Kiên Giang đặt mục tiêu hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm 1,5 - 2%

Những năm gần đây, thông qua các phong trào sản xuất kinh doanh giỏi, tại Kiên Giang xuất hiện ngày càng nhiều hộ có mô hình làm ăn hiệu quả, thu nhập từ vài trăm đến hàng tỷ đồng mỗi năm.

Chị Thị Đào vệ sinh đồ cho thuê đám tiệc. Ảnh: Văn Sĩ/TTXVN

Chị Thị Đào vệ sinh đồ cho thuê đám tiệc. Ảnh: Văn Sĩ/TTXVN

Kiên Giang có hơn 56.000 hộ Khmer, khoảng 237.000 nhân khẩu, chiếm hơn 13% dân số của tỉnh và là tỉnh có số hộ Khmer đông thứ ba ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (sau Sóc Trăng và Trà Vinh).

Những năm gần đây, thông qua các phong trào sản xuất kinh doanh giỏi, trên địa bàn tỉnh xuất hiện ngày càng nhiều hộ có mô hình làm ăn hiệu quả, thu nhập từ vài trăm đến hàng tỷ đồng mỗi năm.

Là nông dân sản xuất giỏi tiêu biểu ở xã Thới Quản, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang, ông Danh Be (52 tuổi) thường được chính quyền địa phương ghi nhận, biểu dương trong các hội nghị điển hình tiên tiến. Ông Be cho biết, để có được cơ ngơi vững chắc như ngày nay, vợ chồng ông trải qua nhiều gian nan, vất vả.

Sau khi kết hôn vào năm 1992, vợ chồng ông được cha mẹ hai bên cho 6 công ruộng. Do ít đất sản xuất và thời điểm đó làm lúa thất bát, giá lúa rất thấp nên nguồn thu nhập không đảm bảo cho cuộc sống gia đình. Vì vậy, vợ chồng ông mua 2 con trâu nuôi để cộ lúa, bừa, trục đất mướn. Sau vài năm, cặp trâu sinh sản thêm thành đàn trâu gần chục con và gia đình ông cùng những người làm công đi làm thuê không chỉ ở Kiên Giang mà còn đến một số tỉnh lân cận như: Hậu Giang, An Giang, Bạc Liêu để cộ lúa, trục đất, bừa đất.

Trong những năm này, số tiền tích lũy được vợ chồng ông Be mua đất ruộng và mua vuông nuôi tôm ở một vùng chuyên sản xuất lúa-tôm của huyện Gò Quao. Khoảng 7 năm gần đây, do người dân áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp nên ông Be chuyển sang nuôi trâu bán lấy thịt. Hiện tại, với hơn 3,5ha đất ruộng, hơn 3,5 ha vuông nuôi tôm, cua, lúa kết hợp và đàn trâu, trung bình mỗi năm mang về nguồn thu nhập gần 1 tỷ đồng. Năm 2022, ông Be xây căn nhà rộng hơn 150 mét vuông và làm hàng rào với tổng kinh phí gần 1 tỷ đồng.

“Việc sản xuất hiệu quả được như ngày nay cũng nhờ Nhà nước đầu tư hệ thống thủy lợi, đường giao thông nông thôn, hướng dẫn sản xuất an toàn sinh học. Vì vậy, tôi luôn chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và đóng góp được gì cho quê hương, cho xã hội, vợ chồng tôi luôn sẵn sàng. Hiện tại, gia đình tôi tự nguyện hiến khoảng 500 mét vuông đất để mở rộng lộ đạt chuẩn nông thôn mới”, ông Be chia sẻ.

Vợ chồng ông Danh be chia sẻ câu chuyện vượt khó làm giàu chính đáng với lãnh đạo UBND xã Thới Quản. Ảnh: Văn Sĩ/TTXVN

Vợ chồng ông Danh be chia sẻ câu chuyện vượt khó làm giàu chính đáng với lãnh đạo UBND xã Thới Quản. Ảnh: Văn Sĩ/TTXVN

“Ông Danh Be là người Khmer siêng năng, nhạy bén trong sản xuất, là nông dân sản xuất giỏi tiêu biểu của địa phương. Bên cạnh đó, gia đình ông còn tích cực đóng góp cùng chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể làm tốt công tác an sinh xã hội, giảm nghèo…”, ông Nguyễn Thanh Phong, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thới Quản, huyện Gò Quao nhận xét.

Chị Thị Đào là hội viên phụ nữ sản xuất kinh doanh giỏi tiêu biểu ở xã Thới Quản, huyện Gò Quao với tổng thu nhập từ các mô hình từ 1,8 tỷ - 2 tỷ đồng mỗi năm. Chị Đào cho biết, do hai bên gia đình cũng khó khăn nên sau khi kết hôn, vợ chồng chị lập nghiệp với hai bàn tay trắng.

Cụ thể, sau khi ra ở riêng, chị Đào làm nghề may đồ, còn chồng làm thợ cửa sắt. Khoản tiền công thu được, chị Đào xây chuồng để nuôi lợn sinh sản và lợn thịt nhằm tăng thêm thu nhập cho gia đình. Đến năm 2011, sau khi tích lũy được một số vốn, chị Đào mua được 1,2 ha đất ruộng để trồng lúa; đồng thời, đầu tư kinh doanh bàn ghế, rạp cưới và tận dụng khoảng trống trước sân nhà làm đồ nướng bán với các món: cút quay; gà, vịt nướng; hột gà nướng; bán thêm nước sâm, nước mía và kinh doanh thêm bột ngũ cốc.

“Có được cuộc sống ổn định như hiện nay cũng nhờ sự giúp đỡ của các cấp Hội Phụ nữ đã nhận ủy thác cho tôi vay 50 triệu đồng làm vốn để mở rộng sản xuất, kinh doanh. Vợ chồng tôi cứ quần quật với công việc suốt ngày đến tận 21h tối mới xong. Tuy vất vả nhưng có thu nhập để lo cho 2 con ăn học đàng hoàng, đồng thời có thể đóng góp một phần vào công tác an sinh xã hội của địa phương, nhất là công tác của Hội Phụ nữ. Nhờ vậy, vợ chồng tôi có niềm vui, động lực để làm”, chị Đào cho hay.

Theo Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang, đến nay tỉnh có trên 30 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc Khmer được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao; 100% xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số có đường giao thông nông thôn. Hộ gia đình đồng bào Khmer sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt khoảng 90%. Theo kết quả tổng rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn đa chiều giai đoạn 2022 - 2025, tỉnh có hơn 3.000 hộ nghèo dân tộc thiểu số, chiếm 4,7%.

Căn nhà của ông Danh Be khang trang. Ảnh: Văn Sĩ/TTXVN

Căn nhà của ông Danh Be khang trang. Ảnh: Văn Sĩ/TTXVN

Hằng năm, tỉnh Kiên Giang có khoảng 4.600 người dân tộc thiểu số, phần lớn là đồng bào dân tộc Khmer tham gia học nghề tập trung ở các trình độ cao đẳng, trung cấp, qua đó giải quyết việc làm hơn 3.000 lao động/năm. Các chế độ, chính sách miễn giảm học phí, cử tuyển dành cho học sinh, sinh viên được triển khai kịp thời, đầy đủ.

Theo ông Danh Phúc, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang, để đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, thu hẹp khoảng cách về mức sống, tỉnh đề ra mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng trên 2 lần so với năm 2020 (gần 100 triệu đồng/người/năm); hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm giảm từ 1,5 - 2%. Tỉnh phấn đấu 50% số xã, ấp ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn; 100% xã vùng dân tộc thiểu số có đường ô tô đến trung tâm xã và đường liên xã được thảm nhựa hoặc bê tông.

Mỗi năm, tỉnh Kiên Giang có hơn 150.000 nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp; trong đó, có khoảng 35.000 hộ Khmer. Phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi trong đồng bào Khmer ngày càng phát triển và có sự lan tỏa với đa dạng các mô hình như: nuôi gia súc gia cầm, nuôi cá lồng bè, nuôi cá nước ngọt, nuôi lươn, nuôi ba ba, trồng lúa, trông hoa màu, cây ăn trái…

“Để giúp nông dân sản xuất đạt hiệu quả, các ngành chức năng tỉnh đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả dự báo để định hướng sản xuất; đồng thời, triển khai đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách dân tộc để người dân được thụ hưởng đúng quy định”, ông Danh Phúc chia sẻ thêm.

Văn Sĩ/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/kien-giang-dat-muc-tieu-ho-ngheo-trong-dong-bao-dan-toc-thieu-so-giam-1-5-2/337229.html