Không nên vội vã chặt hạ cây trong trường học

Sau sự việc một học sinh gặp tai nạn do cây gãy đổ tại TPHCM, nhiều trường học đã tiến hành chặt hạ một loạt cây xanh. Tuy nhiên, hoạt động này cần được xử lý thận trọng, an toàn, đủ chuyên môn.

Cây phượng vĩ được trồng nhiều tại trường học và được coi là biểu tượng của tuổi học trò

Cây phượng vĩ được trồng nhiều tại trường học và được coi là biểu tượng của tuổi học trò

Sau tai nạn cây phượng bật gốc làm chết một học sinh ở Trường THCS Bạch Đằng (Q3, TP.HCM), Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các Sở GD&ĐT chỉ đạo các trường liên hệ đơn vị quản lý môi trường đô thị, cây xanh để kiểm tra, cắt tỉa, xử lý những cây nguy hiểm, có thể gãy đổ... nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho học sinh, giáo viên.

Tuy nhiên thay vì cắt tỉa, xử lý những cây nguy hiểm, nhiều trường học lại đốn hạ toàn bộ những cây xanh đang có, trong đó có những cây phượng vĩ đươc trồng lâu năm vì coi đây là mối nguy hiểm cho học sinh. Nếu trường nào cũng áp dụng cách này, loài cây được mệnh danh là hoa học trò sẽ hoàn toàn bị trục xuất khỏi môi trường của học trò.

Một giáo viên tại TPHCM cho rằng tai nạn đáng buồn tại trường THCS Bạch Đằng chỉ là sự việc hi hữu. Thông qua vụ việc đau lòng này, người làm giáo dục cần quan tâm hơn về vấn đề an toàn trong trường học, đặc biệt là cây xanh. Sẽ còn rất nhiều giải pháp khác để đảm bảo an toàn thay vì đốn hạ cây.

Được mệnh danh thành phố hoa phượng đỏ, Hải Phòng trồng nhiều cây phượng ở đường phố và trường học. Ông Đỗ Văn Lợi- Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng cho biết đã yêu cầu các hiệu trưởng rà soát hệ thống cây xanh bóng mát trong sân trường, đặc biệt lưu ý phượng vĩ. Cây nào gốc và thân bị mục, nguy cơ gãy đổ cần loại bỏ. Cây nào cành bị hư thì cắt tỉa, hạ thấp độ cao...

Theo ông Lợi, việc nhắc nhở các trường kiểm tra an toàn đối với cây xanh sân trường được lưu ý hàng năm, trước khai giảng. Nhờ đó, nhiều năm qua các trường không xảy ra vụ cây xanh gãy đổ, làm học sinh, giáo viên bị thương.

Tại Hà Nội, hiện cây xanh trong khuôn viên trường đều do các trường tự quản lý. Với cây có nguy cơ gãy đổ, nhà trường sẽ báo cáo cho UBND quận, huyện. Sau đó, cơ quan này sẽ cử cán bộ chuyên môn về cây xanh xuống đánh giá, lập biên bản, xử lý đánh chuyển và thay thế cây theo quy định. Tuy nhiên cái khó hiện nay là việc rà soát chỉ được thực hiện bằng cảm quan nên không đánh giá đúng thực trạng của cây.

Gỡ khó cho các nhà trường, chỉ đạo tại hội nghị giao ban trực tuyến vừa qua, Chủ tịch thành phố đã yêu cầu Công ty Công viên cây xanh Hà Nội và các quận, huyện rà soát, cắt tỉa lại tất cả các cây xanh ở các trường học trên địa bàn thành phố, không để gây nguy hiểm cho học sinh.

Phượng vĩ là một loại cây phổ biến tại đường phố và các trường học ở Hà Nội, nhất là tại các quận trung tâm. Với tâm thế sẵn sàng ứng phó với mùa mưa bão cũng như an toàn trong môi trường giáo dục, từ trung tuần tháng 5, UBND quận Ba Đình đã duyệt chi hơn 1,1 tỷ đồng cho việc cắt tỉa cây nặng tán, chặt hạ cây nguy hiểm, cây có nguy cơ gãy đổ. Các quận khác cũng luôn quan tâm đến việc đảm bảo an toàn trong trường học trong mùa mưa bão.

Ông Chử Xuân Dũng - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết Sở đã yêu cầu các trường học chủ động rà soát cây xanh, bảo đảm an toàn cho học sinh, giáo viên, cán bộ nhà trường, tổ chức kiểm tra các tường rào, trần, tường nhà, hệ thống cống rãnh, lưới điện để bảo đảm tính an toàn trong môi trường giáo dục.

“Năm học này khác so với những năm học khác, đáng lẽ đây là thời gian nghỉ hè của học sinh nhưng do tình hình dịch bệnh nên năm học này kéo dài đến giữa tháng 7 đúng mùa mưa bão. Do đó, các trường học chủ động phối hợp với các cơ quan quản lý và cơ quan chuyên môn để triển khai việc rà soát hệ thống cây xanh trong khuôn viên các trường để đảm bảo an toàn cho học sinh và giáo viên, cán bộ nhà trường trong mùa mưa bão”- Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội nhấn mạnh.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/khong-nen-voi-va-chat-ha-cay-trong-truong-hoc-20200602225352817.html