Không để đứt gãy nền kinh tế

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý tập trung thực hiện mục tiêu kép, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội vừa giảm thiểu tác động của dịch, không để đứt gãy nền kinh tế như chủ trương lớn đã đề ra

Sáng 3-8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp thường kỳ tháng 7 của Chính phủ, thảo luận về việc thực hiện mục tiêu kép trong bối cảnh dịch Covid-19 bước sang giai đoạn 2.

Dồn mọi nguồn lực để dập dịch

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng cho biết sau 99 ngày không có ca nhiễm trong cộng đồng, trong tháng 7 đã xảy ra tình trạng một số địa phương có các ca dương tính với SARS-CoV-2, đặc biệt là TP Đà Nẵng, Quảng Nam; một số ca đã tử vong; một số huyện, một số điểm tại các địa phương phải thực hiện cách ly xã hội.

Trước tình hình trên, Thủ tướng tiếp tục nhấn mạnh tinh thần "chống dịch như chống giặc" trên cả nước. Ngay sau khi dịch tái xuất hiện, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19, đặc biệt là Thường trực Chính phủ đã có 3 phiên họp để chỉ đạo công tác chống dịch trên tinh thần thần tốc, cương quyết, dồn mọi nguồn lực để xử lý triệt để các ổ dịch. Chính phủ và ngành y tế đã kịp thời tăng cường lực lượng phòng chống dịch cho Đà Nẵng với hàng ngàn cán bộ y tế. Các ngành y tế, quân đội, công an đã có các biện pháp mạnh mẽ; chiến sĩ áo trắng tiếp tục đến các tuyến đầu chống dịch. Nhiều nơi đã có những biện pháp sáng tạo, đặc biệt là những trung tâm lớn của TP HCM và Hà Nội đều có biện pháp mạnh mẽ hơn, bao vây, dập dịch.

Đánh giá đợt dịch lần 2 này phức tạp, Thủ tướng kêu gọi mỗi gia đình, thôn bản, xóm làng phải là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng chống dịch. Các cấp ngành, chính quyền địa phương không được chủ quan, lơ là khi dịch quay trở lại, không được để dịch bùng phát trên quy mô lớn. Đặc biệt, thời gian đầu tháng 8-2020 sẽ mang tính quyết định có bùng phát dịch quy mô lớn hay không, do đó cần dồn mọi nguồn lực xử lý triệt để các ổ dịch.

"Chúng ta đã chỉ đạo khoanh vùng dập dịch quyết liệt nhưng không hoảng loạn, hạn chế giãn cách một cách tràn lan. Sắp tới, sẽ có chỉ thị mới về các biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Đồng thời xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là vi phạm Luật Biên giới, nạn đầu cơ, làm hàng giả, kinh doanh trái phép vật tư y tế" - Thủ tướng nêu rõ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7. Ảnh: QUANG HIẾU

Giữ ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát

Bên cạnh công tác phòng chống dịch quyết liệt, hiệu quả, Thủ tướng lưu ý tập trung thực hiện mục tiêu kép vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội vừa giảm thiểu tác động của dịch, không để đứt gãy nền kinh tế như chủ trương lớn đã đề ra.

Trên cơ sở đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành kết hợp đồng bộ, hiệu quả các chính sách, nhất là chính sách tài chính và tiền tệ để kích thích mạnh mẽ tổng cầu, tạo ngay động lực tăng trưởng. Đồng thời, giữ ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, góp phần ổn định xã hội. Thủ tướng đánh giá việc gia hạn, hoãn nợ, miễn giảm lãi suất thời gian vừa qua đã bước đầu phát huy hiệu quả, do vậy cần triển khai mạnh mẽ hơn nữa khi dịch đang quay trở lại.

Về việc này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục nghiên cứu, xem xét việc gia hạn thời gian thực hiện một số chính sách, giải pháp nhằm khắc phục hậu quả của đại dịch, bảo đảm sản xuất và an sinh xã hội. Trong đó, nghiên cứu các chính sách nhằm giảm lãi suất, hỗ trợ tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận các nguồn tín dụng.

Về đầu tư công, nếu giải ngân hết 630.000 tỉ đồng thì góp phần vào tăng trưởng GDP thêm 0,4%, cũng như tạo tiền đề thúc đẩy đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài, giải quyết việc làm. Thủ tướng yêu cầu phải giải ngân 100% vốn đầu tư công, kể cả vốn ODA. Lãnh đạo Chính phủ khẳng định sẽ xử lý nghiêm các tổ chức, cơ quan, cá nhân làm chậm, làm sai quy định trong giải ngân vốn đầu tư công.

Trong bối cảnh doanh nghiệp đang đối mặt với nhiều khó khăn do dịch bệnh, Thủ tướng nhấn mạnh việc cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là nhiệm vụ quan trọng để tạo thuận lợi, ít tốn kém chi phí hơn cho doanh nghiệp. Vì thế, môi trường kinh doanh phải thông thoáng hơn để thu hút các luồng vốn đầu tư dịch chuyển vào Việt Nam. Bên cạnh đó, các bộ ngành, địa phương phải có Tổ công tác đặc biệt để cùng Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng tập trung giải quyết các vướng mắc, thu hút các nguồn vốn đầu tư nước ngoài, nhất là từ các công ty đa quốc gia đang dịch chuyển trong khu vực và toàn cầu.

Phải đặc biệt quan tâm đến người lao động

Trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn về kinh tế - xã hội, Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ cần báo cáo cơ quan có thẩm quyền ban hành một số chính sách phù hợp với tình hình trong 5 tháng còn lại của năm 2020, nhất là về an sinh xã hội, lao động.

Thống kê cho biết trong quý II và 6 tháng đầu năm 2020, đã có 30,8 triệu người bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, trong đó 2,4 triệu người lao động mất việc; tỉ lệ thất nghiệp trên cả nước tăng 2,73%, khu vực thành thị tăng 4,46%. Dự báo khoảng 17 triệu người giảm thu nhập do dịch bệnh. Thủ tướng yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phải đặc biệt quan tâm đến việc giải quyết khó khăn do dịch bệnh cho doanh nghiệp, người lao động; phải có giải pháp mạnh hơn, chính sách mới hơn để hỗ trợ.

Minh Chiến

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/khong-de-dut-gay-nen-kinh-te-20200803223826717.htm