'Không để sót một mẫu nào, không nhầm một thân nhân nào' trong hành trình tìm lại tên cho liệt sĩ
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng hành trình đi tìm danh tính cho những người con đã nằm xuống vì Tổ quốc vẫn chưa dừng lại. Trên đất Thanh Hóa, nơi từng là hậu phương lớn của cả nước, công cuộc thu nhận mẫu ADN thân nhân liệt sĩ đang được thực hiện với tốc độ và quyết tâm chưa từng có, mang theo nỗi niềm đau đáu của hàng vạn gia đình vẫn đang đi tìm tên cho người thân đã ngã xuống.
Gọi tên người nằm xuống
Ngày 26.7, tại Hội nghị cao điểm thu nhận mẫu ADN của thân nhân liệt sĩ chưa xác định được danh tính và thông báo kết quả giám định ADN hài cốt liệt sĩ do UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức, từng câu chuyện, từng con số, từng giọt máu được nhắc đến đều khiến không khí lặng lại, nghẹn ngào.

Trong ánh mắt đau đáu và những bàn tay run run ôm chặt di ảnh người thân, mỗi thân nhân liệt sĩ đến dự hội nghị đều mang theo một khát vọng tha thiết: được gọi đúng tên người đã ngã xuống. Họ lặng lẽ ngồi đó, lắng nghe, chờ đợi và hy vọng rằng một ngày không xa, tên tuổi người thân sẽ được khắc lên bia mộ, trở về với gia đình sau bao năm dài vô danh giữa đất trời. Ảnh: Quốc Hương
Đây không chỉ là một hội nghị hành chính, mà là một buổi lễ tri ân thầm lặng, nơi cả hệ thống chính trị, nhân dân và lực lượng vũ trang cùng nhau thắp lên ngọn lửa nghĩa tình cho hành trình hồi hương danh tính: hành trình trả lại tên cho những người đã hiến dâng tuổi xuân và sinh mệnh cho non sông.
Thanh Hóa, vùng đất anh hùng với truyền thống cách mạng hào hùng – là địa phương có số lượng lớn người tham gia kháng chiến, phục vụ chiến đấu qua các thời kỳ.
Hàng vạn người con ưu tú đã ngã xuống, để lại những nấm mộ khuyết danh, những nỗi niềm không tên trong lòng người ở lại. Hiện toàn tỉnh có hơn 37.000 liệt sĩ chưa xác định được thông tin.
Trong đó, trên 10.000 trường hợp không còn thân nhân để đối chiếu mẫu, và hơn 27.000 liệt sĩ có hơn 36.000 thân nhân còn khả năng lấy mẫu xét nghiệm. Đây là cơ hội, có thể là lần cuối cùng để trả lại cho họ cái tên thiêng liêng vốn thuộc về họ.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an và Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa đã vào cuộc đồng bộ, huy động cả hệ thống chính trị và lực lượng chức năng. 25 tổ công tác, 120 trạm thu nhận mẫu ADN đã được thiết lập trên toàn tỉnh.
Hàng nghìn cán bộ không quản nắng mưa, miệt mài "đi từng ngõ, gõ từng nhà", kiên trì rà soát, thu thập thông tin và lấy mẫu trong những điều kiện không ít khó khăn.
Giai đoạn 1, từ 12 đến 16.5.2025, Công an tỉnh đã thu nhận được 933 mẫu ADN, số lượng cao nhất cả nước. Những mẫu máu nhỏ bé từ tay người mẹ, người em, người cháu… đã giúp gọi tên hai liệt sĩ: Trịnh Văn Hai (xã Đông Thành) và Trịnh Quang Lâm (xã Nga An).
Với gia đình, đó là ngày đoàn tụ muộn màng sau bao năm tháng. Với đất nước, đó là một lời khẳng định: không ai bị lãng quên, không ai mãi là người vô danh.

Trong khoảnh khắc lặng lẽ và thiêng liêng, những người mẹ, người con của liệt sĩ nghẹn ngào khi trao giọt máu như trao gửi cả một đời thương nhớ, tại điểm thu nhận mẫu ADN ở Thanh Hóa, mong một ngày có thể gọi tên người thân trên bia mộ liệt sĩ, nơi mỗi giọt máu là một tia hy vọng tìm lại tên người thân đã ngã xuống vì Tổ quốc. Ảnh: Quốc Hương
Sang giai đoạn 2, chỉ trong 17 ngày từ 3 đến 20.7, Công an Thanh Hóa phối hợp với Công ty GeneStory và các đơn vị liên quan đã thu nhận thêm 36.454 mẫu ADN, vượt chỉ tiêu gần 1.000 mẫu.
Một danh tính liệt sĩ nữa được xác định, nhưng hàng vạn hy vọng khác cũng từ đó được khơi dậy từ mỗi mẫu máu, mỗi tấm lòng và mỗi niềm tin.
Hành trình mang tên "Tri ân"
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Nguyễn Doãn Anh xúc động nói: “Chiến tranh đã qua đi, nhưng nỗi đau và sự mất mát mà nó để lại là không thể đo đếm. Vẫn còn rất nhiều liệt sĩ chưa xác định được tên, chưa có một nén nhang đúng nghĩa của người thân. Nhiệm vụ của chúng ta hôm nay là tìm lại danh tính cho các anh, không chỉ bằng khoa học, mà còn bằng cả lòng biết ơn và sự thành kính.”
Ông khẳng định, việc xây dựng ngân hàng gen ADN là bước tiến đột phá trong công tác đền ơn đáp nghĩa. Không chỉ là công cụ nhận diện minh bạch, khoa học, mà còn là cách để khép lại những năm tháng khắc khoải đợi chờ; có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với các liệt sĩ và gia đình, thân nhân liệt sĩ; thông qua đó, sẽ giúp nhận diện chính xác danh tính của liệt sĩ. Đây là điều rất quan trọng trong việc xác định các di hài liệt sĩ chưa được biết đến hoặc không có giấy tờ rõ ràng.
Trên khắp các làng quê, từ núi cao tới đồng bằng, từ xã, phường đến thôn bản xa xôi, hàng nghìn người dân đã chủ động tham gia lấy mẫu, không phân biệt tuổi tác hay sức khỏe.
Có mẹ già hơn 90 tuổi, tay run run nhưng vẫn cẩn trọng đưa tay cho y tá lấy máu. Có người con xa quê trở về kịp giờ để ký phiếu đồng thuận xét nghiệm. Mỗi giọt máu, lặng lẽ nhưng thiêng liêng như một lời vọng từ ký ức, một nhắn nhủ dịu dàng về nơi chiến trường xưa.

Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Nguyễn Doãn Anh xúc động khẳng định: việc xác định danh tính liệt sĩ không chỉ là trách nhiệm chính trị, mà còn là bổn phận thiêng liêng của những người đang sống đối với những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc. Ảnh: Quốc Hương
Tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa đã trực tiếp trao quà cho thân nhân các liệt sĩ vừa xác định được danh tính, một nghĩa cử trang trọng, đầy cảm xúc. UBND tỉnh đã tặng Bằng khen cho 10 tập thể, cá nhân; Giám đốc Công an tỉnh trao Giấy khen cho 10 tập thể, cá nhân khác có thành tích trong đợt cao điểm.
Nhưng có lẽ, phần thưởng lớn nhất chính là giây phút những ngôi mộ vô danh dần được khắc lại bằng tên thật, trả về trọn vẹn nhân phẩm và thân phận cho những người đã hy sinh.
Ngay sau hội nghị, các tổ công tác tiếp tục lên đường không nghỉ, không chậm. Họ vẫn âm thầm đến từng nhà, ghi chép từng dòng thông tin, nâng niu từng mẫu máu như thể đang nhặt lại từng mảnh ký ức rơi rụng của một thời bom đạn, để rồi từ đó, khôi phục lại bản đồ ký ức thiêng liêng của hàng vạn gia đình từng có người ra đi không trở lại.

Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa trao tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các tập thể, cá nhân. Ảnh: Quốc Hương
Thanh Hóa đang viết nên một chương sử mới, bằng máu, bằng tình, bằng lòng biết ơn sâu sắc. Đó không chỉ là hành trình của khoa học, mà là hành trình của nhân nghĩa một bản tuyên ngôn lặng thầm của đạo lý: Dù năm tháng có phai mờ, dù chiến tranh đã lùi xa, những người đã ngã xuống vì đất nước vẫn sẽ luôn được gọi về bằng đúng tên mình, với tất cả sự trân trọng và thiêng liêng.