Kinh tế Mỹ và toàn cầu sẽ ra sao sau đòn thuế quan của ông Trump?

Khi ông Trump áp thuế lên Canada, Mexico và Trung Quốc, nền kinh tế Mỹ đứng trước nguy cơ lạm phát và rủi ro tăng trưởng, chuỗi cung ứng toàn cầu cũng buộc phải định hình lại.

 Kinh tế Mỹ và toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng đáng kể sau khi lệnh thuế quan của ông Trump chính thức có hiệu lực. Ảnh: Reuters.

Kinh tế Mỹ và toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng đáng kể sau khi lệnh thuế quan của ông Trump chính thức có hiệu lực. Ảnh: Reuters.

Từ Mar-a-Lago, ông Trump đã ký 3 sắc lệnh hành pháp áp thuế 25% đối với hàng nhập khẩu từ Canada và Mexico, và 10% với hàng hóa Trung Quốc, hiệu lực vào hoặc sau 12h01 ngày 4/2 theo giờ miền Đông. Nhà Trắng nhấn mạnh nếu các quốc gia trên trả đũa, mức thuế sẽ tiếp tục tăng.

Quyết định này có nguy cơ khởi động một cuộc chiến thương mại mới, làm chậm đà tăng trưởng và gia tăng lạm phát ở cả Mỹ và toàn cầu.

Nguy cơ với nền kinh tế Mỹ

Hiện tại, Mỹ là quốc gia nhập khẩu nhiều nhất thế giới. Đặc biệt, hai quốc gia láng giềng Mexico và Canada đang là những đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ. Đó là lý do Chủ tịch Hội đồng Thương mại Quốc gia (NFTC) Jake Colvin cảnh báo thuế quan có thể đẩy giá cả, từ bơ cho đến ôtô, tăng cao.

Đến nay, Nhà Trắng chưa công bố rõ phạm vi của quy định mới, Tổng thống Donald Trump có thể miễn trừ cho một số lĩnh vực nhất định như dầu khí, hoặc giới hạn thuế quan với một số nhóm.

Tuy nhiên, theo NBC News, ngành công nghiệp ôtô Mỹ sẽ nằm trong số những lĩnh vực dễ bị tổn thương nhất trước lệnh áp thuế quan mới.

Trong nhiều thập kỷ, chuỗi cung ứng của ngành này đã gắn chặt với các nước láng giềng ở phía bắc và phía nam. Trong đó, Mexico là nước xuất khẩu phụ tùng ôtô lớn nhất sang Mỹ với kim ngạch hơn 100 tỷ USD năm 2024, còn Canada là 34 tỷ USD.

Đặc thù ngành sản xuất ôtô cũng buộc linh kiện phải "đi" qua biên giới nhiều lần trong quá trình sản xuất, do đó việc áp thuế 25% nhiều lần có thể nhanh chóng đẩy giá xe lên cao. Jim Stanford - nhà kinh tế học nổi tiếng người Canada thậm chí ước tính một số linh kiện có thể tăng giá gấp 8 lần trước khi được lắp ráp vào xe.

Không chỉ ôtô, Mỹ và Mexico cũng phụ thuộc nhau về nhu cầu năng lượng, theo The New York Times. Mỹ nhập khẩu khoảng 700.000 thùng dầu thô mỗi ngày từ Mexico, đồng thời tiêu thụ khoảng 70% lượng khí đốt tự nhiên của Mexico. Các nhà phân tích năng lượng cảnh báo rằng việc áp thuế nhập khẩu đối với các loại hàng hóa như vậy có thể khiến giá nhiên liệu tăng, đặc biệt là dầu diesel.

Mỹ cũng phụ thuộc vào các sản phẩm nông nghiệp từ Mexico. Nước này hiện cung cấp một nửa lượng trái cây và rau quả tươi cho Mỹ, là một trong những nhà cung cấp hàng đầu về cà chua, bơ, quả mọng, ớt và tỷ lệ này tăng lên vào những tháng mùa đông.

Cụ thể, Mỹ nhập khẩu 46 tỷ USD nông sản từ Mexico trong năm 2024, trong đó trái cây tươi chiếm 9 tỷ USD và rau xanh chiếm 8,3 tỷ USD, theo CNN. Khi thuế quan có hiệu lực, giá cả tại các siêu thị trên khắp nước Mỹ sẽ tăng mạnh. Đặc biệt, margarita và tequila - những thức uống yêu thích của người Mỹ - cũng sẽ trở nên đắt đỏ hơn.

Với Trung Quốc, đây là quốc gia xuất khẩu chính các loại chip sử dụng trong nhiều thiết bị điện tử như điện thoại và máy tính xách tay.

Theo Hiệp hội Công nghệ Tiêu dùng (CTA), thuế quan mới có thể làm giảm sức mua của người tiêu dùng Mỹ tới 90 tỷ USD trên các mặt hàng như điện thoại thông minh, TV, laptop, máy chơi game, tai nghe và nhiều sản phẩm công nghệ khác. Giá laptop và máy tính bảng có thể tăng đến 45%, trong khi điện thoại và máy chơi game cũng sẽ có mức tăng giá hai chữ số.

Ed Brzytwa, Phó chủ tịch Hiệp hội CTA cho biết với CBS News: "Khả năng các nhà bán lẻ hoặc nhà nhập khẩu hấp thụ chi phí thuế quan là rất thấp, vì vậy giá cả sẽ tăng ngay lập tức".

Viện Peterson ước tính các chính sách thuế của ông Trump có thể khiến mỗi hộ gia đình Mỹ phải chi thêm hơn 2.600 USD mỗi năm.

Trong khi đó, tổ chức phi lợi nhuận Tax Foundation ước tính số thu thuế của Mỹ sẽ tăng thêm 1.200 tỷ USD trong giai đoạn 2025-2034.

Ông Trump đã từng ca ngợi ý tưởng rằng ngân sách của chính phủ Mỹ sẽ tăng thêm nhờ thuế quan, nhưng cuối cùng người tiêu dùng Mỹ mới là người chi trả.

 Mexico xuất khẩu lượng lớn rau củ và trái cây cho thị trường Mỹ. Ảnh: Reuters.

Mexico xuất khẩu lượng lớn rau củ và trái cây cho thị trường Mỹ. Ảnh: Reuters.

Khi giá cả tăng cao, nguy cơ lạm phát cũng gia tăng, điều này có thể khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cân nhắc tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát, có khả năng làm chậm tăng trưởng kinh tế.

Joseph Stiglitz, giáo sư kinh tế tại Đại học Columbia và là người đoạt giải Nobel về Khoa học Kinh tế, cho rằng đòn áp thuế mới của ông Trump "gần như chắc chắn sẽ gây ra lạm phát".

Mặt khác, khi các màn "trả đũa" liên tục được tung ra, các ngân hàng trung ương khác cũng buộc phải nâng lãi suất để kìm chế lạm phát. "Điều đó có khả năng dẫn đến kết quả tồi tệ nhất có thể xảy ra - lãi suất tăng khi lạm phát đình trệ, và nền kinh tế dần suy yếu", Giáo sư Stiglitz nhìn nhận.

Chuỗi cung ứng toàn cầu buộc phải định hình lại

Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp buộc phải đánh giá lại và có khả năng di dời chuỗi cung ứng của mình, gây ra sự gián đoạn đáng kể trong dòng chảy thương mại toàn cầu.

Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos, Thụy Sĩ cách đây không lâu, ông Trump từng tuyên bố sẽ đảm bảo mức thuế thấp nhất thế giới cho các doanh nghiệp sản xuất tại Mỹ.

"Nếu bạn chọn sản xuất ở nơi khác, đó là quyền của bạn, nhưng hãy nhớ, bạn sẽ phải trả thuế. Thuế này sẽ mang hàng trăm tỷ USD, thậm chí hàng nghìn tỷ USD về ngân khố nước Mỹ, giúp chúng tôi mạnh mẽ hơn và giảm nợ quốc gia", Tổng thống Mỹ ra "tối hậu thư".

Chưa rõ chính quyền mới của ông Trump đã có những sự chuẩn bị như thế nào sau đòn áp thuế lên Canada, Mexico và Trung Quốc, tuy nhiên thực tế các doanh nghiệp sản xuất tại Mỹ cũng sẽ phải đương đầu với không ít thách thức.

Giáo sư Prasad, chuyên gia về chính sách thương mại tại Đại học Cornell nhấn mạnh thuế quan sẽ đẩy giá USD lên cao và làm giảm sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu của Mỹ trên thị trường toàn cầu. Đó là chưa kể giá nguyên vật liệu nhập khẩu về để sản xuất tại Mỹ cũng sẽ tăng cao.

Mặt khác, chia sẻ với Financial Times, các nhà kinh tế cho rằng các biện pháp bảo hộ mới của Mỹ có thể dẫn đến sự chậm lại trong tăng trưởng kinh tế toàn cầu, với nguy cơ suy thoái ở các quốc gia phụ thuộc nhiều vào thương mại với Mỹ. Thuế quan cũng có thể gây căng thẳng cho quan hệ ngoại giao và làm phức tạp các cuộc đàm phán thương mại trong tương lai.

Trước mắt, thị trường tài chính đã phản ứng, bằng chứng là những biến động đáng kể trong các mặt hàng như vàng. Theo thông tin từ The Guardian, việc JPMorgan gần đây giao 4 tỷ USD vàng thỏi đến New York phản ánh mối lo ngại về khả năng định hình lại thương mại toàn cầu do thuế quan.

 Nhà máy lọc dầu của Exxon Mobil tại Texas (Mỹ). Ảnh: Reuters.

Nhà máy lọc dầu của Exxon Mobil tại Texas (Mỹ). Ảnh: Reuters.

Một trong những bên hưởng lợi hiện tại là các nhà máy lọc dầu tại châu Âu và châu Á. Các chuyên gia và giới phân tích cho rằng mức thuế mới sẽ làm tăng chi phí sản xuất đối với dầu thô nặng, khiến lợi nhuận của các nhà máy lọc dầu Mỹ bị thu hẹp, thậm chí có nguy cơ phải cắt giảm. Điều này mở ra cơ hội lớn cho các nhà máy lọc dầu ở châu Âu và châu Á.

David Wech, chuyên gia kinh tế trưởng tại Vortexa, cho biết các nhà máy lọc dầu tại châu Âu không chỉ tận dụng được lợi thế này mà còn có cơ hội mở rộng thị phần xuất khẩu xăng - lĩnh vực vốn đang chịu áp lực đáng kể.

Khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng có thể tận dụng cơ hội từ sự chênh lệch giá nhiên liệu với bờ Tây nước Mỹ. Tuy nhiên, Wech lưu ý rằng nơi này có thể chịu áp lực từ chi phí nguyên liệu đầu vào cao hơn, do phải nhập dầu thô từ những nguồn cung xa hơn.

Phương Linh

Nguồn Znews: https://znews.vn/kinh-te-my-va-toan-cau-se-ra-sao-sau-don-thue-quan-cua-ong-trump-post1528738.html