Kịp thời dập tắt đám cháy rừng trồng tại xã Xuân Giao

Khoảng 17 giờ 30 phút ngày 23/5, tại xã Xuân Giao (huyện Bảo Thắng) đã xảy ra vụ cháy rừng trồng của một số hộ dân thuộc thôn Giao Bình.

Ngay sau khi xảy ra cháy, 165 cán bộ, chiến sỹ lực lượng công an, dân quân và người dân xã Xuân Giao và xã Gia Phú (Bảo Thắng) đã được huy động để dập tắt đám cháy. Tuy nhiên, thời tiết nắng nóng cộng với gió to đã khiến việc chữa cháy rừng gặp nhiều khó khăn. Đến khoảng 24 giờ cùng ngày, đám cháy đã được khống chế hoàn toàn.

Lực lượng chức năng và người dân tham gia dập tắt đám cháy.

Hiện trường vụ cháy rừng.

Được biết, phần lớn diện tích bị cháy là khu vực rừng trồng của người dân, gồm các loại cây quế, mỡ, bồ đề…

Hiện chính quyền địa phương đang phối hợp với lực lượng chức năng thống kê diện tích, mức độ thiệt hại, số hộ dân có rừng bị ảnh hưởng, đồng thời điều tra làm rõ nguyên nhân vụ cháy (ảnh dưới).

Theo khuyến cáo của ngành chức năng, hiện nắng nóng đang diễn ra gay gắt, nhiệt độ tăng cao, thảm thực bì trong rừng đã khô nên rất dễ gây ra cháy rừng.

Để chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng, giảm thiểu thiệt hại do cháy rừng gây ra, các địa phương cần phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ trong suốt mùa khô và các ngày nắng nóng. Bố trí các điểm chốt chặn, tuần tra canh gác ở những khu vực trọng điểm, kiểm soát chặt chẽ người ra vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy rừng cao; kịp thời phát hiện điểm cháy và huy động lực lượng tham gia khống chế, dập tắt.

Hôm nay (24/5), Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Văn bản số 2373/UBND-NLN yêu cầu các sở, ngành, địa phương triển khai các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về thực hiện phòng cháy, chữa cháy rừng để người dân có ý thức cảnh giác. Tổ chức thực hiện tốt phương án phòng cháy, chữa cháy rừng theo phương châm “Bốn tại chỗ”, trường hợp cháy rừng xảy ra phải huy động lực lượng dập tắt kịp thời không để xảy ra cháy lớn.

Đối với những khu rừng gần khu dân cư, yêu cầu có phương án sẵn sàng, chủ động di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm khi cần thiết, đảm bảo an toàn tính mạng, tài của Nhân dân và Nhà nước.

Các chủ rừng tổ chức thực hiện tốt phương án phòng cháy, chữa cháy rừng của đơn vị; quản lý chặt chẽ người ra vào rừng và nghiêm cấm người dân, khách du lịch sử dụng lửa trong rừng hoặc đốt dọn thực bì khi dự báo cháy rừng ở cấp nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm (cấp IV, cấp V).

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/kip-thoi-dap-tat-dam-chay-rung-trong-tai-xa-xuan-giao-post368768.html