Không ngừng nâng cao chất lượng

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thời gian qua, nhiều nhà hát, đơn vị nghệ thuật trên địa bàn Thủ đô phải tạm dừng hoạt động, hủy hợp đồng lưu diễn… Điều này khiến nhiều sân khấu lao đao vì không có doanh thu biểu diễn, đời sống nghệ sĩ, diễn viên, người lao động phần nào gặp khó khăn.

Thế nhưng trong đại dịch, lãnh đạo các nhà hát vẫn chủ động xây dựng, triển khai các kế hoạch ứng phó, trong đó vừa tích cực động viên các nghệ sĩ, diễn viên tham gia chương trình cổ động phòng, chống dịch bệnh, kiên trì tập luyện, vừa tranh thủ đầu tư dàn dựng các vở diễn, chương trình mới. Khi cuộc sống trở về trạng thái “bình thường mới”, nhiều sân khấu ở Thủ đô đã sẵn sàng “sáng đèn” trở lại.

Tuy nhiên, theo nhận định chung, đây vẫn là giai đoạn “thử lửa” bởi nhiều khán giả còn e ngại dịch bệnh, có thể chưa sẵn sàng đến nhà hát. Khó khăn này cũng chính là cơ hội để các nhà hát, đơn vị nghệ thuật tại Thủ đô đổi mới cách tiếp cận khán giả, sáng tạo nên tác phẩm mới với hình thức truyền đạt nghệ thuật mới lạ, từ đó lôi cuốn khán giả đến với sân khấu.

Minh chứng rõ nhất phải kể đến là nhiều tác phẩm mới được dày công dàn dựng, tập luyện vừa ra mắt công chúng đã khuấy đảo sân khấu Thủ đô. Song, để sân khấu Thủ đô "sáng đèn" bền lâu khi dịch Covid-19 vẫn tiềm ẩn yếu tố khó lường và trong bối cảnh nhiều loại hình giải trí hiện đại phát triển như hiện nay, nếu sân khấu Thủ đô không tự đổi mới thì sẽ tụt hậu.

Trước mắt, bên cạnh thực hiện nghiêm ngặt quy định phòng, chống dịch bệnh, sân khấu Thủ đô cần ưu tiên vào việc đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, trang thiết bị hiện đại, phù hợp xu thế để tăng hiệu quả thị giác cho khán giả. Cùng với đó, các đơn vị cần tiếp tục chú trọng nâng chất lượng xây dựng kịch bản, đội ngũ đạo diễn, diễn viên… nhằm đem đến sức sống mới cho sân khấu, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khán giả.

Một giải pháp không kém phần quan trọng cần làm là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá các vở diễn, chương trình mới, đồng thời triển khai các chương trình kích cầu như giảm giá vé, liên kết với ngành Du lịch Thủ đô để đón khách du lịch đến xem. Về lâu dài, song song với sân khấu truyền thống, các nhà hát cần đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 để sáng tạo nên những vở diễn, chương trình nghệ thuật trực tuyến đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật từ xa của khán giả. Đây sẽ là hướng đi tất yếu của sân khấu hiện đại.

Đặc biệt, để tạo nên sức hấp dẫn cho sân khấu Thủ đô, bên cạnh yếu tố nền tảng, truyền thống, nhà biên kịch, đạo diễn, diễn viên cần bám sát, phản ánh những lát cắt cuộc sống thường nhật phù hợp với xu thế xã hội và con người hiện đại. Cùng với đó, không ngừng học tập, sáng tạo, nâng cao trình độ, kiên trì tập luyện, mang đến cho khán giả Thủ đô những vở diễn, chương trình hấp dẫn.

Về phía cơ quan quản lý, cần tổ chức nhiều sân chơi nghệ thuật sau khi dịch được kiểm soát giúp nghệ sĩ, diễn viên được giao lưu, cọ xát, nâng cao trình độ chuyên môn; chú trọng tổ chức các trại sáng tác kịch bản sân khấu, đi thực tế để nhà biên kịch, nghệ sĩ… nắm bắt hơi thở cuộc sống, từ đó sáng tạo ra chương trình, tác phẩm hay, hấp dẫn khán giả.

Ở bất kỳ thời điểm nào, các loại hình sân khấu luôn là địa chỉ được khán giả Thủ đô hướng tới. Do đó, hơn lúc nào hết sân khấu Thủ đô phải tiếp tục đổi mới, đa dạng hoạt động, không ngừng nâng cao chất lượng tác phẩm, chất lượng phục vụ nhằm thu hút khán giả.

Hoàng Hà

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/979310/khong-ngung-nang-cao-chat-luong