Không tìm được hung thủ đứng sau vụ dầu thải, Gốm sứ Thanh Hà phải chịu 'tội'?

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hòa Bình vừa khởi tố 3 đối tượng xả thải đầu độc nước sông Đà. Dư luận băn khoăn, nếu không tìm được hung thủ đứng sau thương vụ dầu thải, Gốm sứ Thanh Hà có phải chịu tội?

Thông tin mới nhất vụ xả thải đầu độc nước sông Đà, chiều 23/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hòa Bình cho biết, đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam 2 tháng đối tượng Nguyễn Chương Đại (SN 1994) và Lý Đình Vũ (SN 1982), cùng trú tại xã Xuân Lâm, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh; Hoàng Văn Thám (SN 1986), trú xã Chi Lễ, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn về hành vi “Gây ô nhiễm môi trường”, theo quy định tại Khoản 2 Điều 235 Bộ Luật hình sự năm 2015.

Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hòa Bình đang mở rộng vụ án, thu thập các tài liệu, củng cố làm rõ những đối tượng liên quan khác để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên dư luận đặt câu hỏi, nếu không tìm được hung thủ khác đứng sau thương vụ xả dầu thải trên, ngoài 3 đối tượng trên thì liệu Công ty CP Gốm sứ Thanh Hà có phải chịu tội?

Bởi trước đó, biên bản kiểm tra của đoàn kiểm tra Cục Cảnh sát môi trường – Bộ Công an ngày 19/10 cho thấy, giữa Nguyễn Huyền Trang (nhân vật được Vũ nhắc đến trong lời khai ban đầu) và Lý Đình Vũ từng có thỏa thuận để xử lý dầu thải. Theo thỏa thuận miệng, bà Trang sẽ phải trả cho ông Vũ số tiền đề thu gom, vận chuyển, xử lý dầu thải là 1000 đồng/lít.

 Ba đối tượng Vũ, Đại, Thám tại cơ quan công an. Ảnh: CAND

Ba đối tượng Vũ, Đại, Thám tại cơ quan công an. Ảnh: CAND

Đáng chú ý, đoàn kiểm tra kết luận công ty CP Gốm sứ Thanh Hà chuyển giao chất thải nguy hại (dầu thải) cho tổ chức, cá nhân không có chức năng xử lý chất thải nguy hại theo quy định. Cụ thể, công ty đã chuyển gần 9.000 kg dầu thải cho hai đối tượng Đại và Thám để mang đi xử lý. Tuy nhiên, công ty không ký hợp đồng, không thu thập hồ sơ về tư cách pháp nhân, chức năng xử lý chất thải nguy hại của các đối tượng trên.

Trao đổi với PV Kiến Thức, Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, quá trình điều tra mở rộng, cơ quan công an xác định có người của Công ty CP Gốm sứ Thanh Hà biết rõ việc các đối tượng sử dụng dầu thải đó để xả thải gây ô nhiễm môi trường nhưng vẫn giúp sức thì sẽ bị xử lý hình sự với vai trò cá nhân và liên đới chịu trách nhiệm đến những thiệt hại đối với môi trường và người dân về tội “Gây ô nhiễm môi trường”, theo quy định tại Điều 235 Bộ Luật hình sự năm 2015.

Tuy nhiên, nếu Công ty CP Gốm sứ Thanh Hà không biết mục đích của ba đối tượng trên mà bán, chuyển giao chất thải cho cá nhân không đủ chức năng thì đây là vi phạm hành chính và sẽ bị xử phạt hành chính theo nghị định số 155/2016/NĐ-CP Về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho rằng, vụ xả dầu thải đầu độc nước sông Đà gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến cuộc sống, sức khỏe của hàng vạn người dân Thủ đô từ việc vô trách nhiệm, không tuân theo các quy định của pháp luật trong việc xử lý chất thải nguy hại. Đáng chú ý, đây không phải loại dầu thải thông thường, bởi các loại dầu thải đó vẫn còn giá trị kinh tế, có thể tái chế, sử dụng và người ta còn mất tiền mua lại các loại dầu thải. Dầu bị đổ trộm có thể là phế cặn sót lại không thể tái chế được. Chất cặn này còn nguy hiểm, độc hại hơn nhiều.

Bởi vậy, theo quy định của pháp luật, cụ thể tại Nghị định số 38 năm 2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu đã có những quy định nghiêm ngặt cả một quá trình từ việc phân định, áp mã, phân loại và lưu giữ chất thải nguy hại, đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại, trách nhiệm của chủ nguồn thải chất thải nguy hại, thu gom, vận chuyển chất thải nguy hại…

Trong đó, có những nguyên tắc chung: Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tăng cường áp dụng các biện pháp về tiết kiệm tài nguyên và năng lượng; sử dụng tài nguyên, năng lượng tái tạo và sản phẩm, nguyên liệu, năng lượng sạch thân thiện với môi trường; sản xuất sạch hơn; kiểm toán môi trường đối với chất thải và các biện pháp khác để phòng ngừa, giảm thiểu phát sinh chất thải. Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm phân loại chất thải tại nguồn nhằm mục đích tăng cường tái sử dụng, tái chế, đồng xử lý, xử lý và thu hồi năng lượng. Nước thải phải được thu gom, xử lý, tái sử dụng hoặc chuyển giao cho đơn vị có chức năng phù hợp để tái sử dụng hoặc xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường trước khi thải ra môi trường…

Từ đó, nêu ý kiến về việc, Công ty CP gốm sứ Thanh Hà chuyển giao chất thải nguy hại (dầu thải) cho tổ chức, cá nhân không có chức năng xử lý chất thải nguy hại theo quy định mà cụ thể đã chuyển giao 8,830kg dầu thải cho Nguyễn Chương Đại và Hoàng Văn Thám mang đi xử lý. Trong đó, không ký hợp đồng, không thẩm định tư cách pháp nhân và chức năng của đơn vị tiếp nhận chất thải nguy hại trước khi chuyển giao. Luật sư Diệp Năng Bình cho biết, theo điều 7 Nghị định 38 năm 2015 của Chính phủ quy định về quản lý chất thải và phế liệu đã nói rõ về trách nhiệm của chủ nguồn thải chất thải nguy hại.

Theo đó, chủ nguồn thải phải đăng ký với Sở Tài nguyên và Môi trường nơi có cơ sở phát sinh chất thải nguy hại theo quy định tại Khoản 1 Điều 6 Nghị định này. Có biện pháp giảm thiểu phát sinh chất thải nguy hại; tự chịu trách nhiệm về việc phân định, phân loại, xác định số lượng chất thải nguy hại phải báo cáo và quản lý. Có khu vực lưu giữ tạm thời chất thải nguy hại; lưu giữ chất thải nguy hại trong các bao bì hoặc thiết bị lưu chứa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và quy trình quản lý theo quy định.

Trường hợp không tự tái sử dụng, tái chế, đồng xử lý, xử lý, thu hồi năng lượng từ chất thải nguy hại tại cơ sở, chủ nguồn thải chất thải nguy hại phải ký hợp đồng để chuyển giao chất thải nguy hại với tổ chức, cá nhân có giấy phép phù hợp.

Chủ nguồn thải chất thải nguy hại có trách nhiệm định kỳ 6 tháng báo cáo về việc lưu giữ chất thải nguy hại tại cơ sở phát sinh với Sở Tài nguyên và Môi trường bằng văn bản riêng hoặc kết hợp trong báo cáo quản lý chất thải nguy hại định kỳ khi chưa chuyển giao được trong các trường hợp sau như chưa có phương án vận chuyển, xử lý khả thi, chưa tìm được chủ xử lý chất thải nguy hại phù hợp…

Luật sư Diệp Năng Bình cho rằng, Công ty CP gốm sứ Thanh Hà đã có bề dày kinh nghiệm 15 năm trong lĩnh vực sản xuất gốm sứ. Với một doanh nghiệp, ngoài chuyện kinh doanh đưa mục tiêu lợi nhuận lên hàng đầu thì cần phải có trách nhiệm với xã hội.

Một câu hỏi được đặc ra là tại sao không bán, không thuê một đơn vị có chức năng xử lý chất thải theo quy định của pháp luật? Trong khi đó, Công ty CP Gốm sứ Thanh Hà từng ký hợp đồng với Công ty CP Môi trường xanh Minh Phúc để xử lý chất thải, tuy nhiên hợp đồng ấy đã hết hạn từ 2 năm trước và hai công ty này cũng không còn liên hệ gì với nhau. Rõ ràng, công ty Thanh Hà không thể phủi bỏ trách nhiệm và cho rằng mình không liên quan.

“Theo quan điểm của tôi việc này cần phải xử lý nghiêm minh tất cả các bên. Từ bên bán chất thải, bên đổ thải và cả bên biết nước bẩn nhưng vẫn cho clo vào nhiều để rồi bán ra cho người dân. Tuy nhiên, việc xác định trách nhiệm như thế nào chúng ta đã có các cơ quan Nhà nước cũng như các cơ quan tiến hành tố tụng họ làm việc. Vụ việc trước sau gì cũng sẽ có hướng xử lý thích đáng”, Luật sư Diệp Năng Bình cho hay.

Đồng thời, Luật sư Bình dẫn căn cứ quy định tại khoản 7 Điều 21 Nghị định 155/2016/NĐ-CP, hành vi bán dầu thải cho người mua dạo không có giấy phép xử lý chất thải nguy hại có thể bị xử phạt như sau: Phạt tiền từ 220.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng đối với trường hợp chuyển giao, cho, bán từ 5.000 kg chất thải nguy hại trở lên. Đối với pháp nhân thì mức phạt gấp đôi.

Ngoài ra, còn áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường trong trường hợp có vi phạm về xả chất thải vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường hoặc gây ô nhiễm môi trường theo định mức, đơn giá hiện hành đối với các vi phạm quy định tại Điều này; Buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và báo cáo kết quả đã khắc phục xong hậu quả vi phạm trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm quy định tại Điều này gây ra.

“Qua quá trình điều tra, nếu có đủ cơ sở để xác định có dấu hiệu hình sự thì Cơ quan điều tra có thể khởi tố theo Điều 236 Tội vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại được quy định tại Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017 hoặc đồng phạm với Tội gây ô nhiễm môi trường được quy định tại Điều 235 Bộ luật hình sự”, Luật sư Diệp Năng Bình cho hay.

Tâm Đức

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/xa-hoi/khong-tim-duoc-hung-thu-dung-sau-vu-dau-thai-gom-su-thanh-ha-phai-chiu-toi-1294038.html