Kịp thời áp dụng các phương pháp can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ

Đối với các trẻ mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ (hay còn gọi là tự kỷ), việc áp dụng các phương pháp can thiệp sớm cho trẻ có ảnh hưởng rất lớn đến nhận thức, hành động và khả năng hòa nhập của trẻ. Tại Quảng Trị, nhờ áp dụng đúng các phương pháp can thiệp ngay từ nhỏ, nhiều trẻ em tự kỷ nay đã có thể nói, hành động và biểu đạt mong muốn của mình như bao trẻ bình thường khác. Đây là tín hiệu đáng mừng không chỉ đối với các bậc phụ huynh mà còn với các trường học, trung tâm hiện đang áp dụng phương pháp can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ trên địa bàn toàn tỉnh.

Tùy vào khả năng tiếp nhận và sức khỏe của trẻ mắc chứng tự kỷ mà các cô giáo đưa ra phương pháp can thiệp sớm, phù hợp. Ảnh: T.P

Chỉ còn vài ngày nữa là cháu H.P.T (ở huyện Triệu Phong) sẽ hoàn thành chương trình can thiệp giáo dục tại Trung tâm Phát triển giáo dục hòa nhập Bình Minh (Ngô Quyền, T.P Đông Hà). Cách đây khoảng 3 năm, khi T. bắt đầu có những dấu hiệu của chứng tự kỷ như không biểu đạt được mong muốn bằng cả lời nói lẫn hành động, gọi không trả lời, thường xuyên tăng động, chạy nhảy,… phụ huynh đã ngay lập tức tìm đến với trung tâm tìm cách điều trị cho con. Sau một thời gian can thiệp giáo dục ở đây, hiện tại T. đã có thể trả lời được những câu hỏi giao tiếp thông thường, có thể vẽ, yêu cầu cô giáo và bố mẹ mua món đồ chơi mà em thích. Nhận thấy sự tiến bộ từng ngày của con, chị N.T.T.T, mẹ của T. cho hay: “Nhờ sự can thiệp kịp thời của các phương pháp khoa học, con tôi từ không biết nói, không thể kiểm soát hành động hằng ngày giờ đã có thể nói chuyện với bố mẹ, tự vệ sinh cá nhân. Điều đó khiến gia đình tôi rất vui. Tôi chỉ mong con mình luôn khỏe mạnh và vui vẻ mỗi ngày”.

Qua tìm hiểu thông tin từ sách báo, mạng xã hội và các cô giáo tại trung tâm, chị T. hiểu quá trình can thiệp cho con phải diễn ra liên tục thì mới có hiệu quả. Thế nên suốt 3 năm qua, bên cạnh việc kèm cặp cho con ở nhà, vợ chồng chị luôn thu xếp công việc đưa con đến trung tâm bất kể mưa hay nắng. Sự tiến bộ của T. mỗi ngày không chỉ là niềm phấn khởi của bố mẹ, các cô giáo của Trung tâm Phát triển giáo dục hòa nhập Bình Minh mà còn cho thấy hiệu quả thiết thực của việc kịp thời áp dụng các phương pháp can thiệp sớm có kiểm chứng khoa học cho trẻ tự kỷ.

Trường hợp của cháu V.H. (hiện đang sống tại Kon Tum) từng can thiệp tại Trung tâm Phát triển giáo dục hòa nhập Bình Minh là một trong những trẻ hòa nhập cộng đồng thành công nhất cho đến thời điểm hiện tại. H. được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ chức năng cao khi mới 2 tuổi rưỡi, không biết nói, chỉ có thể ăn cơm trắng với xì dầu. Dù được can thiệp sớm nhưng chưa áp dụng các phương pháp phù hợp dựa trên kiểm chứng khoa học nên cháu vẫn không mảy may tiến bộ. Khi đến học tại trung tâm, H. cho thấy rất phù hợp với các phương pháp can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ trước năm 3 tuổi mà Trung tâm Phát triển giáo dục hòa nhập Bình Minh áp dụng. Chỉ sau 5 tháng, H. đã tiến bộ vượt trội, có thể giao tiếp cơ bản, làm toán, đọc hiểu và chơi rubik; ăn cơm với nhiều món ăn khác nhau trong sự vui mừng của gia đình. Hiện cháu đã chuyển vào Kon Tum sống cùng bố mẹ và tham gia học tập tại trường tiểu học tại địa phương.

T. hay H. không phải là những trường hợp đầu tiên áp dụng thành công phương pháp can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ. Tại Trung tâm Phát triển giáo dục hòa nhập Bình Minh hiện đang áp dụng phương pháp can thiệp sớm cho 53 trẻ, trong nhiều độ tuổi khác nhau. Điều kiện tiên quyết nhất trong quá trình can thiệp theo các các giáo viên tại trung tâm là “giai đoạn vàng” và không đứt quãng quá trình. Giám đốc chuyên môn của Trung tâm Phát triển giáo dục hòa nhập Bình Minh Nguyễn Thị Tình cho biết: “Việc áp dụng đúng - trúng phương pháp can thiệp và liên tục, không đứt quãng quá trình can thiệp cho trẻ sẽ quyết định đến 90% sự tiến bộ và khả năng hòa nhập của trẻ. Đặc biệt, thời điểm áp dụng phương pháp can thiệp sớm tốt nhất là trước năm 3 tuổi. Đó được xem là “giai đoạn vàng” giúp hình thành ngôn ngữ, nhận thức và khả năng tư duy của trẻ”.

Bên cạnh đó, cô Tình còn chia sẻ với chúng tôi nhiều câu chuyện đau lòng về trường hợp của một số phụ huynh không hiểu con, không chấp nhận tình trạng của con mà bỏ qua thời điểm can thiệp sớm, hay những trường hợp phụ huynh nóng vội, chủ quan theo ý mình làm ngắt quãng quá trình trị liệu cho con, khiến việc can thiệp trở nên khó khăn hơn. “Trẻ tự kỷ ngoại hình rất xinh xắn, đáng yêu nên hầu hết phụ huynh đều rất sốc khi nhận kết quả chẩn đoán và phải họ mất vài năm để chấp nhận được con có sự khác biệt, do vậy vô tình bỏ qua thời điểm can thiệp sớm. Một số trẻ khi mới được đưa đến trung tâm đã có những tiến bộ nhưng phụ huynh lại chủ quan, cho con ngưng can thiệp khi chưa đủ độ “chín”, một thời gian dài sau quay trở lại thì đã quá muộn, tất cả những điều đó chỉ khiến thời gian can thiệp kéo dài, làm giảm hiệu quả can thiệp của các bé, tỉ lệ thành công khi ấy cao lắm cũng chỉ còn 50 - 60%”, cô Tình nói thêm.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong một tọa đàm vào giữa năm 2018, Việt Nam đang có khoảng 200.000 người mắc chứng tự kỷ. Trong đó số trẻ em được chẩn đoán tự kỷ tăng rất nhanh trong một thập kỷ qua.

Tại Quảng Trị, hiện chưa có một con số thống kê cụ thể nào về tỉ lệ trẻ em tự kỷ lẫn việc áp dụng các phương pháp can thiệp sớm có kiểm chứng khoa học cho trẻ dưới 3 tuổi. Tuy nhiên trong những năm qua, Trung tâm Phát triển giáo dục hòa nhập Bình Minh vẫn được biết đến là một trong những nơi có tỉ lệ áp dụng thành công các phương pháp can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ cao và được nhiều phụ huynh tin tưởng, gửi gắm con mình. Hiện có rất nhiều phương pháp can thiệp sớm đã được kiểm chứng khoa học được trung tâm áp dụng như: AAC, TEACCH, ABA, RIT… Tùy vào nhu cầu của trẻ nằm ở mức độ nào, khả năng tiếp thu của trẻ ra sao thì giáo viên mới đưa ra phương pháp can thiệp thích hợp nhất cho các cháu. Mức độ thành công của phương pháp còn phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe và khả năng tiếp nhận của trẻ, tỉ lệ thành công lên đến 95% đối với các trẻ mắc chứng rối loạn ngôn ngữ thông thường. “Phụ huynh cần hiểu rằng, rối loạn phổ tự kỷ không phải là bệnh, đó là một dạng rối loạn gây ảnh hưởng đến nhiều mặt như ngôn ngữ giao tiếp, hành vi, giác quan… của trẻ, không có khả năng lây lan và không thể điều trị bằng thuốc. Chỉ có cách can thiệp sớm khoa học, đúng thời điểm, đúng cách mới có thể đem lại sự tiến bộ cho các con”, cô Nguyễn Thị Tình nhấn mạnh.

Trúc Phương

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=149639