Kinh tế toàn cầu bắt đầu cảm nhận sức ép từ thuế quan của Mỹ
Chính sách thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang dần làm nghẽn dòng chảy của nền kinh tế toàn cầu, vốn trong nhiều thập kỷ đã được thúc đẩy nhờ thương mại tự do và môi trường chính sách ổn định, dễ dự đoán.

Kinh tế toàn cầu bắt đầu cảm nhận sức ép từ thuế quan của Mỹ
Hạ kỳ vọng tăng trưởng
Tuần vừa qua, từ các tập đoàn đa quốc gia lớn cho đến các doanh nghiệp thương mại điện tử quy mô nhỏ và nhiều công ty đã phải cắt giảm mục tiêu doanh thu, cảnh báo khả năng cắt giảm nhân sự và điều chỉnh chiến lược kinh doanh. Đồng thời, các nền kinh tế chủ chốt cũng hạ dự báo tăng trưởng sau khi các chỉ số kinh tế cho thấy xu hướng suy yếu rõ rệt.
Mặc dù các thị trường tài chính vẫn kỳ vọng Mỹ và Trung Quốc sẽ tránh được một cuộc chiến thương mại toàn diện và Tổng thống Trump sẽ đạt được các thỏa thuận nhằm trì hoãn hoặc ngăn chặn việc áp thêm thuế với các đối tác khác, thì chính sự bất định về điểm dừng của chính sách thuế hiện tại đã trở thành một yếu tố gây suy giảm đáng kể đối với hoạt động kinh tế toàn cầu.
“Chính sách thuế quan của Mỹ đang tạo ra một cú sốc tiêu cực và nghiêm trọng đối với nền kinh tế toàn cầu trong ngắn hạn”, chuyên gia kinh tế trưởng toàn cầu của ngân hàng BNP Paribas, Isabelle Mateos y Lago nhận định.
Bà cho rằng đích đến cuối cùng của chính sách thuế quan Mỹ có thể xa hơn và mang tính áp đặt hơn so với các dự báo trước đây, khi mức thuế phổ quát hiện đang được duy trì ở ngưỡng 10%, cùng với các mức thuế cao hơn được áp dụng theo ngành đối với các mặt hàng như thép, nhôm và ô tô.
Về phía Trung Quốc, chính phủ nước này thông báo hôm thứ Sáu rằng họ đang xem xét đề xuất từ phía Washington về việc đàm phán liên quan đến mức thuế 145% do Mỹ áp đặt - mức thuế mà Bắc Kinh đã đáp trả bằng mức thuế 125%. Trong khi đó, chính quyền Trump cũng hé lộ rằng các cuộc đàm phán với các quốc gia như Ấn Độ, Hàn Quốc và Nhật Bản đang có tiến triển tích cực, nhằm ngăn chặn khả năng áp thêm thuế trong thời gian tới.
Trong lúc các cuộc đàm phán diễn ra, một số doanh nghiệp đã chủ động điều chỉnh kỳ vọng kinh doanh. Tập đoàn sản xuất thiết bị gia dụng Thụy Điển Electrolux đã cắt giảm triển vọng kinh doanh. Volvo Cars, nhà sản xuất thiết bị công nghệ Logitech và tập đoàn đồ uống toàn cầu Diageo cũng đã từ bỏ các chỉ tiêu doanh thu do môi trường kinh doanh thiếu ổn định.
Đặc biệt, việc Mỹ mới đây hủy bỏ chính sách miễn thuế đối với các kiện hàng thương mại điện tử có giá trị dưới 800 USD từ Trung Quốc đã giáng đòn mạnh vào nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa.
“Chúng ta đang chuyển từ mức thuế 0% lên 145%, điều này hoàn toàn không khả thi đối với cả doanh nghiệp và người tiêu dùng”, Giám đốc điều hành công ty tư vấn thương mại toàn cầu Trade Force Multiplier, Cindy Allen chia sẻ và thêm rằng: “Tôi đã chứng kiến nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa buộc phải rút lui hoàn toàn khỏi thị trường”.
Điểm sáng trong khó khăn
Triển vọng gia tăng thuế quan đã khiến Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) quyết định điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng trong tuần trước. Tình trạng căng thẳng thương mại cũng được các tổ chức dự báo viện dẫn là nguyên nhân khiến tăng trưởng của Hà Lan và khu vực Trung Đông - Bắc Phi (MENA) bị hạ mức dự báo.
Dù các chỉ số kinh tế chính thức ở các nền kinh tế lớn vẫn chưa hoàn toàn phản ánh thực trạng suy giảm, nhưng các khảo sát chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI), vốn có độ nhạy cao với xu hướng thị trường đã bắt đầu ghi nhận sự co hẹp trong lĩnh vực sản xuất.
Theo kết quả khảo sát, tại Trung Quốc, hoạt động sản xuất trong tháng 4 giảm mạnh nhất trong vòng 16 tháng. Tại Anh, xuất khẩu công nghiệp trong tháng vừa qua cũng ghi nhận mức suy giảm nhanh nhất kể từ năm 2014.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cảnh báo rằng dữ liệu tích cực gần đây từ Đức - nền kinh tế định hướng xuất khẩu - có thể chỉ là kết quả của hiện tượng “front-loading - đẩy nhanh hoạt động sản xuất và xuất khẩu trước khi thuế có hiệu lực", thay vì phản ánh sự phục hồi thực sự của cầu quốc tế.
“Hiện tượng này có thể sẽ dẫn đến sự sụt giảm mạnh trong các tháng tới”, chuyên gia kinh tế trưởng tại ngân hàng Hamburg Commercial Bank AG, Cyrus de la Rubia cảnh báo.
Trong khi đó, hiện tượng đẩy nhanh sản xuất cũng giúp chỉ số sản xuất của Ấn Độ đạt mức cao nhất trong 10 tháng. Một số chuyên gia nhận định rằng Ấn Độ, quốc gia hiện chịu mức thuế thấp hơn so với Trung Quốc và là nơi Apple đã chuyển một phần hoạt động sản xuất có thể trở thành điểm sáng trong bối cảnh căng thẳng thương mại gia tăng.
“Ấn Độ đang ở vị thế thuận lợi để trở thành đối tác thay thế Trung Quốc trong việc cung ứng hàng hóa cho thị trường Mỹ trong ngắn hạn”, chuyên gia kinh tế thị trường mới nổi tại Capital Economics, Shilan Shah nhận định và dự báo các mức thuế trừng phạt áp lên Trung Quốc sẽ “tiếp tục được duy trì lâu dài”.
Với hiện trạng hiện nay, phần lớn các chuyên gia kinh tế đều cho rằng chiến lược thuế quan của ông Trump đang tạo ra một “cú sốc cầu” đối với kinh tế toàn cầu, khi khiến hàng nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn đối với doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ, từ đó kéo theo sự sụt giảm trong hoạt động kinh tế tại các khu vực khác.
Tuy nhiên, điểm sáng tiềm năng là việc cầu giảm có thể kéo theo áp lực lạm phát thấp hơn, tạo điều kiện cho các ngân hàng trung ương nới lỏng chính sách tiền tệ, chẳng hạn như khả năng BoE sẽ tận dụng dư địa đó để cắt giảm lãi suất trong tuần này.
Điều còn bỏ ngỏ là liệu chiến lược nhằm tái cân bằng hệ thống thương mại toàn cầu theo hướng có lợi cho Mỹ của ông Trump có thể thúc đẩy các nền kinh tế khác cải cách cơ cấu hay không? Ví dụ như việc Trung Quốc đẩy mạnh các biện pháp kích thích tiêu dùng nội địa, hoặc khu vực đồng euro dỡ bỏ những rào cản hiện còn kìm hãm sự hoàn thiện của thị trường chung.