Kiểm soát ATTP tại bếp ăn tập thể: Vì một thế hệ trẻ em khỏe mạnh

Lần đầu tiên, Hà Nội triển khai mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm (ATTP) tại bếp ăn tập thể trường học của 215 trường tiểu học thuộc 10 quận, huyện trên địa bàn TP.

Việc triển khai mô hình góp phần tăng cường công tác quản lý, chủ động phòng, chống ngộ độc thực phẩm, nhằm mang lại những bữa ăn chất lượng, đầy đủ dinh dưỡng, an toàn, vì một thế hệ trẻ em khỏe mạnh.

Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Hà Nội Đặng Thanh Phong cùng đoàn kiểm tra bếp ăn trường học trên địa bàn TP Hà Nội.

Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Hà Nội Đặng Thanh Phong cùng đoàn kiểm tra bếp ăn trường học trên địa bàn TP Hà Nội.

Tăng cường giám sát, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình

Theo thống kê, Hà Nội có khoảng 4.526 cơ sở giáo dục, trong đó có 4.538 bếp ăn tập thể và căng tin trường học. Các hình thức bếp ăn tập thể trường học đang triển khai gồm tự tổ chức nấu, liên kết ký hợp đồng với nhà thầu, ký hợp đồng cung cấp suất ăn sẵn (trung bình khoảng 480 - 500 suất ăn/ngày/trường).

Số liệu từ Sở Y tế Hà Nội cho thấy, từ năm 2010 - 2021, trên địa bàn TP xảy ra 27 vụ ngộ độc thực phẩm với tổng số 640 người mắc, không có trường hợp tử vong, trong đó có 8 vụ ngộ độc tại bếp ăn tập thể trường học, chiếm tỷ lệ 47,1%.

Trước thực tế trên, trong các năm 2022 và 2023, Sở Y tế Hà Nội xây dựng kế hoạch mô hình kiểm soát ATTP tại 100% bếp ăn tập thể của 215 trường tiểu học thuộc 10 quận, huyện: Đống Đa, Hoàn Kiếm, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Long Biên, Ba Vì, Đông Anh, Đan Phượng, Phúc Thọ, Quốc Oai.

Những năm qua, trường Tiểu học Khương Mai, quận Thanh Xuân luôn chú trọng, thực hiện tốt các điều kiện bảo đảm ATTP cho bếp ăn bán trú. Trường đã kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm và các khâu chế biến, bảo quản, vận chuyển; tuân thủ quy trình giao - nhận, lưu mẫu theo quy định. Đồng thời phối hợp với phụ huynh kiểm tra thực tế nguồn gốc nguyên liệu của đơn vị phục vụ suất ăn bán trú, từ đó đánh giá năng lực, lựa chọn đơn vị có uy tín cung cấp suất ăn tại trường.

Đặc biệt, trường công khai đơn vị cung cấp suất ăn, đảm bảo suất ăn đúng thực đơn; tạo điều kiện để phụ huynh tham gia giám sát chất lượng bữa ăn. “Trong trường hợp xảy ra mất ATTP tại bếp ăn của nhà trường, Hiệu trưởng có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan quản lý và đơn vị cung cấp suất ăn để xử lý kịp thời, làm rõ nguyên nhân” Hiệu trưởng trường Tiểu học Khương Mai Chu Thị Thu Hương nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, Hiệu trưởng trường THCS Thanh Xuân Nam Phạm Thị Thanh Phương nhấn mạnh, để giám sát nguồn gốc thực phẩm, trường thành lập Ban kiểm tra, tiếp nhận thực phẩm bán trú. Căn cứ thực đơn, danh mục lương thực, thực phẩm, hàng ngày, Ban kiểm tra, tiếp nhận thực phẩm kiểm tra về số lượng, chất lượng thực phẩm, nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm ghi trên bao bì, nhãn mác.

Nhân viên y tế nhà trường test nhanh các mẫu thực phẩm theo hướng dẫn trước khi đưa vào chế biến; kiểm tra việc chia thực phẩm sau khi chế biến thành các suất ăn; thực hiện lưu nghiệm thức ăn theo quy định, đảm bảo đúng 1 suất ăn, lưu nghiệm đủ 24 giờ nhằm chủ động trong công tác phòng, chống ngộ độc thức ăn...

Để xây dựng mô hình điểm thành công, theo bà Nguyễn Thị Kim Ngọc - Hiệu trưởng trường Tiểu học Phan Đình Giót, quận Thanh Xuân, việc đầu tư, cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị chế biến thực phẩm rất quan trọng. Năm 2019, trường được quận đã được xây mới đồng bộ hệ thống bếp ăn khang trang, hiện đại với tổng số tiền đầu tư hơn 1,1 tỷ đồng...

Hàng năm, trường luôn rà soát, tu bổ, sửa chữa cơ sở vật chất, trong đó, năm học 2021 - 2022, trang bị thêm 5 tủ úp khay chia cơm của học sinh có lưới chắn côn trùng. Nguồn nước ăn cũng được xét nghiệm định kỳ và đảm bảo các thông số theo đúng quy định. Các nguồn nước được kiểm tra chất lượng, bể chứa nước được vệ sinh ít nhất 6 tháng/lần theo quy định.

Hiện nay, toàn TP có 4.526 cơ sở giáo dục, gồm các cơ sở mầm mon, tiểu học và trung học cơ sở, trong đó có hơn 6.700 bếp ăn.

Sẽ nhân rộng mô hình

Hiện nay, quận Hoàn Kiếm đã triển khai mô hình bếp ăn tập thể tại các trường Nguyễn Du, Trần Quốc Toản. Các trường tự làm xét nghiệm nhanh hàng ngày, lấy mẫu thực phẩm gửi Phòng Y tế quận. Mô hình kiểm soát bếp ăn tập thể cũng đã được triển khai tại 14 trường trên địa bàn.

Trưởng phòng Y tế quận Hoàn Kiếm Phạm Thị Thanh Nhàn cho biết, Phòng đã chỉ đạo các trường ký cam kết về ATTP, thành lập các Ban chỉ đạo gồm Ban giám hiệu, đại diện Phòng y tế, đại diện cha mẹ học sinh. Nhà trường khi tổ chức các chuyến đi dã ngoại, tham quan cho học sinh đều phải yêu cầu cơ sở điểm đến cung cấp danh sách thực phẩm, bảo đảm ATTP.

Đồng thời, Phòng Y tế thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra định kỳ ít nhất 1 năm/lần; thực hiện xét nghiệm nước 6 tháng/1 lần; kiểm tra các đơn vị cung cấp dịch vụ ăn uống xung quanh nhà trường, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm.

Ở góc độ đơn vị cung cấp suất ăn học đường lớn tại Hà Nội, bà Vũ Lan Sinh - Chủ tịch Công ty TNHH Hương Việt Sinh cho biết, hiện công ty đang cung cấp gần 90.000 suất ăn cho gần 80 trường tại Hà Nội. Khi ký kết hợp đồng cung cấp suất ăn bán trú tại các trường, đơn vị đặc biệt quan tâm đến nguồn gốc thực phẩm ngay từ đầu vào, kiểm soát các khâu chế biến ra thành phẩm.

Những mặt hàng không chủ động được, công ty sẽ liên kết theo chuỗi với các đơn vị có uy tín và có bộ phận chuyên môn kiểm soát chặt chẽ chất lượng đầu vào. “Đặc biệt, để kịp thời ứng phó với các tình huống mất ATTP, công ty đã thành lập bộ phận kiểm soát an toàn, phối hợp với nhà trường và báo cáo cơ quan chuyên môn xử lý tình huống nhanh nhất” – bà Sinh chia sẻ.

Đề cập đến vấn đề này, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Hà Nội Đặng Thanh Phong cho biết, hiện nay, toàn TP có 4.526 cơ sở giáo dục, gồm các cơ sở mầm mon, tiểu học và THCS, trong đó có hơn 6.700 bếp ăn. Với khối lượng các bếp ăn lớn như vậy, đơn vị quản lý sẽ khó phát hiện được cơ sở vi phạm.

Để giải quyết khó khăn này, Chi cục ATVSTP Hà Nội đã phân cấp đối với tuyến quận, huyện, quản lý bếp ăn ở các trường THPT, tiểu học, mầm non. Nếu phát hiện vi phạm, sẽ dựa vào Nghị định 115/2018/NĐ-CP và Nghị định 124/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 115/2018/NĐ-CP của Chính phủ để xử lý. Qua đó, các đơn vị không lưu mẫu thức ăn sẽ bị xử phạt hành chính tới 8 triệu đồng. Thời gian qua, Chi cục ATVSTP Hà Nội chưa phát hiện đơn vị nào vi phạm.

“Hiện nay, đã có 10 quận, huyện và 215 trường tham gia mô hình kiểm soát ATTP tại bếp ăn tập thể. Sau khi tham gia được 1 học kỳ (học kỳ 2 năm học 2021 - 2022), các trường đã tiến hành kiểm tra, đánh giá. Đến cuối năm học 2022 - 2023, nếu mô hình hoạt động tốt, hiệu quả, Chi cục sẽ tham mưu UBND TP nhân rộng mô hình này. Qua quá trình kiểm tra, đánh giá, cơ bản các trường, đơn vị cung cấp suất ăn thực hiện mô hình tương đối tốt.

Để mô hình hoạt động tốt hơn, hiệu trưởng các trường, trung tâm y tế địa phương cần thường xuyên tham mưu UBND quận về công tác kiểm tra, giám sát định kỳ. Đặc biệt, thời gian tới, Chi cục tăng cường kiểm tra, giám sát, truy xuất nguồn gốc thực phẩm, có hình thức xử lý nghiêm khắc đối với các đơn vị vi phạm” – ông Đặng Thanh Phong nhấn mạnh.

Khi xuất hiện sự cố nghi ngờ, liên quan ngộ độc thực phẩm, các trường phải báo ngay trung tâm y tế; đưa trường hợp bị ngộ độc đến cấp cứu tại bệnh viện; truy xuất nguồn gốc thực phẩm; kiểm tra điều kiện chế biến; làm việc với nhà cung cấp thực phẩm. Khi phát hiện nguyên nhân gây ngộ độc do chất lượng nguồn thực phẩm hay do công đoạn chế biến, chúng tôi sẽ có biện pháp xử phạt nghiêm, tùy theo mức độ vi phạm.

Trưởng phòng Y tế quận Hoàn Kiếm Phạm Thị Thanh Nhàn

Bài, ảnh: Trần Thảo

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/kiem-soat-attp-tai-bep-an-tap-the-vi-mot-the-he-tre-em-khoe-manh.html