Kinh doanh viện dưỡng lão – lĩnh vực đầu tư siêu thu hút tại Trung Quốc
i với các nhà đầu tư Trung Quốc và quốc tế, những dự án chăm sóc người cao tuổi đang trở thành một ván bài đầu tư có sức hút không thể cưỡng lại. Rất nhiều tiền đang đổ vào lĩnh vực này trong bối cảnh dân số Trung Quốc đang già đi nhanh chóng.
Căn tin tại Khu chăm sóc người cao tuổi cao cấp Ardor Gardens. Ảnh: Lendlease Corp Ltd.
Ông William Tang- một người về hưu ở Trung Quốc gần đây đã quyết định thay đổi cuộc sống của mình ở trung tâm thành phố Thượng Hải để đến ỏ tại một cơ sở chăm sóc người cao tuổi sang trọng ở vùng viễn tây của thành phố, trả 220.000 USD để thuê một căn hộ hai phòng ngủ trong 15 năm.
“Nó giống một khu nghỉ dưỡng hơn”, ông Tang nói sau khi xem các căn hộ của Ardor Gardens, nơi làm nổi bật các tiện nghi bao gồm hồ bơi trong nhà, phòng tập yoga, phòng nếm rượu vang và dịch vụ chăm sóc suốt ngày đêm.
Đối với ngày càng nhiều nhà đầu tư Trung Quốc và quốc tế, các dự án chăm sóc người cao tuổi như Ardor Gardens đang trở thành một ván bài đầu tư có sức hút không thể cưỡng lại. Rất nhiều tiền đang đổ vào lĩnh vực này trong bối cảnh dân số Trung Quốc đang già đi nhanh chóng.
Công ty bất động sản và cơ sở hạ tầng có trụ sở tại Sydney, Lendlease Corp Ltd., đã đầu tư 280 triệu USD vào Ardor Gardens. Lendease là một trong số các nhà đầu tư nhận thấy môi trường chính sách trở nên thuận lợi hơn khi chính phủ Trung Quốc giải quyết các thách thức về nhân khẩu học.
Chủ tịch Lendlease Trung Quốc Ding Hui cho biết: “Thị trường có thể sẽ hoàn toàn khác trong 10 năm kể từ bây giờ. Nếu bạn đợi 10 năm trước khi bắt đầu nghĩ đến việc mua đất, học hỏi, đào tạo đội ngũ và phát triển mô hình kinh doanh, rất có thể bạn đã bỏ lỡ cơ hội”.
Theo dữ liệu dân số mới nhất của Trung Quốc, số cư dân Trung Quốc từ 60 tuổi trở lên đã tăng 47% trong thập kỷ qua lên 260 triệu người, chiếm hơn 18% tổng dân số của quốc gia này. Đến năm 2050, dự báo sẽ tăng gần gấp đôi lên gần 500 triệu.
Lendlease đang cạnh tranh với các công ty trong nước đã có tên tuổi, bao gồm các công ty bảo hiểm blue-chip, các công ty cổ phần tư nhân và các nhà phát triển bất động sản. Hàng chục nhà đầu tư nước ngoài cũng đã đổ xô vào đầu tư về lĩnh vực này trong những năm gần đây, bao gồm Temasek Holdings Pte thuộc sở hữu nhà nước của Singapore, công ty đầu tư chăm sóc sức khỏe Columbia Pacific Management và Fortress Investment Group của Mỹ.
Nhiều nhà đầu tư khác đang tìm cách tham gia vào cuộc đua này. Người đứng đầu bộ phận bất động sản của công ty Stanley Ching cho biết, gã khổng lồ đầu tư Citic Capital đang nhắm tới việc xây dựng một số dự án chăm sóc người cao tuổi với các đối tác ở các thành phố lớn trong vài năm tới. Trong khi đó, Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Trung Quốc New China Life Insurance Co. mới vừa bắt đầu bán một khu phức hợp chăm sóc người cao tuổi mới rộng 280.000m2 ở ngoại ô Bắc Kinh - có kích thước tương đương 40 sân bóng đá tiêu chuẩn.
Nhiều công ty trong số này vẫn chưa kiếm được tiền từ hoạt động kinh doanh chăm sóc người cao tuổi, nhưng họ đặt cược rằng nhu cầu sẽ ngày càng tăng đối với các cơ sở như vậy và việc thay đổi các quy tắc xã hội ở Trung Quốc sẽ mang lại lợi nhuận cho họ trong dài hạn.
Về mặt chính sách, chính phủ đang soạn thảo các kế hoạch chi tiết để tăng cường lĩnh vực chăm sóc người cao tuổi, tập trung vào việc mở rộng các dịch vụ cơ bản và giá cả phải chăng. Các chính sách này bao gồm việc tăng số giường tại các viện dưỡng lão, và dành nguồn lực để đào tạo các chuyên gia rất cần thiết.
Ye Liming, giám đốc tại Hiệp hội Công nghiệp Dịch vụ Cao cấp Thượng Hải cho biết: “Thị trường chăm sóc những người cao tuổi giàu có của Trung Quốc chưa bước vào giai đoạn tăng trưởng tốc độ cao, nhưng nó chắc chắn đã bắt đầu.”
Quỹ đạo nhân khẩu học của đất nước cũng đang thay đổi một số truyền thống lâu đời tại Trung Quốc. Mặc dù con cái ở Trung Quốc từ lâu đã bị ràng buộc bởi nghĩa vụ chăm sóc cha mẹ già, nhiều gia đình sống xa nhau sau nhiều năm di cư lao động và đô thị hóa. Vấn đề càng trở nên trầm trọng hơn bởi thực tế là nhiều người sắp bước vào tuổi nghỉ hưu nhưng chỉ có một người con để dựa vào do chính sách một con của Trung Quốc đã được nới lỏng vào năm 2016. Vì vậy, việc người cao tuổi Trung Quốc sẽ thiếu đi người chăm sóc là điều rất dễ xảy ra.
Tuy nhiên, bất chấp những thay đổi về nhân khẩu học này, các ước tính trong ngành dự đoán rằng chỉ có khoảng 3% người cao niên Trung Quốc sẵn sàng hoặc có khả năng chi trả các loại dịch vụ mà Lendlease đang cung cấp. Phần lớn dự kiến sẽ ở nhà hoặc tại các viện dưỡng lão được chính phủ trợ cấp. Mặc dù đó vẫn là một con số đủ lớn trong bối cảnh dân số già của Trung Quốc đang ngày càng gia tăng cao, nhưng con số này cho thấy sự khó khăn đối với các nhà đầu tư.
Tính đến tháng 7, Lendlease đã bán được khoảng một nửa trong số khoảng 100 căn hộ đầu tiên tại Ardor Gardens mà công ty bắt đầu tiếp thị vào tháng 9 năm ngoái.
Lendlease tin rằng việc hàng chục người cao tuổi dùng tiền của họ để mua một bất động sản cho thuê ở Ardor Gardens là rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh đại dịch như hiện nay. Đáng chú ý hơn, một số người cho rằng tâm lý người cao niên nên dành tiền tiết kiệm của họ để sở hữu một bất động sản để truyền lại cho thế hệ sau thay vì tự do nhàn rỗi hưởng thụ cho chính mình - cũng có thể bắt đầu thay đổi.
Quay trở lại với William Tang, một người đã ngoài 70 tuổi và dự kiến sẽ chuyển đến Ardor Gardens vào tháng 9 tới chính là kiểu người về hưu mà các nhà đầu tư đang hướng tới - giàu tiền mặt, cởi mở và tìm kiếm niềm vui trong những năm tuổi xế chiều. .
Ông Tang nói rằng: “Mục đích của chúng tôi không phải là chỉ bỏ tiền ra mua một bất động sản mà quan trọng là chúng tôi muốn tận hưởng một cuộc sống thú vị hơn.”