Kinh tế Trung Quốc có nỗi lo lớn hơn chiến tranh thương mại

Tăng trưởng chậm lại, nhu cầu trong nước yếu đi và nợ cao đang khiến Bắc Kinh 'đau đầu' hơn những đe dọa của ông Trump.

Bị vướng trong cuộc chiến thương mại trị giá 400 tỷ USD với Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới - tưởng là mối đe dọa lớn nhất của Trung Quốc nhưng đây lại không phải là điều Bắc Kinh bận tâm nhất hiện nay. Nỗi lo lớn hơn là nền kinh tế đang chững lại nhanh hơn dự kiến ngay trong lúc Bắc Kinh đang cố gắng loại bỏ "núi" nợ trong hệ thống tài chính.

Một loạt số liệu được công bố cuối tuần trước càng làm nổi bật viễn cảnh đáng ngại. Dữ liệu cho vay yếu dần trong vài tháng nay, với các biện pháp tăng trưởng trong tổng tài chính xã hội và cung tiền chạm đáy trong tháng 6. Tuy báo cáo thặng dư kỷ lục với Mỹ, các số liệu thương mại cho thấy nhu cầu trong nước yếu đi khi nhập khẩu giảm mạnh hơn ước tính.

Giảm tăng trưởng tín dụng thường là dấu hiệu của suy thoái kinh tế trong tương lai. Trung Quốc trung bình chỉ mất khoảng 6 tháng trước khi tác động hiện hữu.

Kinh tế "nguội" dần

Chính sách tiền tệ của Trung Quốc được thiết kế để kiềm chế tín dụng quá mức theo sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, theo chuyên gia John Authers, tờ Financial Times.

Tuy nhiên, việc này đe dọa tăng trưởng kinh tế trong nước cùng triển vọng tăng trưởng của các nền kinh tế và ngành công nghiệp phụ thuộc. Ví dụ, giá đồng giảm 17% trong tháng qua - ảnh hưởng đến các nước xuất khẩu sang Trung Quốc, ông Authers cho biết.

Mức tăng trưởng GDP 6,7% của Trung Quốc trong quý II tuy đạt kỳ vọng nhưng khó có khả năng đi lên trong điều kiện xấu đi gần đây.

Các số liệu vĩ mô đi kèm càng củng cố dự đoán này. Đầu tư tài sản cố định, đại diện cho chi tiêu cơ sở hạ tầng và xây dựng, giảm mạnh trong những tháng gần đây. Sản xuất công nghiệp, một thước đo của hiệu suất nhà máy, có thể cũng yếu hơn.

Chi tiêu cơ sở hạ tầng của Trung Quốc giảm mạnh. (Nguồn: Reuters, NBS, ABC)

"Nặng nợ"

Hạ cánh mềm: thuật ngữ phản ánh tình trạng nền kinh tế chuyển từ tăng trưởng cao sang tăng trưởng thấp và sau đó là đi ngang nhưng tránh được suy thoái.

"Có lẽ rủi ro lớn nhất với nền kinh tế Trung Quốc hiện nay nằm trong khu vực tài chính và khoản tăng nợ lớn trong thập kỷ qua", Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Australia Philip Lowe nói trong buổi gặp mặt giới kinh doanh 2 nước hồi tháng 5.

Câu hỏi đặt ra là liệu các nhà hoạch định chính sách có thể "hạ cánh mềm" mà không thêm tăng khoản nợ, đang bằng 250% GDP.

Tăng trưởng đầu tư chỉ trên 6% - mức thấp nhất trong hơn 20 năm. Chưa kể đến việc con số này bị thổi phồng bởi giá đất tăng vọt. Trong khi đó, bong bóng bất động sản được tài trợ bởi những người mua vay tiền ngân hàng. Khi giá nhà đi xuống, người mua vỡ nợ, toàn bộ hệ thống tài chính sẽ chịu áp lực lớn.

Nợ doanh nghiệp giảm nhưng và nợ hộ gia đình tăng. (Nguồn: Reuters, NBS, ABC)

Ảnh hưởng toàn cầu

Việc kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại là điềm báo đáng lo ngại cho tăng trưởng toàn cầu. Trung Quốc chiếm 1/3 mức tăng trưởng của cả thế giới, điều này đồng nghĩa với việc giai đoạn phát triển thế giới tốt nhất trong những năm qua đang chững lại.

Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) nhiều lần cảnh báo rằng xung đột thương mại Mỹ - Trung sẽ lan rộng toàn cầu. Nền kinh tế thế giới dự kiến tăng 3,9% trong năm 2018 và 2019. Tốc độ năm nay là nhanh nhất kể từ 2011.

Tuy nhiên, các vết nứt đang hình thành trong bức tranh tăng trưởng. Hoạt động mở rộng toàn cầu đang trở nên kém cân bằng, lịm dần ở khu vực đồng euro và Nhật Bản và dường như đã đạt đỉnh ở một số nền kinh tế lớn. IMF cũng cho rằng cú hích từ quyết định cắt giảm thuế và tăng chi tiêu của Mỹ sẽ giảm dần.

IMF giảm dự báo tăng trưởng cho nhiều khu vực. (Nguồn: IMF)

Cùng lúc, rủi ro đối với nền kinh tế toàn cầu ngày càng tăng, dẫn đầu là mối đe dọa từ cuộc chiến thương mại đang diễn ra.

"Nguy cơ căng thẳng thương mại hiện tại tiếp tục leo thang - với những tác động bất lợi về niềm tin, giá tài sản và đầu tư - là mối đe dọa lớn nhất trong ngắn hạn đối với tăng trưởng toàn cầu", nhà kinh tế trưởng Maurice Obstfeld của IMF nhận định.

Nếu những đe dọa thương mại trở thành hiện thực, sản lượng toàn cầu có thể giảm khoảng 0,5% so với dự kiến vào năm 2020 và thiệt hại 430 tỷ USD, ông Obstfeld nói. Là mục tiêu trả đũa của Bắc Kinh và nhiều nước, kinh tế Mỹ sẽ "đặc biệt dễ bị tổn thương".

Khối lượng thương mại giảm ở cả nhóm phát triển và mới nổi. (Nguồn: IMF)

Giữa tháng 6, chính quyền Tổng thống Donald Trump ban hành một danh sách 200 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc - từ tivi đến nước ép dứa và găng tay trượt tuyết - bị đánh thuế 10%. Ngoài ra, Mỹ sẽ đánh thuế tiếp 200 tỷ USD hàng nữa nếu Bắc Kinh đáp trả.

Trang Hồ/ Theo ABC News, Bloomberg

Nguồn NDH: http://ndh.vn/kinh-te-trung-quoc-co-noi-lo-lon-hon-chien-tranh-thuong-mai-20180717094853110p145c151.news