'Khủng hoảng khó khăn' của Triều Tiên và các con số đáng ngại

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong năm nay đã ba lần mô tả tình trạng tiêu cực liên quan các vấn đề nội bộ của Bình Nhưỡng.

Trong bài phát biểu ngày 27-7 nhân kỷ niệm Ngày ký Hiệp định đình chiến, chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên 1950 – 1953, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã thừa nhận rằng đại dịch COVID-19 đã tạo ra một "cuộc khủng hoảng khó khăn" tại Triều Tiên.

Theo tạp chí The National Interest, phát ngôn của ông Kim đã đánh dấu lần thứ ba kể từ đầu năm đến nay nhà lãnh đạo Triều Tiên mô tả tình trạng tiêu cực liên quan các vấn đề nội bộ của Bình Nhưỡng.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: KCNA

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: KCNA

Trong phát biểu gần đây của mình, ông Kim đã so sánh đại dịch COVID-19 đang diễn ra với nạn đói 1994-1998, giai đoạn thường được gọi là “Tháng Ba gian khổ” của Triều Tiên với hàng triệu người được cho là đã tử vong.

The National Interest nhận định rằng những phát ngôn của ông Kim liên quan các vấn đề của Bình Nhưỡng là một sự thừa nhận đáng ngạc nhiên từ giới lãnh đạo Triều Tiên.

Tuy nhiên, phát ngôn của ông Kim về cuộc khủng hoảng của Triều Tiên không đề cập cụ thể việc lây nhiễm COVID-19 là nguyên nhân gây lo ngại, mà là do điều kiện kinh tế suy giảm chung diễn ra đồng thời với đại dịch.

Theo tờ South China Morning Post, Bình Nhưỡng đã đóng cửa biên giới với Trung Quốc kể từ tháng 1-2020 như một phần của các biện pháp nhằm ngăn chặn đại dịch, đồng thời hạn chế hoạt động giao thương xuyên biên giới với Bắc Kinh.

Thương mại giữa hai bên đã giảm xuống mức thấp kỷ lục trong sáu tháng đầu năm 2021, trong đó xuất khẩu của Trung Quốc sang Bình Nhưỡng đã giảm hơn 85% xuống 56,77 triệu USD, theo dữ liệu của hải quan Trung Quốc.

Nguồn cung cấp lương thực của Triều Tiên cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng do các hiện tượng thời tiết gần đây, theo hãng thông tấn Triều Tiên KCNA.

Trước đó, hãng Reuters đưa tin nhà lãnh đạo Triều Tiên hôm 15-6 đã kêu gọi thực hiện các biện pháp nhằm giải quyết tình hình lương thực “đang căng thẳng” tại Triều Tiên do đại dịch COVID-19 và ảnh hưởng của các cơn bão trong năm 2020.

Chủ trì cuộc họp của Ủy ban trung ương đảng Lao động Triều Tiên hôm 15-6, ông Kim cảnh báo: “Tình hình lương thực của nhân dân đang trở nên căng thẳng khi ngành nông nghiệp không đạt được kế hoạch sản xuất lúa gạo do bão gây thiệt hại hồi năm ngoái”.

Hồi tháng 1, ông Kim thừa nhận rằng kế hoạch kinh tế năm năm trước đó đã thất bại gần như trong tất cả lĩnh vực, giữa lúc tình trạng thiếu điện và thực phẩm ở Triều Tiên trở nên nghiêm trọng hơn do các lệnh trừng phạt của LHQ, đại dịch và lũ lụt, theo Reuters.

Hồi tháng 7, LHQ ước tính rằng Triều Tiên sẽ đối mặt tình trạng thiếu lương thực khoảng 850.000 tấn vào năm 2021 và Ngân hàng trung ương Hàn Quốc cho biết Tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Triều Tiên đã giảm 4,5% vào năm 2020.

Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc cũng ước tính giá trị hàng hóa xuất khẩu của Triều Tiên đã giảm 2/3, xuống còn 90 triệu USD.

Các biện pháp trừng phạt quốc tế, bao gồm nhiều lệnh áp đặt được đưa ra dưới thời chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã hạn chế khả năng huy động vốn của Bình Nhưỡng.

Theo The National Interest, trong khi giới chức Triều Tiên khẳng định không ghi nhận trường hợp nhiễm COVID-19 nào kể từ khi đại dịch bùng phát và không bắt đầu chương trình tiêm chủng cho người dân, giới quan sát đã nêu ra bằng chứng giai thoại rằng dịch virus đang lây lan ở Triều Tiên.

Một đợt bùng phát COVID-19 ở Triều Tiên, nếu có, được đánh giá có thể đặc biệt nghiêm trọng do hệ thống chăm sóc sức khỏe có nhiều hạn chế tại nước này.

HÒA ĐẶNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/khung-hoang-kho-khan-cua-trieu-tien-va-cac-con-so-dang-ngai-1006584.html