Khuyến khích liên kết hợp tác về an ninh mạng giữa khu vực Nhà nước và tư nhân

Luật An ninh mạng mới được ban hành đã quy định cụ thể về bảo đảm nguồn nhân lực bảo vệ an ninh mạng cũng như việc giáo dục, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ an ninh mạng.

Theo luật, công dân Việt Nam có kiến thức về an ninh mạng, an toàn thông tin mạng, công nghệ thông tin là nguồn lực cơ bản, chủ yếu bảo vệ an ninh mạng. Nhà nước có chương trình, kế hoạch xây dựng, phát triển nguồn nhân lực bảo vệ an ninh mạng.

Khi xảy ra tình huống nguy hiểm về an ninh mạng, khủng bố mạng, tấn công mạng, sự cố an ninh mạng hoặc nguy cơ đe dọa an ninh mạng, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định huy động nhân lực bảo vệ an ninh mạng. Thẩm quyền, trách nhiệm, trình tự, thủ tục huy động nhân lực bảo vệ an ninh mạng được thực hiện theo quy định của Luật Quốc phòng, Luật An ninh quốc gia, Luật Công an nhân dân và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Về tuyển chọn, đào tạo, phát triển lực lượng bảo vệ an ninh mạng, luật nêu rõ, công dân có đủ tiêu chuẩn về phẩm chất đạo đức, sức khỏe, trình độ, kiến thức về an ninh mạng, an toàn thông tin mạng, công nghệ thông tin, có nguyện vọng thì có thể được tuyển chọn vào lực lượng bảo vệ an ninh mạng.

Nhiều tài liệu tuyên truyền về sử dụng mạng được giới thiệu tại hội thảo Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Ảnh: H.L

Nhà nước ưu tiên đào tạo, phát triển lực lượng bảo vệ an ninh mạng chất lượng cao, ưu tiên phát triển các cơ sở đào tạo an ninh mạng đạt tiêu chuẩn quốc tế; khuyến khích liên kết, tạo cơ hội hợp tác về an ninh mạng giữa khu vực Nhà nước và khu vực tư nhân, trong và ngoài nước.

Đáng quan tâm, nội dung giáo dục, bồi dưỡng kiến thức an ninh mạng được đưa vào môn học giáo dục quốc phòng, an ninh trong nhà trường và chương trình bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh theo quy định của Luật Giáo dục quốc phòng, an ninh.

Luật cũng giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ an ninh mạng cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng và công chức, viên chức, người lao động tham gia bảo vệ an ninh mạng; Bộ Quốc phòng, Ban Cơ yếu Chính phủ tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ an ninh mạng cho lực lượng thuộc phạm vi quản lý.

Để phổ biến kiến thức về an ninh mạng, theo luật, Nhà nước có chính sách phổ biến kiến thức an ninh mạng trong phạm vi cả nước, khuyến khích cơ quan Nhà nước phối hợp với các tổ chức tư nhân, cá nhân thực hiện các chương trình giáo dục và nâng cao nhận thức về an ninh mạng.

Các Bộ, ngành, cơ quan phải tổ chức xây dựng và triển khai các hoạt động phổ biến kiến thức về an ninh mạng cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, tổ chức. UBND cấp tỉnh có trách nhiệm xây dựng và triển khai các hoạt động phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức về an ninh mạng cho tổ chức, cá nhân trong địa phương mình.

Kinh phí thực hiện hoạt động bảo vệ an ninh mạng của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị do ngân sách Nhà nước bảo đảm, được sử dụng trong dự toán ngân sách Nhà nước hằng năm. Kinh phí thực hiện hoạt động bảo vệ an ninh mạng cho hệ thống thông tin của cơ quan, tổ chức ngoài cơ quan Nhà nước do cơ quan, tổ chức tự bảo đảm.

H.L

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/khuyen-khich-lien-ket-hop-tac-ve-an-ninh-mang-giua-khu-vuc-nha-nuoc-va-tu-nhan-119433.html