Kim loại của Nga bị cấm ở hai sàn giao dịch hàng đầu thế giới

Mỹ và Anh thông báo cấm giao dịch đối với nguồn cung mới của nhôm, đồng và nickel từ Nga ở Sàn giao dịch kim loại London (LME) và Sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CME). Mục đích là để siết chặt nguồn thu xuất khẩu của Nga dù động thái này làm dấy lên lo ngại giá cả hàng hóa tăng, có thể gây áp lực lạm phát.

Các thỏi nhôm tại xưởng đúc của nhà máy luyện nhôm Rusal Krasnoyarsk thuộc sở hữu của United Co Rusal International ở Krasnoyarsk, Nga. Ảnh: Reuters

Theo thông báo của Mỹ và Anh hôm 12-4, nhôm, đồng và nickel của Nga được sản xuất từ ngày 13-4 trở đi sẽ bị cấm giao dịch ở LME và CME, hai sàn mua bán kim loại hàng đầu thế giới hiện nay. Các kim loại này của Nga nếu được sản xuất trước ngày 13-4 vẫn có thể giao dịch ở LME và CME.

Mỹ cũng thông báo sẽ cấm nhập khẩu 3 kim loại này của Nga. Còn Anh triển khai lệnh cấm nhập khẩu tương tự vào tháng 12 năm ngoái nhưng đặt ra ngoại lệ cho kim loại của Nga giao dịch trên sàn LME.

“Lệnh cấm mới của chúng tôi đối với các kim loại quan trọng của Nga, được thực hiện phối hợp với các đối tác của chúng tôi ở Anh. Lệnh cấm tiếp tục nhắm tới doanh thu mà Nga có thể kiếm được để duy trì cuộc chiến ở Ukraine”, Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Janet Yellen nói.

Động thái trên của Mỹ và Anh diễn ra trong bối cảnh giá cả hàng hóa đang tăng mạnh, có thể thúc đẩy lạm phát, điều mà Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) không mong muốn.

Lệnh cấm trên không áp dụng đối với kim loại Nga được sản xuất trước ngày 13-4 là nhằm tạo cơ hội giao dịch và rút bớt lượng kim loại tồn kho hiện tại của Nga. Bộ Tài chính Mỹ cho biết, quy định mới cũng không áp dụng đối với kim loại của Nga được tích hợp vào các sản phẩm khác được sản xuất bên ngoài Nga.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính Mỹ cho biết, các thương nhân Mỹ nắm giữ hợp đồng tương lai sẽ không được phép nhận kim loại mới của Nga, ngay cả ở bên ngoài nước Mỹ. LME và CME liên kết với một số kho hàng ở Mỹ, châu Âu và châu Á có thể lưu trữ và giao kim loại cho người mua khi các hợp đồng tương lai đáo hạn.

Bà Yellen nhấn mạnh, các biện pháp trừng phạt mới sẽ được thực hiện một cách “có mục tiêu và có trách nhiệm” để hạn chế những tác động lan tỏa không mong muốn trên thị trường kim loại toàn cầu.

Theo Charles Johnson, Chủ tịch Hiệp hội Nhôm, tổ chức đại diện cho ngành công nghiệp nhôm của Mỹ, tác động trực tiếp của biện pháp trừng phạt mới đến nguồn cung nhôm của Mỹ sẽ ở mức tối thiểu. Ông giải thích, nhiều công ty tinh luyện nhôm của Mỹ đã chuyển sang tìm nguồn cung ứng từ bên ngoài Nga sau các lệnh trừng phạt trước đó. Johnson cho biết, hiện nay, Nga chiếm chưa đến 1% lượng nhôm nhập khẩu của Mỹ. Tuy nhiên, ông cảnh báo động thái mới của Mỹ có thể tác động đến hoạt động buôn bán nhôm trên toàn cầu.

Theo số liệu của chính phủ Anh, kim loại của Nga là nhóm hàng xuất khẩu có giá trị nhất sau dầu khí. Tuy nhiên, doanh thu xuất khẩu kim loại của nước này đã giảm từ 25 tỉ đô la Mỹ vào năm 2022, xuống còn 15 tỉ đô la vào năm ngoái do khách hàng phương Tây hạn chế mua kể từ sau khi xung đột Nga-Ukraine diễn ra.

Lệnh cấm trên sẽ không ngăn chặn được Nga bán kim loại ra thị trường thế giới, vì những thương nhân và tổ chức không phải của Mỹ vẫn có thể mua đồng, nhôm và nickel của Nga.

Trong khi sàn LME đóng vai trò quan trọng như trong việc ấn định giá kim loại toàn cầu, phần lớn nguồn cung kim loại được mua bán giữa các công ty khai mỏ, thương nhân và công ty tinh luyện mà không cần sử dụng các kho hàng của LME.

Kể từ năm 2022, thị phần xuất khẩu của kim loại Nga sang Trung Quốc tăng mạnh khi khách hàng phương Tây tìm kiếm các nguồn cung thay thế bên ngoài Nga.

Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt mới có thể tác động đến giá cả trên sàn LME, vốn được sử dụng như thước đo chuẩn đối với đa số hợp đồng tương lai trên thế giới. Trong nhiều tháng qua, nguồn cung kim loại dồi dào từ Nga đã gây áp lực lên giá cả trên sàn LME, đặc biệt là đối với nhôm.

Các biện pháp trừng phạt mới cũng sẽ khiến các thương nhân thận trọng hơn đối với kim loại của Nga vì nhiều người trong số họ muốn nhận hàng từ các nhà kho của LME. Điều này có nghĩa là kim loại của Nga có thể giao dịch với giá chiết khấu sâu hơn so với kim loại có nguồn gốc từ các nơi khác. Vì vậy, doanh thu xuất khẩu của Nga sẽ giảm nhưng vẫn bảo đảm duy trì dòng chảy kim loại của Nga vào thị trường toàn cầu.

Trước đây, các nước phương Tây tránh các lệnh trừng phạt nhằm vào kim loại của Nga vì lo ngại gây xáo trộn thị trường toàn cầu và gián đoạn sản xuất đối với ngành công nghiệp ở châu Âu. Họ cũng đề phòng khả năng Moscow có thể trả đũa bằng cách cắt đứt nguồn cung palladium, vốn rất quan trọng đối với ngành công nghiệp ô tô của châu Âu. Palladium được sử dụng trong bộ chuyển đổi xúc tác khí thải của các hệ thống xả từ xe cộ, giúp chuyển những chất ô nhiễm, độc hại thành CO2 ít độc hại hơn và hơi nước.

Động thái trên của Mỹ và Anh sẽ giáng một đòn mạnh vào các công ty khai mỏ lớn của Nga bao gồm MMC Norilsk Nickel và United Co Rusal International, nhà sản xuất nhôm lớn thứ hai thế giới. Cho đến gần đây, các công ty này vẫn tránh được các lệnh trừng phạt của phương Tây kể từ khi chiến sự nổ ra ở Ukraine.

Nga là nước sản xuất chính 3 kim loại đồng, nhôm và nickel. Nước này chiếm khoảng 6% sản lượng niken, 5% sản lượng nhôm và 4% sản lượng đồng của toàn cầu. Tuy nhiên, nguồn cung kim loại của Nga chiếm tỷ lệ lớn hơn nhiều trên sàn LME. Vào cuối tháng 3, Nga đóng góp đến 36% lượng nickel, 62% lượng đồng và 91% lượng nhôm trong các nhà kho của LME.

Theo Bloomberg, WSJ

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/kim-loai-cua-nga-bi-cam-o-hai-san-giao-dich-hang-dau-the-gioi/