Kiến nghị Quốc hội tiếp tục nghiên cứu các chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ địa phương phát triển

Hôm nay 12/1, Đoàn giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh gồm: Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh, Phó Trưởng đoàn giám sát Hoàng Đức Thắng; Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh, Đại tá Nguyễn Hữu Đàn; Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hồ Thị Minh có phiên làm việc với UBND tỉnh để giám sát việc thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi, phát triển KT - XH trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Tham gia đoàn giám sát có Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Tiến và lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan làm việc với đoàn giám sát.

Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Đức Thắng phát biểu tại phiên giám sát - Ảnh: Lê Minh

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Tiến cho biết, để tổ chức thực hiện Nghị quyết 43 và các văn bản của Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành 3 kế hoạch, 5 quyết định và 2 văn bản hướng dẫn để các sở, ngành, địa phương tổ chức thực hiện.

Kết quả thực hiện nghị quyết 43 đã đạt được các chỉ tiêu về phục hồi, phát triển và tăng trưởng, trong đó tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) năm 2022 đạt 7,07%, năm 2023 là 6,68%; GRDP bình quân đầu người năm 2022 đạt 62,75 triệu đồng, năm 2023 đạt 71 triệu đồng. Cơ cấu ngành kinh tế năm 2022, nông nghiệp chiếm 20,3%, phi nông nghiệp chiếm 79,7%; năm 2023 tương ứng là 19,02% và 80,98%. Các cân đối lớn của nền kinh tế được giữ ổn định. Các hoạt động phòng chống dịch bệnh được triển khai hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển KT - XH.

Về chính sách tài khóa theo Nghị quyết 43, trong 2 năm 2022 - 2023, đã thực hiện giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% cho các doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh với tổng số tiền 294,1 tỉ đồng; giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu mỡ nhờn 490,5 tỉ đồng; giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước khoảng 16,8 tỉ đồng; giảm lệ phí trước bạ 86,7 tỉ đồng; giảm một số loại phí, lệ phí hỗ trợ người dân chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh 10,1 tỉ đồng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Tiến kiến nghị Quốc hội cần tiếp tục nghiên cứu các chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ cho các địa phương phát triển - Ảnh: Lê Minh

Về tín dụng hỗ trợ an sinh xã hội, lao động, việc làm, dư nợ đạt 696 tỉ đồng, đạt 100% kế hoạch. Trong đó, thực hiện cho vay mua máy tính và thiết bị học tập 3,81 tỉ đồng; cho vay giải quyết việc làm 400 tỉ đồng; cho vay nhà ở xã hội 290,7 tỉ đồng; cho vay cơ sở mầm non, tiểu học ngoài công lập 1,49 tỉ đồng. Hỗ trợ tiền thuê nhà cho 387 lao động của 24 đơn vị với tổng số tiền 580 triệu đồng.

Đồng thời, hỗ trợ 380 người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp, với số tiền 567 triệu đồng; hỗ trợ 7 lao động quay trở lại thị trường lao động 13 triệu đồng. Đối với tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, đã thực hiện hỗ trợ lãi suất thông qua các ngân hàng thương mại, doanh số cho vay hỗ trợ lãi suất là 154,54 tỉ đồng, số tiền hỗ trợ lãi suất 1,08 tỉ đồng. Thông qua ngân hàng chính sách xã hội đã hỗ trợ lãi suất 69.193 món vay với số tiền tiền lãi được hỗ trợ 38,09 tỉ đồng.

Về chính sách đầu tư phát triển, đã phân bổ nguồn vốn 161 tỉ đồng thực hiện dự án mua sắm trang thiết bị cho các cơ sở y tế tỉnh Quảng Trị và dự án đầu tư xây mới, nâng cấp, cải tạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Quảng Trị, 9 trung tâm y tế huyện và 7 trạm y tế xã.

Bố trí 230 tỉ đồng thực hiện dự án Đường tránh phía Đông TP. Đông Hà (đoạn từ nút đường giao Nguyễn Hoàng đến Nam cầu Sông Hiếu), trong đó vốn ngân sách trung ương thuộc Chương trình phục hồi và phát triển KT - XH là 203 tỉ đồng và vốn ngân sách địa phương 27 tỉ đồng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách tài khóa vẫn gặp những khó khăn, bất cập như thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế, phí, tiền thuê đất theo Nghị quyết 43 đã ảnh hưởng đến kết quả thu ngân sách trên địa bàn, đặc biệt năm 2023 giảm khoảng 400 tỉ đồng.

Chương trình hỗ trợ lãi suất 2% của gói 40.000 tỉ đồng, kết quả đạt thấp do đối tượng, ngành nghề áp dụng cho vay hỗ trợ lãi suất còn hạn chế; đối tượng, ngành nghề bán buôn bán lẻ khá nhiều nhưng không thuộc đối tượng được hỗ trợ; đối tượng, ngành nghề được hỗ trợ lãi suất nhưng không đáp ứng đầy đủ điều kiện để được cho vay hỗ trợ.

Từ đó, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục nghiên cứu các chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ cho các địa phương phát triển trong thời gian tới, đặc biệt quan tâm hỗ trợ trong triển khai các chính sách, chương trình, dự án thuộc lĩnh vực y tế để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho Nhân dân trên địa bàn.

Đối với gói hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP, kiến nghị điều chỉnh đối tượng, điều kiện tiếp cận chính sách phù hợp với điều kiện thực tế nhằm tạo thuận lợi cho khách hàng trong trường hợp tiếp tục thực hiện Chương trình hỗ trợ lãi suất theo tinh thần Nghị định 31. Trường hợp không tiếp tục duy trì Nghị định 31, đề nghị điều chuyển nguồn vốn này sang thực hiện các nhiệm vụ chi khác có khả năng hấp thụ tốt hơn như ủy thác qua ngân hàng chính sách xã hội để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Phát biểu kết luận phiên giám sát, Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Đức Thắng đánh giá cao việc UBND tỉnh đã chủ động tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết 43 đi vào cuộc sống, mang lại hiệu quả trên nhiều mặt. Bên cạnh đó, ghi nhận những kiến nghị của UBND tỉnh để nghiên cứu, tổng hợp trình Quốc hội, Chính phủ xem xét giải quyết trong thời gian tới.

Lưu ý, cần tăng cường giám sát việc tổ chức thực hiện các nguồn vốn vay ưu đãi, để kịp thời tháo gỡ khó khăn trong việc tiếp cận của doanh nghiệp, người dân. Đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình, dự án được hỗ trợ theo Nghị quyết 43 đảm bảo chất lượng, kịp thời đưa vào sử dụng, góp phần phát triển KT - XH địa phương và đáp ứng sự mong mỏi của cử tri.

Lê Minh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/thoi-su/kien-nghi-quoc-hoi-tiep-tuc-nghien-cuu-cac-chinh-sach-chuong-trinh-du-an-ho-tro-dia-phuong-phat-trien/182777.htm