lành, mùa màng bội thu, no ấm được duy trì.

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, công tác quản lý và tổ chức lễ hội có những điều chỉnh nhất định. Theo Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Phú Lương Phạm Thị Lan Anh, lễ hội năm nay áp dụng nghiêm các biện pháp phòng chống dịch.

"Chúng tôi hạn chế tập trung đông người như các năm, đảm bảo các nghi lễ diễn ra trang nghiêm, đúng các thủ tục địa phương. Du khách thập phương khi đến dự lễ hội phải thực hiện nghiêm 5K. Lực lượng y tế, an ninh cũng được bố trí tại các vị trí của Đền để đảm bảo an toàn phòng chống dịch ở mức tối đa", bà Lan Anh nói.

Tảng đá có dáng rồng với hình tượng "long chầu, hổ phục"

Tảng đá có dáng rồng với hình tượng "long chầu, hổ phục"

Lễ hội Đền Đuổm tổ chức vào ngày 6 tháng Giêng hàng năm

Lễ hội Đền Đuổm tổ chức vào ngày 6 tháng Giêng hàng năm

Ngôi đền cơ bản giữ được vẻ hoang sơ vốn có sau hơn 800 năm hình thành

Ngôi đền cơ bản giữ được vẻ hoang sơ vốn có sau hơn 800 năm hình thành

Khu vực đền Thượng nằm ở đỉnh núi

Khu vực đền Thượng nằm ở đỉnh núi

Đứng từ đền Thượng có thể nhìn thấy cánh đồng và dãy núi có hình mâm xôi

Đứng từ đền Thượng có thể nhìn thấy cánh đồng và dãy núi có hình mâm xôi

Phong cách kiến trúc của Đền theo kiểu tam cấp gồm đền Thượng, đền Trung và đền Hạ

Phong cách kiến trúc của Đền theo kiểu tam cấp gồm đền Thượng, đền Trung và đền Hạ

Các bậc thang được xây dựng để thuận tiện cho du khách

Các bậc thang được xây dựng để thuận tiện cho du khách

Khu vực Giếng Dội, nơi tổ chức nghi thức rước nước và rước đất

Khu vực Giếng Dội, nơi tổ chức nghi thức rước nước và rước đất

Dương Tự Minh là người Tày, sinh ra và lớn lên ở Quan Triều, dưới ba đời vua nhà Lý là: Lý Nhân Tông (1072 - 1128), Lý Thần Tông (1128 - 1138), Lý Anh Tông (1138 - 1175) và có cống hiến xuất sắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc vùng biên cương phía Bắc của Đại Việt.

Phủ Phú Lương trở thành một vùng phồn thịnh trong hơn 30 năm dưới quyền Dương Tự Minh cai quản. Ông được nhà vua hai lần gả công chúa (Thiều Dung và Diên Bình công chúa), phong là “Phò mã lang”.

Khi rời khỏi chức vụ thủ lĩnh phủ Phú Lương, ông trở về Điểm Sơn, mất ở đấy và được nhân dân lập đền thờ. Sau khi ông mất, nhà Lý sắc phong cho ông là Uy viễn đôn tỉnh cao sơn quảng độ chi thần, các đời sau đều phong ông là Cao Sơn Quý Minh.

Nhân dân tôn kính, thần thánh hóa các huyền thoại về ông trong các tích “Chiếc áo tàng hình”, “Sự tích ao chuông lăn”, “Thánh Đuổm trị tà thần”... nhằm giải thích các hiện tượng tự nhiên quanh vùng núi Đuổm, là chỗ dựa tinh thần cho người dân trong vùng nói riêng và đồng bào các dân tộc ở khu vực Đông Bắc nói chung.

Đoàn Bổng

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/tin-anh/ky-bi-vet-chan-ho-in-tren-vach-da-giua-ngoi-den-thieng-o-thai-nguyen-811307.html