Không gian sáng tạo với việc phát triển công nghiệp văn hóa ở Hà Nội: 'Mỏ vàng' chờ khai pháTin khácNghị quyết 68: Kịp thời gỡ khó cho doanh nghiệp và người lao độngSáng mãi ngọn lửa thanh niên xung phong

Với hơn 1.000 năm văn hiến, Hà Nội được đánh giá có thế mạnh trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Và một trong những trụ cột của thành phố sáng tạo và 'mũi nhọn' cho sự phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô chính là các không gian sáng tạo. Phố bích họa Phùng Hưng, Hà Nội. Những năm gần đây, các sản phẩm của công nghiệp văn hóa Nhật Bản đã dần trở nên quen thuộc ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, góp phần giúp Nhật Bản vươn lên trở thành cường quốc kinh tế đầu tiên của châu Á. Xứ sở kim chi Hàn Quốc cũng là một trong những quốc gia xây dựng và phát triển thành công ngành công nghiệp văn hóa. Hiện nay trên thế giới có tới hàng ngàn không gian sáng tạo. Ảnh: Hội đồng AnhCác nước rất ưu ái xây dựng các không gian thoáng đãng cho những nơi công cộng. Trong ảnh: Công viên Tokyo Ueno, Nhật Bản. Ảnh: livejapan.comSingapore chú trọng tạo nhiều 'mảng xanh' trong các không gian sáng tạo. Trong ảnh: Công viên Biển Đông của Singapore. Ảnh: nparks.gov.sgTổ hợp mỏ than Zollverein (Đức) đã được công nhận là Di sản thế giới của UNESCO và trở thành Công viên văn hóa đa năng Zeche Zollverein. Ảnh: Ảnh: zollverein.deTobacco Factory Theatre là một không gian sáng tạo được hình thành từ việc cải tạo một nhà máy thuốc lá bị bỏ hoang thành một địa điểm nghệ thuật mang một sức sống mới với hàng loạt các nhà hát hay các triển lãm. Ảnh: Tobaccofactory.comBảo tàng Tate Modern (Anh) được xây dựng trên nền nhà máy điện Bankside cũ, thu hút khoảng 5 triệu lượt khách tham quan mỗi năm. Ảnh: dailymail.co.ukSau khi một loạt các nhà máy trong khu vực bị giải thể vào thập niên 1990, rất nhiều nghệ sĩ và các tổ chức nghệ thuật đương đại đổ về đây thuê lại địa điểm, rồi dần dần hình thành một cộng đồng nghệ thuật – Khu văn hóa nghệ thuật 798 Art zone (Bắc Kinh). Ảnh: archdaily.cn

Tuy nhiên, từ khi gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO (năm 2019), các không gian sáng tạo của Thủ đô chưa có sự chuyển biến lớn, thậm chí, một số không gian sáng tạo gặp khó khăn, phải giải thể…

Báo Quân đội nhân dân Điện tử trân trọng giới thiệu loạt bài: “Không gian sáng tạo ở Hà Nội:“Mỏ vàng” chờ khai phá”, giới thiệu những cách làm hay trên thế giới, đưa ra các giải pháp thúc đẩy những “mỏ vàng” không gian sáng tạo, nhằm góp phần phát triển Thủ đô bền vững.

Những gợi mở cho Hà Nội

Một trong những điểm mới trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng là khẳng định quyết tâm: Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa. Thủ đô Hà Nội hiện là một trong những địa phương đầu tiên xác định sẽ sớm ra một nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa… Và những cách làm hay trên thế giới về quy hoạch không gian sáng tạo sẽ là hướng đi gợi mở cho Hà Nội thúc đẩy sự phát triển của một thành phố sáng tạo – mục tiêu mà thành phố vươn tới.

Công nghiệp văn hóa – “con gà đẻ trứng vàng”

Trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ, đối với nhiều quốc gia trên thế giới, ngành công nghiệp văn hóa (một phần của ngành công nghiệp sáng tạo) đang phát triển nhanh chóng, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Với khả năng đem lại nguồn thu lớn, lượng việc làm đáng kể, không ít quốc gia đã coi công nghiệp văn hóa là “con gà đẻ trứng vàng” và phát triển ngành này trở thành lĩnh vực đột phá, nguồn lực lớn trong chiến lược phát triển đất nước.

Với các nước trên thế giới, cụm từ “công nghiệp văn hóa” đã không còn xa lạ nữa, nó trở thành một bộ phận quan trọng của nền kinh tế và có những đóng góp lớn vào tăng trưởng chung của đất nước. Tại nhiều quốc gia, công nghiệp văn hóa còn trở thành ngành “hái” ra tiền, thu lại nhiều ngoại tệ khi xuất khẩu sang các quốc gia khác.

Theo bà Trần Ly Ly, Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, công nghiệp văn hóa và sáng tạo được xem như chìa khóa phát triển, là “con gà đẻ trứng vàng” của nhiều quốc gia trên thế giới, nhất là các nước thuộc châu Á. Những năm gần đây, Nhật Bản, Hàn Quốc đã trở thành thị trường công nghiệp văn hóa và sáng tạo lớn nhất thế giới, vượt cả châu Âu và Bắc Mỹ. Cả hai quốc gia Bắc Á này đều coi công nghiệp văn hóa, đặc biệt là văn hóa giải trí, là phương tiện quan trọng để thúc đẩy quan hệ quốc tế.

Những năm gần đây, các sản phẩm của công nghiệp văn hóa Nhật Bản như truyện tranh, phim hoạt hình, trò chơi công nghệ cao, thời trang, âm nhạc, ẩm thực… đã dần trở nên quen thuộc ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Với những chính sách đầu tư có trọng điểm, ngành công nghiệp văn hóa của xử sở hoa anh đào đã đóng góp thị phần lớn trong tổng thu nhập quốc dân với doanh thu hằng năm chiếm khoảng 7%, thu hút 5% nhân công lao động của toàn quốc. Với nguồn lực sức mạnh “mềm” – văn hóa, Nhật Bản đã không ngừng vươn lên trở thành cường quốc kinh tế đầu tiên của châu Á….

Xứ sở kim chi Hàn Quốc cũng là một trong những quốc gia xây dựng và phát triển thành công ngành công nghiệp văn hóa. “Thai nghén”, hình thành những chiến lược về phát triển công nghiệp văn hóa từ những năm 90; đến nay, Hàn Quốc nổi lên như một nước xuất khẩu lớn về văn hóa đại chúng, phim ảnh và ca nhạc – những khía cạnh đã trở thành một phần quan trọng trong nền kinh tế đang phát triển của nước này. Nơi đây cũng đã trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn đông đảo du khách các nước, trong đó có Việt Nam. Đặc biệt, công nghiệp văn hóa Hàn Quốc đã mang lại “hiệu quả lan tỏa” đối với các lĩnh vực khác của nền kinh tế: Nghiên cứu cho thấy, nếu kim ngạch xuất khẩu sản phẩm văn hóa Hàn Quốc tăng 100USD thì kéo theo kim ngạch xuất khẩu hàng tiêu dùng của Hàn Quốc tăng 412USD; kim ngạch xuất khẩu chương trình truyền hình tăng 100USD kéo theo kim ngạch xuất khẩu thực phẩm gia công tăng 64USD; còn kim ngạch xuất khẩu phim tăng 100USD kéo theo kim ngạch xuất khẩu trang phục tăng 87USD…

Ngoài Nhật Bản, Hàn Quốc, công nghiệp văn hóa cũng đã trở thành ngành trụ cột trong phát triển kinh tế của nhiều nước khác. Ở Anh, công nghiệp văn hóa đã tạo ra thu nhập khoảng 112,5 tỷ bảng/năm, đóng góp 5% GDP, chiếm 10 – 15% thị phần công nghiệp văn hóa thế giới. 85% thu nhập quốc dân của Hồng Kông (Trung Quốc) có được từ nguồn thu dịch vụ giải trí, truyền hình. Giá trị gia tăng của công nghiệp văn hóa Trung Quốc đạt 3,47 nghìn tỷ nhân dân tệ năm 2017, chiếm 4,23% GDP…

Ông Michael Croft, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam dẫn Báo cáo Toàn cầu của UNESCO năm 2018 nhấn mạnh: Văn hóa và các ngành công nghiệp sáng tạo đang ngày càng được coi là những giải pháp chiến lược cho những mô hình sáng tạo, sản xuất, gia tăng thu nhập và giảm nghèo kiểu mới, đồng thời, chúng đang nhanh chóng trở thành một thành phần chủ đạo cho sự phát triển kinh tế trên thế giới nói chung và tại khu vực Đông Nam Á nói riêng.

Theo thống kê của UNESCO công bố năm 2017, công nghiệp văn hóa và sáng tạo (CCIs) có tổng doanh thu lên đến 2.250 nghìn tỷ USD và tạo công ăn việc làm cho 29,5 triệu lao động trên toàn cầu với gần 20% thành phần lao động ở độ tuổi từ 15 đến 29.

Theo dữ liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới công bố năm 2019, tỷ lệ đóng góp doanh thu của ngành công nghiệp văn hóa (bao gồm cả lĩnh vực du lịch văn hóa) đối với tổng doanh thu toàn cầu là xấp xỉ 4,04% và đem lại việc làm chiếm tỷ trọng 2,21% tổng số lao động trên thế giới, lao động ngành có thu nhập cao gấp 2,44 lần so với mặt bằng chung.

“Viên gạch” nền tảng của kinh tế sáng tạo

Nhà cần móng và ngành công nghiệp cần cơ sở hạ tầng; cơ sở hạ tầng của ngành công nghiệp văn hóa chính là các không gian sáng tạo. Trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, không gian sáng tạo là thành tố then chốt để tập hợp và lan tỏa những thông điệp sáng tạo tới tất cả các lĩnh vực trong đời sống xã hội.

Theo định nghĩa của Hội đồng Anh, không gian sáng tạo là “một địa điểm, có thể là địa điểm thực hoặc địa điểm trực tuyến, là nơi đem những con người sáng tạo đến với nhau. Đó là nơi tụ họp, chia sẻ không gian và hỗ trợ cho các hoạt động kết nối, phát triển kinh doanh và thu hút cộng đồng trong các lĩnh vực sáng tạo, văn hóa và công nghệ”.

Hiện nay trên thế giới có tới hàng ngàn không gian sáng tạo. Mỗi không gian sáng tạo là một cá thể độc đáo, tạo nên những “viên gạch” nền tảng cho sự bền vững và tăng trưởng của nền kinh tế sáng tạo nhiều thành phố, quốc gia và toàn cầu.

PGS, TS Chu Cẩm Thơ, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam đã nhắc đến nhiều mô hình tiêu biểu từ các hoạt động của thành phố sáng tạo. Điển hình, thành phố Limoges (Pháp) khuyến khích việc đưa nghệ thuật đương đại vào không gian công cộng, biến không gian công cộng thành nơi thử nghiệm nghệ thuật gốm sứ, thiết lập không gian hòa nhập thúc đẩy tương tác xã hội. Thiết kế sáng tạo cũng là cốt lõi trong chương trình văn hóa của Vũ Hán (Trung Quốc). Thành phố đã thực hiện có hiệu quả kế hoạch biến Vũ Hán thành thành phố của thiết kế sáng tạo, nhằm đẩy nhanh sự phát triển của các ngành công nghiệp sáng tạo và tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế dựa trên văn hóa và đổi mới. Còn Chiang Mai (Thái Lan) lại tăng cường hỗ trợ các cơ sở giáo dục và văn hóa để bảo vệ và quảng bá di sản thủ công của thành phố như đồ gốm, đồ bạc, chạm khắc gỗ, thêu lụa và đồ sơn mài…

Những “mảng xanh” và “công viên mở”

Là kiến trúc sư sáng lập 282 Design, anh Phạm Thanh Huy đã từng đi qua nhiều thành phố lớn trên thế giới. Chính những điều “mắt thấy, tai nghe” từ những không gian sáng tạo trên thế giới đã thôi thúc anh sáng lập nên không gian sáng tạo ở Hà Nội. Điều mà anh đúc rút ra được là các nước dành diện tích lớn cho các không gian sáng tạo và đặc biệt, dành nhiều khoảng thoáng cho các phố đi bộ, lập nhiều điểm giao lưu văn hóa hoặc bảo tàng để đưa câu chuyện văn hóa của nước họ. Theo anh Phạm Thanh Huy thì ngược lại với nước ta khi các khu bảo tàng, các khu công cộng, thư viện khá vắng người đến thăm thì ở một số nước như Nhật Bản hay các nước phương Tây, những nơi này lại rất “hút” khách đến tham quan. Bởi lẽ, không gian sáng tạo của các nước rất ưu ái xây dựng các không gian thoáng đãng cho những nơi công cộng để người dân có thể tụ tập lại, rồi sau đó lại có thể tản mát ra các địa điểm khác như thư viện, bảo tàng…

Đặc biệt, mật độ cây xanh của họ rất nhiều. Nói về kinh nghiệm của những đất nước trẻ như Singapore, anh Phạm Thanh Huy cho biết, nơi đây rất chú trọng tạo nhiều “mảng xanh” trong các không gian sáng tạo. Điều này khiến cho người dân ùn ùn đến du lịch, tham quan, nhất là những bạn trẻ, khách nước ngoài… đến giao lưu, học hỏi lẫn nhau. Điều này kéo theo sự phát triển về ẩm thực, du lịch, làm nên thành công của nền kinh tế phát triển.

Kiến trúc sư Nhâm Chí Kiên (nhóm kiến trúc sư Weplay) cũng là người đã đi khảo sát ở nhiều nơi trên thế giới và anh cũng rất tâm đắc với những công viên “mở” xen kẽ trong các quảng trường lớn ở nhiều nước – nơi người dân, khách tham quan có thể vừa tham quan, vừa có thể dừng chân dễ dàng. “Điều này đối lập hoàn toàn với những “công viên hàng rào” ở nước ta”, kiến trúc sư Nhâm Chí Khanh nói.

Tạo sức sống mới từ những không gian cũ

Bên cạnh việc tạo ra những không gian xanh hay những khoảng không gian thoáng đãng, việc “tái sinh” cơ sở sản xuất cũ thành không gian sáng tạo là hướng đi được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng, giúp mang lại lợi ích đa chiều.

Trên thế giới, các không gian sáng tạo được hình thành từ nhà máy cũ không phải là hiếm. Các cơ sở công nghiệp nặng và hạ tầng kiểu cũ như hầm mỏ, kho tàng, ga tàu, sân bay… khi phải đóng cửa do không phù hợp, người ta đã tìm cách chuyển đổi công năng để lưu lại ký ức, tìm cách phục vụ lại đời sống dân chúng thay vì phá bỏ. Điển hình như: Công trình Zeche Zollverein (North Rhine-Westphalia, Đức) từ mỏ than công nghiệp chuyển thành công viên văn hóa đa năng; Nagasaki Shipyard Museum (Nagasaki, Nhật Bản) từ bến tàu cảng công nghiệp chuyển đổi thành bảo tàng lịch sử công nghiệp…

Chia sẻ quan điểm tại tham luận “Di sản công nghiệp – Một cách tiếp cận mới trong việc chuyển đổi các nhà máy cũ ở nội đô”, PGS, TS Phạm Thúy Loan, Phó viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia, cho biết, trên thế giới, nhiều thành phố đã chuyển đổi từ thành phố công nghiệp sang thành phố của du lịch, dịch vụ và công nghệ. Các nhà máy cũ được chuyển đổi thành không gian hoạt động nghệ thuật, sáng tạo, khởi nghiệp. Chiến lược này vừa làm giàu văn hóa, lịch sử cho thành phố, vừa tạo môi trường cởi mở thu hút sự tham gia của người dân.

Nhắc đến một số hướng đi theo cách này trên thế giới và gợi ý cho Hà Nội, PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam nhắc đến Tobacco Factory Theatre ở thành phố Bristol (Anh). Đây là một không gian sáng tạo được hình thành từ việc cải tạo một công trình đã cũ – nhà máy thuốc lá bị bỏ hoang thành một địa điểm nghệ thuật mang một sức sống mới với hàng loạt các nhà hát hay các triển lãm; kéo theo sự mở cửa của hàng loạt cửa hàng và dịch vụ, một khu vực đáng sống với người dân địa phương…

Hay sự ra đời của Bảo tàng Tate Modern (Anh) cũng là một điển hình của không gian sáng tạo. Trên nền một nhà máy điện bỏ hoang, một bảo tàng nghệ thuật đương đại được xây dựng, thu hút khoảng 5 triệu lượt khách tham quan mỗi năm; kéo theo hàng loạt các dịch vụ khác và biến vùng đất này từ một vùng đất nghèo thành một khu vực nhộn nhịp.

Ngoài Tobacco Factory Theatre, có một số chuyển đổi cơ sở công nghiệp cũ thành không gian văn hóa sáng tạo đã thành công trên thế giới nhu: Khu văn hóa nghệ thuật 798 Art zone (Bắc Kinh), Công viên văn hóa đa năng Zeche Zollverein ở Đức, hay Trung tâm Nghệ thuật sáng tạo lưu trú nghệ sĩ Treasure Hill ở Đài Loan…

Rõ ràng, ở nhiều đô thị trên thế giới, việc phát triển các không gian sáng tạo đã tạo ra dấu ấn mới cho sự phát triển. Nhiều đô thị chuyển đổi từ các thành phố công nghiệp bụi bặm, ô nhiễm trở thành các địa điểm du lịch, giải trí hấp dẫn nhờ việc hình thành các không gian sáng tạo cho mình. Còn người dân được hưởng lợi là vào dịp cuối tuần chẳng phải đi đâu xa, có thể vui chơi, giải trí ngay tại nơi mình sống. Các không gian sáng tạo chính là một hướng đi giải quyết để xử lý hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, duy trì và tạo ra bản sắc cho đô thị.

Báo cáo về không gian sáng tạo ở Việt Nam của Hội đồng Anh khẳng định: Có thể nói rằng, sự có mặt của các không gian sáng tạo đã và đang đem đến những màu sắc mới, có những đóng góp nổi bật về mặt nghệ thuật đến cộng đồng người dân sinh sống tại khu vực đó.

Theo Quandoinhandan

THANH HUYỀN

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/van-hoa/van-hoa-bon-phuong/436723-khong-gian-sang-t%E1%BA%A1o-voi-viec-phat-trien-cong-nghiep-van-hoa-%E1%BB%8F-ha-n%E1%BB%8Di-m%E1%BB%8F-vang-cho-khai-pha.html