Kinh doanh thuốc lá 'lợi đơn nhưng hại kép': Thu 941 tỷ USD nhưng gây hại hàng nghìn tỷ USD

Với tốc độ tăng trưởng mạnh, doanh thu của thị trường thuốc lá ước tính sẽ đạt 941 tỷ USD trong năm 2023. Tuy nhiên, thiệt hại mà ngành công nghiệp này mang lại thậm chí còn cao hơn gấp nhiều lần so với lợi nhuận mà nó tạo ra. Đây là thông tin được công bố tại Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá mới đây.

Ảnh minh họa.

Thị trường thuốc lá phát triển không ngừng

Theo Statista, doanh thu của thị trường sản phẩm thuốc lá trên toàn thế giới sẽ đạt 941 tỷ USD vào năm 2023 với tốc độ CAGR dự kiến 2,55% trong giai đoạn từ năm 2023 – 2028. Trong đó, mặc dù các công ty thuốc lá gần đây nói nhiều về các sản phẩm “không khói”, “giảm hại” và sự chuyển dịch từ thuốc lá điếu sang các sản phẩm mới, nhưng thực chất thuốc lá điếu vẫn giữ vai trò chủ đạo và là nguồn doanh thu lớn nhất.

Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá chỉ ra thuốc lá điếu góp phần lớn nhất vào doanh thu của thị trường, tương đương với 834,7 tỷ USD vào năm 2023. Các công ty sản xuất thuốc lá vẫn không ngừng cung cấp cho thị trường hàng tỷ điếu thuốc mỗi năm.

Philip Morris International (PMI), công ty sản xuất thuốc lá hàng đầu thế giới, là một ví dụ điển hình. Kể từ năm 2019, thời điểm PMI công bố chiến dịch “Không khói thuốc”, đến năm 2021, công ty này vẫn tiếp tục bán ra thị trường 1.900 tỷ điếu thuốc lá. PMI cũng tiếp tục xây dựng một nhà máy thuốc lá mới ở Ai Cập, mở thêm nhà máy ở Tanzania và Uzbekistan. Ngoài ra, PMI còn tài trợ cho một chương trình cản trở Thụy Sỹ cấm quảng cáo thuốc lá điếu với mục tiêu bảo vệ thanh thiếu niên.

Doanh thu từ thuốc lá dự kiến sẽ tăng 11 năm liên tiếp.

Bên cạnh thuốc lá điếu, các công ty quốc lá trên thế giới còn không ngừng phát triển thêm các dòng sản phẩm mới, hướng đến nhiều đối tượng người dùng, đơn cử như thuốc lá điếu được thiết kế có mức độ gây nghiện lớn hơn hay sự xuất hiện của các dòng sản phẩm như thuốc lá điện tử khiến người hút bị gắn với nicotine, các loại hương liệu… Nhiều người còn sử dụng song song các loại thuốc lá điện tử và truyền thống với nhau.

Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá trích dẫn nghiên cứu Meta-Analysis cho thấy người trẻ tuổi thử sử dụng thuốc lá điện tử có nguy cơ bắt đầu sử dụng thuốc lá truyền thống cao hơn 3,5 lần so với nhóm không dùng thuốc lá điện tử. Dữ liệu cũng cho thấy có tới 2/3 người dùng HTP ở Nhật Bản và gần như tất cả (96,2%) ở Hàn Quốc dùng đồng thời thuốc lá truyền thống và nung nóng.

Một nghiên cứu gần đây ở Nhật Bản chỉ ra rằng vào năm 2018, hầu hết những người sử dụng HTP ở Nhật Bản cũng đang hút thuốc lá truyền thống hàng ngày (94,4%) và chỉ 0,5% là những người chủ yếu sử dụng HTP.

Doanh thu không đủ bù thiệt hại

Những tác hại về sức khỏe do thuốc lá gây ra là điều không có gì để bàn cãi nhưng thiệt hại về kinh tế cũng không hề kém cạnh. Trong nhiều năm qua, các công ty thuốc lá cho rằng ngành công nghiệp thuốc lá đã mang lại những lợi ích vượt trội về mặt kinh tế. Tuy nhiên, bằng cách lượng hóa, nhiều nghiên cứu của các tổ chức quốc tế đã “vạch trần” những tác động tàn phá nền kinh tế của ngành công nghiệp thuốc lá và lợi ích mà ngành công nghiệp này mang lại không đủ để bù đắp cho những thiệt hại mà nó gây ra.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hàng năm, thế giới phải gánh chịu thiệt hại kinh tế 1.400 tỷ USD do thuốc lá gây ra. Thiệt hại này bao gồm các khoản tiền cụ thể được chi để giải quyết những tác hại do thuốc lá gây ra, chẳng hạn như thanh toán hóa đơn y tế cho các bệnh liên quan đến thuốc lá và cả số tiền không cụ thể, chẳng hạn như lợi nhuận công ty giảm do mất lao động vì bệnh tật hoặc tử vong liên quan đến thuốc lá.

Một nghiên cứu được thực hiện tại 44 quốc gia từ năm 1990 đến năm 2015 cho thấy các quốc gia đã chi từ khoảng 1,2% đến 13% tổng chi tiêu y tế của họ cho việc chữa các bệnh liên quan đến thuốc lá.

Bệnh tật và các ca tử vong sớm liên quan đến thuốc lá cũng gây thiệt hại không nhỏ cho nền kinh tế khi lực lượng lao động bị hao hụt. Theo WHO, thuốc lá giết chết hơn 8 triệu người mỗi năm trên toàn thế giới, trong đó có khoảng 12% số ca tử vong ở người trưởng thành trong độ tuổi lao động.

Ngày càng có nhiều loại thuốc lá khác nhau.

Tobacconomics cho biết, các thiệt hại kinh tế như chi phí liên quan đến hỏa hoạn do hút thuốc và gánh nặng tài chính to lớn liên quan đến chất thải môi trường liên quan đến thuốc lá (hàng tỷ mẩu thuốc lá mà các thành phố chi tiền để dọn dẹp), không được đưa vào thống kê thiệt hại hàng năm gây ra bởi thuốc lá. “Nếu những con số này được đưa vào thống kê, thiệt hại thực sự của việc sử dụng thuốc lá thậm chí còn cao hơn nữa”, Tobacconomics nhận định.

Doanh thu từ thuế thuốc lá lớn nhưng vẫn không đủ để bù đắp cho các chi phí khác mà xã hội phải gánh chịu. Theo actbr.org, một trang web chuyên về thuế, chính phủ Brazil thu được khoảng 2,4 tỷ USD tiền thuế thuốc lá mỗi năm nhưng phải bỏ ra số tiền lên tới 10 tỷ USD/năm cho các chi phí trực tiếp liên quan đến thuốc lá, bao gồm cả điều trị y tế và 8,5 tỷ USD/năm chi phí gián tiếp.

Điều trớ trêu là 4 công ty thuốc lá hàng đầu thế giới như PMI, British American Tobacco, Imperial Tobacco và Japan Tobacco, đều thuộc những quốc gia phát triển và giàu có, nhưng thị trường tiêu thụ chủ yếu của các hãng này lại là những nước nghèo, nơi số người hút thuốc ngày càng tăng.

Tobacconomics chỉ ra rằng ở hầu hết các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình (LMIC), chiếm trên 80% những người sử dụng thuốc lá trên thế giới, số thuế thuốc lá thu được tương đương dưới 1% GDP của các quốc gia này.

Các công ty thuốc lá còn cố gắng tìm nhiều cách “lách luật” để hạn chế đóng thuế. Báo cáo của STOP nghiên cứu chiến lược giá tại 30 quốc gia trên thế giới chỉ ra các công ty thuốc lá đã đẩy thuế vào giá theo các mức khác nhau giữa các dòng sản phẩm để vừa duy trì nhu cầu, vừa tăng lợi nhuận; Bổ sung thêm sản phẩm/phân khúc để người hút có thể chuyển sang dòng rẻ hơn mà không giảm/bỏ thuốc; Triển khai chính sách phân biệt giá + kèm khuyến mại; Tăng giá từ từ chia nhỏ theo từng giai đoạn; Giảm số lượng thay vì tăng giá: bán bao nhỏ hơn, giá không đổi và Thay đổi đặc tính sản phẩm để hưởng mức thuế thấp hơn (nếu quốc gia không áp dụng thuế đồng nhất).

Thiệt hại về kinh tế do thuốc lá gây ra ngày càng lớn.

British American Tobacco (BAT) là một trong những công ty thuốc lá lớn nhất thế giới và đã bị chỉ trích vì các hành vi gian lận về thuế. Một báo cáo của Tax Justice Network chỉ ra sự đóng góp thuế của BAT cho xã hội nơi họ kiếm lợi nhuận không đủ đề bù đắp cho những thiệt hại về con người và kinh tế mà hoạt động sản xuất của công ty.

Ngành công nghiệp thuốc lá cũng bị chỉ trích vì sử dụng lao động trẻ em. Trên khắp thế giới, ước tính có khoảng 1,3 triệu trẻ em làm việc trong ngành sản xuất thuốc lá. Ngành công nghiệp này được cho là đã duy trì tình trạng lao động trẻ em bằng cách giữ mức lương và giá thuốc lá ở mức thấp, cướp đi của trẻ em nền giáo dục đầy đủ cũng như các cơ hội về kinh tế và các cơ hội khác mà nền giáo dục mang lại cho chúng.

Lợi nhuận mà ngành công nghiệp thuốc lá mang lại đang được đánh đổi từ sức khỏe, môi trường và kinh tế. Chính vì thế, hạn chế sử dụng và sản xuất thuốc lá chính là liều thuốc tốt nhất cho sức khỏe nhân loại và nền kinh tế toàn cầu. Tỷ lệ người sử dụng thuốc lá giảm sẽ kéo theo tỷ lệ mắc bệnh liên quan đến thuốc lá giảm. Điều này đồng nghĩa với việc các đơn vị chi trả cho dịch vụ chăm sóc sức khỏe (như chính phủ, công ty và/hoặc cá nhân) sẽ tiết kiệm tiền và hệ thống y tế sẽ bớt căng thẳng hơn. Năng suất tại nơi làm việc cũng sẽ được cải thiện khi số người trưởng thành phải nghỉ việc vì bệnh tật liên quan đến thuốc lá ít hơn.

Ở cấp độ vi mô, các gia đình thay vì dành một phần tài chính của mình dành cho việc chi trả cho các sản phẩm thuốc lá có thể chuyển số tiền đó sang giáo dục, thực phẩm, vận chuyển, tiết kiệm hoặc các nhu cầu cần thiết khác để cho một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá diễn ra vào tháng 11/2023. Hội nghị được tổ chức bởi Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) nhằm nâng cao năng lực truyền thông về phòng chống tác hại của thuốc lá.

Hội nghị đã cập nhật tình hình hoạt động và một số vấn đề ưu tiên trong PCTHTL ở Việt Nam; Tác hại của thuốc lá điện tử; Cập nhật tình hình các ca ngộ độc do sử dụng thuốc lá điện tử; Một số quan niệm sai lầm, sự thật, và kinh nghiệm quốc tế trong kiểm soát các sản phẩm thuốc lá mới; Những thách thức trong phòng, chống tác hại của thuốc lá do ngành công nghiệp thuốc lá can thiệp vào kiểm soát thuốc lá trên toàn cầu và Khuyến cáo của WHO về quan điểm cấm các sản phẩm thuốc lá mới.

Khánh Tú

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/kinh-doanh-thuoc-la-loi-don-nhung-hai-kep-thu-941-ty-usd-nhung-gay-hai-hang-nghin-ty-usd-20180504224292095.htm