Kịch bản mới cho Nord Stream-2: Mỹ quăng thòng lọng trói Nga

Giới ngoại giao Đức mới đây đã nêu điều kiện mới để hoàn thành dự án xây dựng tuyến đường ống dẫn khí đốt 'Dòng chảy phương Bắc - 2'.

Đức đề xuất một kịch bản mới cho Nord Strean 2

Trong bài viết dành cho tờ báo Đức Del Spiegel, người đứng đầu Hội nghị An ninh Munich là ông Wolfgang Ischinger đã nêu ra những điều kiện để Nga có thể hoàn thành việc xây dựng tuyến đường ống dẫn khí đốt xuyên Baltic “Dòng chảy phương Bắc - 2” (Nord Stream 2).

Ông nhắc rằng hiện nay một số nước châu Âu và Hoa Kỳ đang ráo riết gây áp lực với Đức để ngăn cản việc thực thi dự án. Tuy vậy, nhà ngoại giao cho rằng ngừng xây dựng đường ống là “ý tưởng rất tồi tệ” vì nó sẽ kéo theo hệ lụy đau đớn với viễn cảnh gây thiệt hại nhiều tỷ USD.

Ngoài Nga, Đức và các nước châu Âu cũng gánh chịu thiệt hại nặng nề từ việc không được mua khí đốt giá rẻ của Nga. “Dù ai đó thích hay không, nhưng Đức và các nước châu Âu khác sẽ còn cần đến khí đốt của Nga trong nhiều năm tới” - ông Ischinger nhắc nhở.

Theo quan điểm của ông, có một phương án “kém hấp dẫn hơn” liên quan đến khả năng hoàn thành “Dòng chảy phương Bắc - 2”, với điều kiện việc vận hành đường ống dẫn khí đốt sẽ tùy thuộc vào quyết định của Liên minh châu Âu (EU) và cách hành xử của Nga.

Nhà ngoại giao Đức nhấn mạnh rằng để hiện thực hóa được phương án này cần thực hiện tổng hợp cả ba bước đi, bao gồm:

Thứ nhất: Kích hoạt cơ chế “ngắt tự động” với Nord Stream 2

Điều đầu tiên cần làm là Đức nên ứng dụng cơ chế ngừng khẩn cấp công việc của “Dòng chảy phương Bắc - 2”, với khả năng Liên minh châu Âu được quyền ngắt dòng chảy nếu quyền lợi của Ukraine bị đe dọa hoặc Nga vi phạm nhân quyền.

Tất cả những kịch bản phương Tây đưa ra đều bất lợi cho Nga

Thứ hai: “Hiệp ước năng lượng châu Âu-Đại Tây Dương”

Trong bước đi này, Berlin có thể đề xuất với Brussels và Washington một “Hiệp ước Năng lượng châu Âu-Đại Tây Dương”, với ý chỉ đạo là sớm chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo, củng cố tính toàn vẹn của thị trường khí đốt châu Âu, tăng cường hỗ trợ cho Ukraine và sự phát triển kinh tế của đất nước này.

Theo lời ông Ischinger, Moscow có thể liên kết vào Hiệp ước nói trên và trong trường hợp này, rõ ràng là triển vọng hoàn thành dự án là rất cao.

Thứ ba: Nga phải chấp thuận các điều kiện chính trị

Thực ra, điều kiện thứ 3 gắn chặt với điều kiện thứ nhất. Rõ ràng là nếu Moscow đã đồng ý với phương án kích hoạt cơ chế ngừng Nord Stream 2 thì Moscow sẽ phải chấp thuận điều kiện thứ 3, đó là: Đức có thể gắn khởi động đường ống dẫn khí đốt với việc Nga đáp ứng hàng loạt điều kiện chính trị, chẳng hạn như vấn đề Ukraine và hay sự kiện Alexei Navalny.

Hầu như không có phương án nào có lợi cho Nga

Vị chính khách đứng đầu Hội nghị An ninh Munich nhấn mạnh rằng, dù theo cách tiếp cận nào chăng nữa, chính quyền của bà Angela Merkel cũng phải phối hợp hành động với Ủy ban châu Âu, Hoa Kỳ và các đối tác ở Đông Âu, để hỗ trợ "quan hệ hợp tác mới xuyên Đại Tây Dương” và biến dự án đang làm chao đảo nước Đức thành “con át chủ bài chiến lược”.

Tuy nhiên, giới chuyên gia phân tích Nga cho rằng, dù là bất cứ bước đi hay phương án, kịch bản, điều kiện nào mà giới chức phương Tây đưa ra cho Nord Stream 2 thì cũng đều gây bất lợi cho Moscow, không khác gì việc Nga tự khoác thêm một cái thòng lọng vào cổ.

Nếu chấp thuận tham gia “Hiệp ước năng lượng châu Âu-Đại Tây Dương” thì Nga sẽ bị trói trong một định chế của các nước phương Tây, mà trong đó, Nga hoàn toàn bị áp đảo.

Còn nếu Moscow đồng ý với cơ chế “ngắt tự động” thì bất cứ khi nào dự án cũng có thể bị đình chỉ, mà nếu muốn khơi thông thì Nga buộc phải chiều theo những ý định quái gở của Mỹ hay Ukraine hoặc phải chấp thuận những yêu cầu cải cách dân chủ của phương Tây, mà điều này chắc chắn Nga sẽ không chấp nhận.

Trong số các kịch bản mà từ trước đến nay đã được đề cập đến, chỉ có duy nhất một phương án mà Chính quyền Berlin đang nghiên cứu nhằm tìm kiếm thỏa hiệp với Hoa Kỳ về dự án “Dòng chảy phương Bắc-2” (Nord Stream-2) là có lợi cho Nga và cả cho Đức.

Theo phương án này, các bên có quyền lợi liên quan đến Nord Stream 2 sẽ cung cấp hỗ trợ đầu tư cho Ukraine và bảo đảm luồng khí đốt Nga sẽ tiếp tục chạy qua Ukraine tới châu Âu. Điều này sẽ xoa dịu lập trường của Washington về “nguy cơ lớn đối với tiền đồn chống Nga”.

Phương án này có lẽ là sự lựa chọn được nhiều bên chấp nhận, bởi nó vừa đảm bảo duy trì sự ổn định một phần nguồn cung khí đốt cho châu Âu, vừa không làm ảnh hưởng đến sự hoàn thành công đoạn lắp đặt hiện tại và cơ chế vận hành trong tương lai của Nord Stream 2.

Ngoài ra, Ukraine sẽ được tăng cường đầu tư, trong khi vẫn được hưởng các ưu đãi trung chuyển khí đốt của Nga, ngược lại, cơ chế đầu tư nhiều bên cũng làm các nước giảm nhẹ gánh nặng đóng góp, trong khi Mỹ cũng chẳng phải mất mát gì cho đồng minh.

Huy Bình

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/kich-ban-moi-cho-nord-stream-2-my-quang-thong-long-troi-nga-3428337/