Kinh tế Khoa học - công nghệ Chất lượng môi trường không khí TP. Huế ở mức tốt

Trong một tuần qua, Sở Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) liên tục cập nhật và công bố chất lượng môi trường không khí được quan trắc tại Trạm quan trắc tự động và liên tục môi trường không khí (đặt tại Trường cao đẳng Sư phạm Huế, số 83 Hùng Vương, TP. Huế), vị trí nằm ở trung tâm TP. Huế với kết quả luôn ở mức tốt.

Cụ thể, từ ngày 2/10 đến nay, kết quả quan trắc thông số bụi PM2.5 (bụi mịn có kích thước nhỏ hơn 2,5 micromet) nằm trong giới hạn cho phép của QCVN 05:2013/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng không khí xung quanh. Trong đó, thông số bụi PM2.5 đo được trong ngày 7/10 là 30, ngày 6/10 là 32, ngày 5/10 là 41 và ngày 4/10 là 42, tất cả đều có chất lượng không khí ở mức tốt. Riêng ngày 2 và 3/10, thông số bụi PM2.5 đo được cao hơn, lần lượt là 55 và 51, chất lượng không khí ở mức trung bình.

Trong khi vài tuần nay, ô nhiễm không khí ở TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh luôn ở mức cao, bụi mịn PM2.5 thường xuyên vượt ngưỡng an toàn từ 3-10 lần, nên với kết quả chất lượng môi trường không khí tại TP. Huế ở mức tốt đã giúp người dân cũng như du khách an tâm, không lo ảnh hưởng đến sức khỏe.

Ngoài kết quả thông số bụi mịn PM2.5 khu vực TP. Huế được công bố liên tiếp trong những ngày qua, từ tháng 6/2013 đến nay, Trạm quan trắc môi trường không khí tự động thực hiện quan trắc tự động, liên tục 24/24 giờ và đã cho ra chuỗi số liệu chất lượng môi trường không khí với các thông số môi trường, như: SO2, CO, O3, NO, NO2, NOx, bụi PM10, PM2.5, PM1 đáng tin cậy, với mức độ luôn ở ngưỡng an toàn.

Theo cơ quan chuyên môn, nguyên nhân gây ô nhiễm không khí có thể do tự nhiên hoặc do hoạt động của con người bao gồm sản xuất công nghiệp, giao thông vận tải và sinh hoạt. Có được chất lượng môi trường tốt như vậy chính nhờ TP. Huế luôn đảm bảo duy trì và tăng mật độ cây xanh; hạn chế hoạt động sản xuất có phát sinh ô nhiễm trong khu vực nội đô; phân bố khu dân cư, đô thị hợp lý...

Tuy nhiên, trước tình hình thời tiết cực đoan, cùng với tốc độ đô thị hóa, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông gia tăng, chất lượng không khí có nguy cơ ngày càng xấu đi, trở thành vấn đề “nóng” đáng lo ngại cho sức khỏe người dân và quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Chính vì thế, từ cơ quan chuyên môn, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và người dân cần có những biện pháp thích hợp nhất để cải thiện tình trạng ô nhiễm không khí. Trong đó áp dụng biện pháp kỹ thuật, cải tạo máy móc, công nghệ hiện đại thay thế máy móc, dây chuyền lạc hậu gây ô nhiễm không khí; thay thế nhiên liệu đốt cháy từ than đá, dầu bằng việc sử dụng điện.

Khắc phục ô nhiễm không khí bằng biện pháp quy hoạch, di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi thành phố, khu dân cư; khuyến khích người dân đi lại bằng các phương tiện công cộng; tạo diện tích cây xanh rộng lớn trong thành phố, thiết lập các dải cây xanh nối liền các khu vực khác nhau của thành phố, nhất là các khu vực, tuyến phố có nhiều phương tiện qua lại và hay xảy ra tình trạng ùn tắc.

Cùng với đó, các cấp chính quyền, tổ chức, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh làm tốt các phong trào về bảo vệ môi trường, tránh gây ô nhiễm không khí; đồng thời sử dụng một số phương pháp lọc, máy lọc không khí và đeo khẩu trang khi ra đường vào giờ cao điểm.

Hoài Nguyên

Nguồn Thừa Thiên Huế: http://baothuathienhue.vn/chat-luong-moi-truong-khong-khi-tp-hue-o-muc-tot-a78387.html