Kỉ luật học sinh - thế nào là chuẩn mực sư phạm?
'Nếu trẻ em được lớn lên với sự đón nhận và tình yêu thương, các em sẽ tìm thấy tình yêu thương trong đời'.
Hẳn chúng ta đều biết rằng, mỗi khi ai đó bị tổn thương, dù là nhỏ nhất, thì trong lòng người đó vẫn còn những rạn nứt không thể nào xóa bỏ được. Những tổn thương này sẽ để lại di chứng về sau. Do đó cần hạn chế tối thiểu việc làm tổn thương người khác.
Trong môi trường học đường, trừng phạt thân thể (kể cả việc làm mất danh dự của học sinh) có thể để lại những vết sẹo trong tâm hồn của của học sinh, khiến các em luôn có thái độ thù địch.
Trừng phạt làm mất sự tự tin của học sinh, giảm ý thức kỉ luật và khiến cho học sinh không thích, thậm chí ghét trường học, sợ đi học…
Vì thế cần phải chấm dứt những hiện tượng dùng các hình thức trừng phạt thân thể tại các trường học, xây dựng môi trường sư phạm thân thiện, phát huy tính tích cực của học sinh như mục tiêu của phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" do Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động.
Triệt để loại trừ việc trừng phạt thân thể
Việt Nam đã kí tham gia Công ước Liên hợp quốc về Quyền trẻ em. Từ đó đến nay, Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản pháp quy nhằm thực hiện và bảo vệ quyền trẻ em. Đặc biệt, từ năm 2008, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo có quy định không vi phạm đạo đức nhà giáo thì ý thức, đạo đức, cách ứng xử của giáo viên đối với học sinh nhìn chung có chuyển biến, bớt đi nhiều tình trạng thầy cô la mắng, thậm chí đánh học sinh.
Tuy nhiên, dù đa số giáo viên biết rằng, trừng phạt thân thể là một sự xúc phạm, là vi phạm pháp luật nhưng vẫn thường sử dụng trừng phạt thân thể như một hình thức kỉ luật để duy trì kỉ cương trường lớp.
Nguyên nhân có thể do giáo viên luôn chịu áp lực từ nhiều phía: yêu cầu chất lượng dạy và học, những khúc mắc trong quan hệ thầy - trò, đồng nghiệp hay những khó khăn trong cuộc sống hằng ngày…
Ai cũng hiểu tức giận, căng thẳng có thể làm chúng ta có những hành vi tiêu cực nhất thời và gây hậu quả tai hại. Tuy nhiên, không phải ai và lúc nào cũng có khả năng kiềm chế những phút nóng giận, căng thẳng như thế.
Với nhận thức sâu sắc rằng, cùng với phương pháp dạy học lấy học sinh làm trung tâm, phương pháp giáo dục kỉ luật được coi là phương pháp giáo dục có nhiều ưu thế so với biện pháp kỉ luật học sinh bằng cách trừng phạt, răn đe, giáo huấn, tôi đã áp dụng phương pháp giáo dục kỉ luật tích cực ở lớp để công tác chủ nhiệm đạt hiệu quả hơn.
Khi tôi áp dụng các biện pháp giáo dục kỉ luật, học sinh tự nhận ra lỗi của mình, cảm thấy hòa nhập với tập thể, không cảm thấy bị xúc phạm dẫn đến chán nản, bỏ học. Giáo dục kỉ luật giúp tạo ra mối quan hệ thân thiết giữa giáo viên và học sinh, giáo viên và phụ huynh, học sinh và học sinh. Học sinh vui vẻ đến lớp, gần gũi với bạn bè, thầy cô hơn, tiếp thu bài tốt hơn.
Qua đó, tôi cũng giảm được áp lực quản lí lớp học do học sinh hiểu và tự giác chấp hành kỉ luật, từ đó tạo được sự tin tưởng nơi học sinh, được học sinh và phụ huynh tôn trọng và quý mến.
Mối quan hệ thầy - trò trở nên thân thiện hơn, chất lượng dạy và học được nâng cao, bản thân tôi có nhiều niềm vui, cảm thấy yêu nghề, gắn bó với nghề và luôn nhận được sự đồng tình ủng hộ từ phía gia đình học sinh và xã hội.
Học sinh có nhiều cơ hội chia sẻ, bày tỏ cảm xúc, được mọi người quan tâm, tôn trọng, lắng nghe ý kiến; tích cực, chủ động hơn trong học tập; tự tin trước đám đông; phát huy được khả năng của mình.
(Bài dự thi "Sức khỏe học đường vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước")
Bài dự thi xin gửi về Tạp chí điện tử Công dân và Khuyến học:
Email: toasoan@congdankhuyenhoc.vn
Địa chỉ: Số 29/67 Đỗ Quang, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội