Không quân Ukraine mới đây đã đăng tải những hình ảnh đầu tiên về các tiêm kích F-16 của nước này- phương tiện chiến đấu mang tới rất nhiều hy vọng cho họ về việc thay đổi cục diện chiến trường.
Mặc dù vậy có nguồn tin cho hay, theo yêu cầu từ phương Tây, Ukraine chưa được phép sử dụng tiêm kích F-16 tấn công vào lãnh thổ Nga, nhằm tránh để xung đột leo thang mất kiểm soát.
Những chiếc tiêm kích F-16 vừa vào biên chế sẽ được sử dụng chủ yếu để đẩy lùi những cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa hành trình của Nga, bên cạnh đó là đánh chặn oanh tạc cơ Su-34 mang theo bom lượn.
Thực tế trên cho thấy các tiêm kích F-16 sẽ chủ yếu bổ sung cho các hệ thống phòng không mặt đất, đây là điều dễ hiểu bởi việc tăng cường khả năng phòng thủ vẫn là ưu tiên số một đối với Lực lượng vũ trang Ukraine.
Nhưng trong tương lai, không loại trừ khả năng Ukraine sẽ mở rộng phạm vi tác chiến của F-16 khi phi đội thứ hai vào biên chế, bởi thực tế cho thấy phương Tây luôn leo thang xung đột một cách từ từ, điển hình như việc Kyiv hiện đã được phép dùng tên lửa NATO bắn vào đất Nga.
Trong lúc này, Không quân Ukraine đã có trong thành phần tác chiến tổng cộng 10 tiêm kích F-16 khi họ nhận thêm 4 chiếc F-16ADF từ Mỹ kèm theo 6 chiếc F-16MLU do Hà Lan chuyển giao.
F-16ADF là phiên bản sửa đổi của F-16A, được điều chỉnh cho nhiệm vụ phòng không, chúng sở hữu radar tiên tiến với khả năng theo dõi mục tiêu cỡ nhỏ và khả năng sử dụng cả tên lửa AIM-7 lẫn AIM-120, khiến chúng trở thành phương tiện đánh chặn rất hiệu quả.
Dự kiến 4 máy bay chiến đấu F-16ADF này sẽ hỗ trợ cho 6 chiếc F-16MLU do Hà Lan viện trợ trong các cuộc tấn công, giảm thiểu nguy cơ phi đội bị lực lượng phòng không tầm xa của Nga tập trung hỏa lực tiêu diệt.
Ngoài ra theo các bức ảnh đăng tải, F-16 Ukraine đã nhận được tên lửa AIM-120 AMRAAM thuộc phiên bản AIM-120B và AIM-120C, cho phép chúng tiêu diệt mục tiêu ở khoảng cách lên tới 70 và 105 km.
Tên lửa AIM-120 hay còn gọi là AMRAAM (Tên lửa không đối không tầm trung tiên tiến) gây ra mối đe dọa khá nghiêm trọng đối với Không quân Nga. Bổ trợ cho AIM-120 chính là tên lửa AIM-9 Sidewinder trong không chiến cự ly gần.
Ngoài vũ khí tên lửa, các máy bay chiến đấu đa năng F-16 của Không quân Ukraine còn nhận được giá treo Terma PIDS+ đi kèm hệ thống cảnh báo sớm tấn công tên lửa với cụm khí tài AAR-60(V)2 để nâng cao khả năng phòng thủ.
Theo các nguồn tin, ở giai đoạn này, Mỹ chưa chuyển giao thêm tên lửa AIM-120D hiện đại có tầm bắn lên tới 160 km cho Ukraine. Tuy nhiên các chuyên gia không loại trừ khả năng chúng sẽ được chuyển giao trong tương lai.
Washington nhận xét, với cấu hình vũ khí hiện tại, tiêm kích F-16 của Ukraine đã tạm đủ khả năng đánh trả Không quân Nga, dĩ nhiên là vẫn phải sử dụng chiến thuật hợp lý, tránh đối đầu trực diện Su-35S hay MiG-31BM mang tên lửa R-37M tầm cực xa.
Nhưng trên hết, sự xuất hiện của tiêm kích F-16 trên chiến trường Đông Âu sẽ giúp các chuyên gia quân sự có cái nhìn rõ hơn về các loại vũ khí hàng không hiện đại do Nga và Mỹ chế tạo.
Việt Dũng