Kinh nghiệm từ mô hình 'Quản lý thanh, thiếu niên hư có nguy cơ vi phạm pháp luật'

Sau gần 6 năm thực hiện mô hình 'Quản lý, giáo dục thanh thiếu niên hư có nguy cơ vi phạm pháp luật' trên địa bàn tỉnh đã mang lại hiệu quả to lớn, góp phần hạn chế đến mức thấp nhất tội phạm, tệ nạn xã hội ở thanh, thiếu niên.

Đại diện các đơn vị chức năng trên địa bàn xã Ninh Nhất (thành phố Ninh Bình) ký kết thực hiện mô hình tái hòa nhập cộng đồng "quyết tâm hoàn lương, xây dựng cuộc sống mới".

Đại diện các đơn vị chức năng trên địa bàn xã Ninh Nhất (thành phố Ninh Bình) ký kết thực hiện mô hình tái hòa nhập cộng đồng "quyết tâm hoàn lương, xây dựng cuộc sống mới".

Theo số liệu thống kê, trung bình hàng năm các đơn vị chức năng thuộc Công an tỉnh đã điều tra, xử lý 600 vụ án, trong đó số thanh, thiếu niên phạm tội chiếm trên 40%, hầu hết các đối tượng đều nghiện ma túy, nghiện game online, không nghề nghiệp, bỏ học lang thang...

Trước tình hình trên, Công an tỉnh xác định cần huy động sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, các lực lượng cùng tham gia quản lý, giáo dục thanh, thiếu niên hư có nguy cơ vi phạm pháp luật trên địa bàn. Do vậy, tháng 9/2017, Công an tỉnh đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị 10-CT/TU (Chỉ thị số 10) về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, giáo dục thanh, thiếu niên"; UBND tỉnh ban hành Chương trình hành động 124/CTHĐ-UBND về thực hiện Chỉ thị số 10 (Chương trình hành động số 124).

Để đảm bảo sự thống nhất trong quá trình thực hiện Chỉ thị 10 và Chương trình hành động số 124, Công an tỉnh đã phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên ký kết Kế hoạch liên ngành về phối hợp quản lý, giáo dục thanh, thiếu niên hư có nguy cơ vi phạm pháp luật, thành lập mô hình "Quản lý thanh, thiếu niên hư có nguy cơ vi phạm pháp luật" trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, ban hành Hướng dẫn "Tiêu chí xác định thanh, thiếu niên hư có nguy cơ vi phạm pháp luật và quy trình quản lý, giáo dục tại cơ sở". Chỉ đạo thành lập Ban chỉ đạo từ cấp huyện đến cấp xã, phường, thị trấn, trong đó có sự tham gia của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể và đại diện của dân phố, thôn, xóm; giao cho lực lượng Công an chủ trì, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, UBND các xã, phường, thị trấn khảo sát, lập danh sách số thanh, thiếu niên hư có nguy cơ vi phạm pháp luật.

Việc thực hiện quy trình quản lý giáo dục thanh, thiếu niên hư có nguy cơ vi phạm pháp luật gồm 8 bước (bước 1: Khảo sát; bước 2: Xét duyệt; bước 3: Lập hồ sơ; bước 4: Tổ chức ký kết; bước 5: Quản lý giáo dục giúp đỡ; bước 6: Đánh giá nhận xét; bước 7: Phân loại, đánh giá công nhận tiến bộ; bước 8: Kết thúc quản lý).

Quá trình thực hiện mô hình, đã lựa chọn thành phố Ninh Bình, huyện Hoa Lư, huyện Nho Quan và 16 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai điểm, sau đó triển khai đồng loạt tại các đơn vị còn lại.

Định kỳ hàng quý, Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ cấp xã họp để xét duyệt và quyết định đưa thanh, thiếu niên vào hoặc đưa ra khỏi diện quản lý; phân công các ngành, các lực lượng phối hợp với gia đình, nhà trường quản lý, giáo dục theo các hình thức "3+1" (1 cán bộ đoàn thể quần chúng; 1 Công an xã, phường, thị trấn; 1 cán bộ tổ dân phố, thôn, xóm, giáo dục, giúp đỡ; 1 thanh, thiếu niên hư) hoặc "4+1" (1 cán bộ đoàn thể quần chúng; 1 Công an xã, phường, thị trấn; 1 cán bộ tổ dân phố, thôn, xóm, giáo dục và đại diện gia đình giúp đỡ 1 thanh, thiếu niên hư).

Để mô hình hoạt động hiệu quả, các cấp, các ngành, các địa phương đã phối hợp mở các đợt tuyên truyền sâu rộng đến tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh, thiếu niên về nội dung, mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác này; phổ biến kiến thức pháp luật về phòng, chống tội phạm, ma túy, giáo dục đạo đức, lối sống cho thanh, thiếu niên.

Đồng thời, gắn kết việc thực hiện mô hình với các phong trào đang phát huy tác dụng, hiệu quả trên địa bàn như phong trào: "Tổ dân phố, thôn, xóm an toàn", "An toàn học đường", "Dòng họ tự quản về ANTT", "Xứ, họ đạo bình yên - chùa tinh tiến về ANTT", "Cụm giáp ranh về ANTT", "Chi đoàn không có tội phạm, tệ nạn xã hội", trong đó chú trọng phát huy vai trò của các ban, ngành, đoàn thể và Bí thư chi bộ, Tổ trưởng dân phố, Trưởng thôn, xóm, Trưởng Ban công tác Mặt trận, giáo viên chủ nhiệm, các chức sắc tôn giáo, người có uy tín trong công tác này.

Qua đó, uốn nắn kịp thời những tư tưởng, hành động lệch lạc, sai trái của thanh, thiếu niên hư, tạo môi trường lành mạnh để thanh, thiếu niên hư rèn luyện, sửa chữa sai phạm.

Qua gần 6 năm thực hiện mô hình "Quản lý, giáo dục thanh thiếu niên hư có nguy cơ vi phạm pháp luật" thực sự mang lại hiệu quả to lớn, phát huy được vai trò trách nhiệm của các lực lượng từ tỉnh đến cơ sở.

Tính đến tháng 6/2023, đã cảm hóa, giáo dục tiến bộ 279 thanh thiếu niên hư có nguy cơ vi phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh, góp phần ổn định tình hình ANTT, giảm trung bình 20,8% tội phạm, tệ nạn xã hội trong thanh, thiếu niên qua các năm.

Đáng phấn khởi là trong số các thanh, thiếu niên đã tiến bộ đưa ra khỏi diện, có 44 trường hợp được cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể địa phương hỗ trợ, tạo việc làm ổn định cuộc sống và nhiều trường hợp thanh, thiếu niên hư tiến bộ được tham gia nghĩa vụ quân sự.

Phát huy hiệu quả của mô hình, thời gian tới, Công an tỉnh tiếp tục phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tiếp tục duy trì và thực hiện hiệu quả mô hình này.

Bài: Kiều Ân

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/kinh-nghiem-tu-mo-hinh-quan-ly-thanh-thieu-nien-hu-co-nguy/d20231108210049245.htm