Kinh doanh dưới giá vốn khiến Thủy sản Mekong (AAM) thua lỗ nửa đầu năm

Theo giải trình của Công ty CP Thủy sản Mê Kông (AAM), doanh nghiệp lỗ hơn 3 tỷ đồng quý 2 là do chi phí bán hàng tăng hơn 32%, trong khi giá bán thấp đã làm lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm gần 168% so với cùng kỳ năm trước.

AAM vừa phải giải trình khoản lỗ hơn 3 tỷ đồng trong quý 2.

Công ty Cổ phần Thủy sản MeKong (Mã CK: AAM) vừa công bố báo cáo quý 2/2021 với doanh thu thuần ghi nhận tăng 22% so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 29 tỷ đồng. Tuy nhiên, kinh doanh dưới giá vốn khiến doanh nghiệp này phải chịu lỗ gộp 817 triệu đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 1,2 tỷ đồng.

Doanh thu hoạt động tài chính giảm 16%, xuống còn 1,1 tỷ đồng, do hoàn nhập dự phòng giảm giá đầu tư tài chính. Trong khi đó, chi phí bán hàng của AAM kỳ này tăng mạnh lên hơn 2,7 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ. Ngược lại, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 23%, xuống còn 1,5 tỷ đồng.

Sau khi trừ các chi phí, AAM báo lỗ hơn 3 tỷ đồng, đây cũng là quý thứ 5 lỗ liên tiếp của doanh nghiệp. Giải trình cho việc này, AAM cho biết nguyên nhân do chi phí bán hàng tăng (chủ yếu là cước tàu) và giá bán thấp.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, AAM ghi nhận doanh thu thuần giảm 9%, xuống còn 59 tỷ đồng và lỗ ròng hơn 4 tỷ đồng. Tính đến ngày 30/06/2021, lỗ lũy kế của AAM cán mốc hơn 6,2 tỷ đồng.

Tính đến cuối tháng 6/2021, tổng tài sản của AAM còn gần 199 tỷ đồng, giảm 6% so với đầu năm. Khoản đầu tư tài chính ngắn hạn tăng 5% so với đầu năm, lên hơn 11.5 tỷ đồng, chủ yếu nhờ phần tăng thêm từ khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (đầu năm không ghi nhận khoản này).

Ngược lại, các khoản phải thu ngắn hạn giảm mạnh 50%, xuống còn 8 tỷ đồng. Nợ phải trả thời điểm này cũng giảm 46%, xuống còn 9 tỷ đồng. Việc cải thiện được nợ là một trong những yếu tố chính giúp cải thiện dòng tiền kinh doanh của AAM trong quý này, ghi nhận hơn 5 tỷ đồng (cùng kỳ âm 1.5 tỷ đồng).

Đáng chú ý, năm 2020 vừa qua, AAM chính là 1 trong 3 doanh nghiệp thủy sản niêm yết thua lỗ. Phía Công ty chỉ ra những nguyên nhân chính như: Thị trường xuất khẩu tiếp tục gặp khó khăn, tình trạng cạnh tranh gay gắt giữa các đơn vị cùng ngành, sản xuất không ổn định và tồn kho sản phẩm cao,…

Đầu năm nay, Báo cáo thường niên được AAM công bố đã nhận định những khó khăn thách thức trong năm 2021 như: Tình trạng cạnh tranh trong ngành tiếp tục, dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến thị trường tiêu thụ, vấn đề về lực lượng lao động…

Vì vậy, ban lãnh đạo AAM định hướng không phát triển tràn làn trên nhiều lĩnh vực mà chỉ tập trung vào chăn nuôi và chế biến ca tra xuất khẩu. Điều này nhằm tập trung nguồn lực và hạn chế rủi ro. Trước mắt, AAM dự kiến sản xuất kinh doanh ở mức thấp, không tăng sản lượng và đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm tồn kho.

Công ty đặt mục tiêu sản lượng chế biến và tiêu thụ năm 2021 đạt khoảng 4,000 tấn. Tổng doanh thu đem về 180 tỷ đồng (tăng 47% so với 2020) và không bị lỗ.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu AAM vào diện cảnh báo từ 15/3/2021 do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến 31/12/2021 là số âm. Kết thúc phiên giao dịch ngày 16/7, AAM đạt thị giá 10.600 đồng/cổ phiếu.

Thanh Thư

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/kinh-doanh-duoi-gia-von-khien-thuy-san-mekong-aam-thua-lo-nua-dau-nam-post145293.html