Kỳ 1: Trường công quá tải, mầm non tư thục chi phí cao

Không có điều kiện gửi con vào các trường mầm non công lập, các trường mầm non tư thục, các cơ sở trông nhóm trẻ tự phát là cứu cánh của nhiều người lao động. Tiềm ẩn những nguy cơ, nhưng do không còn sự lựa chọn, nhiều người lao động vẫn nhắm mắt gửi con vào những cơ sở trông trẻ này…

Để mầm non tư thục không còn là nỗi ám ảnh

Vì thương con, nhớ con nên chị Trang không đành lòng đưa con về quê như giải pháp của nhiều gia đình. Ảnh: N.D

Chấp nhận xa con vì không có chỗ gửi trẻ

Hơn 2 tháng nay, chị Trần Thị Hạnh (SN 1990) quê ở Yên Bái, công nhân Công ty TNHH Điện tử LingXin Việt Nam (KCN Quang Châu, Bắc Giang) phải xin nghỉ việc đưa con về quê. Vợ chồng chị đều là công nhân, do ảnh hưởng của dịch bệnh, công việc bấp bênh nên tổng thu nhập chỉ được khoảng 10 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, các khoản chi phí như tiền nhà trọ, điện, nước, ăn uống đã hết quá nửa, nên không thể có đủ khả năng để gửi con đi mẫu giáo.

Chị Hạnh chia sẻ: “Bé lớn nhà mình được hơn 3 tuổi, cháu nhỏ hơn 9 tháng tuổi. Vợ chồng mình cũng đã thử gửi con vào mấy cơ sở trông trẻ tư nhân nhưng ở đó chật chội, không bảo đảm an toàn, vệ sinh mà chi phí lại cao không thể trả nổi. Vậy nên hai vợ chồng mình đã thống nhất đưa con về quê và mình nghỉ việc ở nhà tự trông con”.

Cùng chung cảnh con nhỏ như chị Hạnh, cứ hết giờ làm chị Nguyễn Thị Thanh, công nhân khu công nghiệp (KCN) Bắc Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) lại vội vàng qua chợ mua tạm chút thức ăn rồi về nhà chăm con gái gần 12 tháng tuổi. Mặc dù đã có mẹ chồng xuống đỡ đần lúc con còn nhỏ, nhưng chị cho biết, tới đây, mẹ chồng chị cũng về quê.

“Gửi tư thục ở dưới này khá đắt đỏ, còn gửi ở các nhóm trẻ thì con còn nhỏ quá tôi không yên tâm. Mà bà nội cháu xuống ở mãi không được, nên đành tính phương án cho con về quê với bà nội” – chị Thanh nói.

Ái ngại nhìn con dâu, bà Lê Thị Minh (Chi Lăng, Lạng Sơn), mẹ chồng chị Thanh tâm sự: “Thương con thương cháu nên tôi phải bỏ hết công việc nhà xuống đây trông cháu cho các con đi làm. Cai sữa xong tôi sẽ cho cháu về quê để tiện chăm sóc, ở dưới này tốn kém, tiêu pha cái gì cũng đắt”.

Cùng dãy trọ với vợ chồng chị Thanh, bà Trần Thị Giang (Yên Bái) tự nhận mình là công nhân trông trẻ. Mười mấy năm nay, từ khi các con đi làm công nhân thì chỉ Tết bà mới về quê, còn quanh năm suốt tháng đi trông cháu cho 3 con ở 3 nơi khác nhau. Năm nay, hết Tết cũng là lúc bà Giang lên ở trọ cùng con trai cả.

Bà trông 3 cháu, lo ăn uống cả ngày vì bố mẹ chúng đi làm suốt. Bà bảo ở quê gửi chúng về cũng chả trông được cả ngày, lên đây, ít nhất chiều tối hết ca còn có bố mẹ quản lũ trẻ.

Trường công lập luôn trong tình trạng quá tải

Trong phòng trọ chỉ 12m2, chị Nguyễn Thị Trang, công nhân KCN Bắc Thăng Long đang ngồi bệt dưới nền nhà dỗ dành đứa con trai 18 tháng tuổi. Đó là đứa thứ hai của vợ chồng chị.

Tiếng vù vù của chiếc quạt điện thổi hắt cái nóng ra không gian chật hẹp, cùng với âm thanh ồn ào của người lớn, trẻ nhỏ trong cái căn phòng hơn chục mét vuông lỉnh kỉnh đồ đạc ấy, khiến cho bầu không khí càng trở nên ngột ngạt.

Vợ chồng chị Trang đã ở trong xóm trọ giữa thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội qua 6 mùa hè. Hai đứa trẻ cũng dần lớn lên trong cái không gian nhỏ bé này, qua vài đợt nắng kỷ lục.

“Sau Covid-19, vợ chồng tôi đi làm thì lương cũng tạm ổn hơn so với lúc trong dịch, nhưng việc chưa đều. Lại vào đúng thời điểm giá cả leo thang, rồi nắng nóng cũng ảnh hưởng nhiều đến vấn đề chi tiêu”, anh Chuẩn, chồng chị Trang, công nhân Công ty TNHH Phụ tùng xe máy Showa Việt Nam nói.

Chị Trang nói thêm vào: “Các tháng trung bình hết khoảng 500 nghìn tiền điện, nhưng mấy tháng nắng nóng thì tháng nhiều hơn. Thực phẩm thì đắt đỏ, tiền điện tăng gấp 3, gấp 4 so với trước kia, trong khi việc ít, không có giờ làm thêm, lương chẳng tăng”.

Chị Trang bảo, ở quê neo người, lại thương, nhớ con nên không đành lòng đưa chúng về cho ông bà nuôi nấng như giải pháp của nhiều gia đình công nhân hiện nay. Được gửi con ở các trường công lập là ước mơ không chỉ của gia đình chị Trang. Tuy nhiên, ngoài việc gia đình chị không đáp ứng được các điều kiện như hộ khẩu, tạm trú… việc các trường công lập luôn quá tải cũng là điều khiến anh chị ở thế “kính nhi viễn chi” với các cơ sở này. Còn gửi con ở các cơ sở trông nhóm trẻ, mầm non tư thục biết là không đảm bảo, cũng chẳng ra bài bản, trường lớp nhưng kinh phí có hạn, anh chị cũng không còn sự lựa chọn nào khác.

“Mầm non tư thục đàng hoàng thì đắt đỏ, nhà có 2 bé mà gửi ở đấy hết thì cả nhà ăn uống, sinh hoạt thế nào. Đành phải dồn cả 2 vào 1 cơ sở nho nhỏ do mấy cô tự đứng ra nhận trông. Thế mà cũng ngót nghét 4 triệu rồi” – chị than.

Anh chị cho biết, thu nhập của cả hai vợ chồng mỗi tháng khoảng chục triệu đồng. Tiền trông 2 đứa trẻ, chi phí thuê nhà trọ, bỉm sữa cho con, tiền sinh hoạt cho cả gia đình mỗi tháng khiến anh chị dù tằn tiện lắm cũng chỉ vừa đủ trang trải. Mỗi lần con ốm, là một lần anh chị lao đao!

Đến giờ người lao động đi làm, tất cả khu trọ của công nhân gần các KCN đều đóng cửa. Đối với những gia đình có con nhỏ, người lao động đành phải gửi con ở các nhóm giữ trẻ tư nhân gần KCN.

Không chỉ các KCN, nhiều những vợ chồng trẻ cũng rơi vào cảnh lao đao vì nhà có con nhỏ mà không nhờ vả được ông bà nội ngoại. Chị Nguyễn An Thanh (Long Biên, Hà Nội) cho biết, vợ chồng chị có 1 cháu bé mới 12 tháng tuổi.

“Nói khó mãi bà mới lên đỡ được cho đến khi con bé tròn 1 tuổi. Nhưng rồi do sức khỏe yếu nên bà đòi về quê với các anh chị. Vợ chồng mình thấy thật khó về việc gửi con. Ở gần nhà không thiếu trường mầm non tư thục, nhưng giá thành trông các con khá cao, mà con còn quá nhỏ, lớp đông sợ các cô có thời gian quan tâm đến con. Còn trường công thì con chưa đủ tuổi, vậy nên đành theo người ta mách bảo mà chọn 1 cơ sở trông nhóm trẻ ở gần khu mình ở để gửi gắm…” – chị thở dài, nói.

(Còn nữa)

Minh Dương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ky-1-truong-cong-qua-tai-mam-non-tu-thuc-chi-phi-cao-353224.html