Kinh phí hoạt động của Đoàn Đại biểu Quốc hội và cơ quan tham mưu cần có sự thống nhất
Nếu kinh phí hoạt động của Đoàn Đại biểu Quốc hội và bộ phận giúp việc được phân bổ từ hai nguồn ngân sách nhà nước khác nhau thì sẽ dẫn tới sự mất cân đối.
Sáng 26.5, thảo luận, góp ý vào Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Thị Việt Nga (Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương) cho rằng cần cân nhắc quy định “Chính quyền địa phương ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm bảo đảm kinh phí hoạt động cho bộ máy tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của Đoàn ĐBQH tại địa phương”.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, thứ nhất, bộ phận tham mưu, giúp việc cho Đoàn ĐBQH thực hiện nhiệm vụ giúp việc cho các ĐBQH trong đoàn, bao gồm cả đại biểu chuyên trách, các đại biểu kiêm nhiệm, làm việc trong các cơ quan ở địa phương và các đại biểu kiệm nhiệm, làm việc trong các cơ quan trung ương. Công việc của đoàn cũng như bộ phận giúp việc là thực hiện nhiệm vụ chung của Quốc hội, xây dựng chính sách, luật pháp chung của đất nước. Mặc dù được đặt tại địa phương nhưng hoạt động Đoàn ĐBQH và bộ phận giúp việc không chỉ dừng lại trong phạm vi của địa phương.
Thứ hai, Đoàn ĐBQH và bộ phận giúp việc cho đoàn hoạt động không tách rời nhau nên kinh phí hoạt động của đoàn và cơ quan tham mưu, giúp việc cho Đoàn ĐBQH cần có sự thống nhất. Nếu kinh phí hoạt động của đoàn và bộ phận giúp việc được phân bổ từ hai nguồn ngân sách nhà nước khác nhau thì sẽ dẫn tới sự mất cân đối, không tương ứng trong kinh phí thực hiện hoạt động của ĐBQH, Đoàn ĐBQH và kinh phí để phục vụ, giúp việc triển khai các hoạt động đó.
Thứ ba, nhiệm vụ của Đoàn ĐBQH và văn phòng giúp việc tại các địa phương là tương đương, tương tự nhau, theo chương trình xây dựng chính sách, pháp luật và giám sát của Quốc hội. Nhưng kinh phí thu, chi ngân sách của từng địa phương lại khác nhau, dẫn tới sự phân bổ kinh phí cho hoạt động của bộ phận giúp việc Đoàn ĐBQH tại mỗi địa phương trong một năm, cho cùng các nội dung trong tiến trình hoạt động của Quốc hội là không đồng nhất. Địa phương nào có mức phân bổ kinh phí cho bộ phận giúp việc cao hơn thì có thể triển khai được nhiều hoạt động nhằm tham mưu, phục vụ đoàn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đoàn. Ngược lại, đối với những địa phương có mức phân bổ kinh phí thấp, không ổn định thì việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, nâng cao năng lực của bộ phận giúp việc cũng khó khăn và hạn chế hơn.
Thứ tư, một trong những chức năng của Đoàn ĐBQH là chức năng giám sát việc thực hiện pháp luật ở địa phương, nên nếu kinh phí hoạt động của bộ máy giúp việc, tham mưu cho đoàn phụ thuộc vào kinh phí của địa phương sẽ có thể ảnh hưởng đến tính khách quan trong các hoạt động giám sát của Đoàn ĐBQH.
Thứ năm, công chức thuộc Văn phòng Đoàn ĐBQH hiện nay thuộc biên chế của Văn phòng Quốc hội, không thuộc biên chế của địa phương. Ngân sách địa phương phải chi trả lương, phụ cấp, kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức không thuộc biên chế của địa phương là không phù hợp.
Cuối cùng, đại biểu Nga cho rằng theo báo cáo tổng kết của Chính phủ về việc thực hiện thí điểm hợp nhất 3 Văn phòng: Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND cấp tỉnh thì chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức thuộc văn phòng được quy định rõ, không chồng chéo. Như vậy, ngay cả khi thực hiện phương án sắp xếp bộ máy như Chính phủ đề xuất là hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND thì nhiệm vụ tham mưu, giúp việc các cơ quan là hoàn toàn tách biệt. Việc bố trí kinh phí cho bộ máy giúp việc Đoàn ĐBQH từ nguồn kinh phí Trung ương, kinh phí cho bộ máy giúp việc HĐND từ nguồn kinh phí của địa phương là có thể thực hiện, không dẫn tới sự trùng lắp trong phân bổ kinh phí, mà vẫn bảo đảm sự chủ động trong triển khai các hoạt động của Đoàn ĐBQH và bộ máy tham mưu, khắc phục tình trạng mất cân đối khi bố trí kinh phí cho từng mảng hoạt động mà một số địa phương đã thưc hiện thí điểm nêu ra.