Khởi nghiệp ở quê hương
Bên cạnh những quyết định 'ly hương, ly nông' rời bỏ ruộng vườn ra thành thị, nhiều năm qua, có một dòng chảy âm thầm nhưng đang dần trở thành lựa chọn mới trong việc lập thân, lập nghiệp của người trẻ: Về quê khởi nghiệp với nghề nông. Trăn trở với nguồn tài nguyên bản địa, khao khát làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, cùng vốn kiến thức và tư duy đổi mới… các startup trẻ này đang hoàn thiện thêm những mảnh ghép của quá trình hiện đại hóa, chuyển đổi số ngành nông nghiệp. Hay nói cách khác, họ đang cùng khởi động cho việc kết nối một hệ sinh thái khởi nghiệp hiện đại của tương lai.
Khởi nghiệp ở quê hương
THÁI LINH, DƯƠNG TRIỀU, HỒNG SƠN
Thứ Hai, 24-05-2021, 12:28
Bên cạnh những quyết định “ly hương, ly nông” rời bỏ ruộng vườn ra thành thị, nhiều năm qua, có một dòng chảy âm thầm nhưng đang dần trở thành lựa chọn mới trong việc lập thân, lập nghiệp của người trẻ: Về quê khởi nghiệp với nghề nông. Trăn trở với nguồn tài nguyên bản địa, khao khát làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, cùng vốn kiến thức và tư duy đổi mới… các startup trẻ này đang hoàn thiện thêm những mảnh ghép của quá trình hiện đại hóa, chuyển đổi số ngành nông nghiệp. Hay nói cách khác, họ đang cùng khởi động cho việc kết nối một hệ sinh thái khởi nghiệp hiện đại của tương lai.
Kỳ 1: Từ những lựa chọn ngược dòng
Nhìn vào mô hình khởi nghiệp nông nghiệp của nhiều người trẻ có thể nhận thấy bên cạnh giá trị về mặt kinh tế, quá trình thương mại hóa các sản vật địa phương còn mang ý nghĩa lớn trong việc gìn giữ, phát huy nguồn tài nguyên bản địa. Đặc biệt, cách tiếp cận với nông nghiệp của các startup này còn đang góp phần thay đổi cách nghĩ, cách làm, thậm chí là phương thức canh tác của cả một vùng nông nghiệp.
Thương hiệu từ làng
Cũng như phần lớn thanh niên tỉnh lẻ, sau khi tốt nghiệp đại học, Lê Ngọc Thảo (Gò Công, Tiền Giang) quyết định ở lại TP Hồ Chí Minh lập nghiệp. Làm du lịch, có cơ hội đi nhiều nơi, cuộc sống của cô gái trẻ này có lẽ đã khác nếu cơn bão Covid-19 không xảy đến. Ngành du lịch lao đao, Thảo mất việc trở về quê… Khoảng lặng này đã giúp cô có thời gian nhìn nhận lại giá trị của món ăn dân dã quê nhà từng được mang đi tiến vua: Mắm tôm chà Gò Công.
“Cùng là món ăn lên men tự nhiên có lợi cho sức khỏe, Pháp có pho mát, Nhật Bản có miso, Hàn Quốc có kim chi… tại sao Việt Nam lại không thể có mắm?” - Thảo chia sẻ lý do thành lập cơ sở Khổng Tước Nguyên (tên chữ của Gò Công xưa) để nâng món ăn mang đậm hồn cốt quê hương lên thành một sản phẩm đạt tiêu chuẩn vươn ra thế giới. Và đây cũng là cách để cô lưu giữ lại bản sắc văn hóa ẩm thực của quê hương đang có nguy cơ mai một dần.
Đến nay, cơ sở sản xuất thực phẩm lên men tự nhiên Khổng Tước Nguyên của Thảo đã cho ra đời khoảng 10 sản phẩm như mắm tôm chà, mắm tôm chua đu đủ, mắm tôm chua, mắm tép riu, mắm tép chua, mắm ruốc, mắm cá phèn, mắm cá phèn dưa ghém, mắm cá cơm… dần chinh phục thị trường trong nước. Đặc biệt, thông qua các kênh thương mại điện tử, một số sản phẩm mắm đã được xuất khẩu sang Mỹ, Canada…
Đằng sau quyết định trở về của mỗi người trẻ đều có một câu chuyện riêng tư. Với Bùi Thị Duyên cũng vậy, khi đứng trước biến cố của cuộc sống, làm mẹ đơn thân, cô đã quyết định về quê ở thôn 2 An Định, xã Thụy Văn, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình để tìm một cuộc sống “chậm”, an lành hơn. Sau bao năm đi xa trở về, nhìn mảnh vườn thân thương sau nhà, cô bắt đầu tự trồng rau, thảo dược đáp ứng nhu cầu của gia đình. Đăng lên facebook, cô nhận thấy hóa ra đang có rất nhiều người cần nguồn thảo mộc tự nhiên, không hóa chất… và rồi dần phát triển thành sản phẩm thương mại đầu tiên: “Lá thơm xông tắm mẹ & bé”.
Mong muốn làm nông nghiệp sạch, Duyên xin thuê lại mảnh đất Gồ Trại từ lâu đã bị bỏ hoang của xã để canh tác thử nghiệm các loại thảo mộc hữu cơ như là bạc hà, tía tô, diếp cá, cần tây... Đến nay, mô hình nông dược (nông sản và dược liệu kết hợp) không hóa chất Got-a-farm do Duyên sáng lập đã chứng minh được tính khả thi ban đầu, hiệu quả cao vì đi theo quy trình khép kín từ trồng trọt, chế biến cho đến thương mại. Trung bình doanh thu mỗi năm của dự án khoảng 1 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho 10 lao động địa phương, tất cả đều là phụ nữ. Từ hiệu ứng lan tỏa đó, nhiều hộ gia đình ở Thái Thụy và các huyện lân cận đã tin tưởng làm theo phương pháp canh tác định hướng hữu cơ để cung cấp cho gia đình và kiếm thêm thu nhập.
Làm nông nghiệp theo cách đột phá
Sinh ra và lớn lên bên những thửa rau, mảnh ruộng của cha mẹ, gắn bó với đất quê hương, trong quyết định về quê lập nghiệp với nghề nông của nhiều người trẻ có những khao khát đã được truyền qua nhiều thế hệ. Hành trình đưa nông nghiệp công nghệ cao (CNC) đến gần hơn với người nông dân của Lê Thị Vân (Thọ Xuân, Thanh Hóa) là một câu chuyện như thế! Cô chia sẻ, ngay từ nhỏ, khi chứng kiến nỗi vất vả một nắng hai sương của cha mẹ cùng bà con chòm xóm, trong lòng đã luôn tự đặt ra câu hỏi làm thế nào để gia tăng giá trị kinh tế trên mỗi diện tích đất trồng? Hơn 10 năm làm việc tại Netafim - một trong những tập đoàn hàng đầu về nông nghiệp CNC của Israel, Vân đã tìm được lời giải cho băn khoăn bấy lâu qua kiến thức mới về nông học, nhà kính, nhà lưới, hệ thống tưới tự động… Tuy nhiên, các giải pháp nhập khẩu này lại có giá thành quá cao, khó ứng dụng rộng rãi. Trăn trở nghiên cứu tìm cách thay thế vật liệu, đồng thời cải tiến cách thi công, Vân đã Việt hóa được phiên bản nhà màng, nhà lưới phù hợp hơn với khí hậu và đặc biệt là “túi tiền” người nông dân.
Năm 2019, cô gái xứ Thanh này quyết định nghỉ việc, thành lập Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Nông nghiệp Công nghệ cao Rich Farm tại quê hương. “Vươn lên từ đất, nếu chịu thay đổi, người nông dân hoàn toàn có thể làm giàu được từ đất. Cùng trên một diện tích, khi ứng dụng CNC, chuyển đổi cơ cấu cây trồng thì thu nhập của người nông dân có thể tăng từ 8 - 15 lần so trồng lúa”, Vân chia sẻ.
Nhiều năm làm việc trong ngành nông nghiệp, gắn bó với người nông dân, chàng kỹ sư Lâm Trọng Nghĩa (sống ở Tràm Chim, Tam Nông, Đồng Tháp) nhận thấy bất cập khi hiện nay chỉ còn khâu phun thuốc bảo vệ thực vật phải thực hiện bằng phương pháp thủ công. Vấn đề này không những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người lao động mà còn làm tăng giá thành sản xuất. Bởi vậy, sau khi hoàn thành chương trình thạc sĩ của Trường đại học Fulbright Việt Nam, Nghĩa quyết định tiếp tục quay về quê nghiên cứu tìm cách khắc phục.
Nhận thấy máy bay không người lái (drone) chính là giải pháp tối ưu nhất nên tháng 5-2019, Nghĩa đã đầu tư chiếc đầu tiên để bắt đầu cung cấp dịch vụ phun thuốc bằng máy bay tại địa phương. Nhờ công suất cao, hiệu quả trị bệnh tối ưu, giảm được 20% thuốc và 90% lượng nước sử dụng, sự xuất hiện của drone đã làm thay đổi cách canh tác, phun thuốc của người nông dân. Sau hai năm phát triển, đến nay, đội bay 15 chiếc drone của Công ty cổ phần Nông nghiệp chính xác MAPA do Nghĩa làm cố vấn đã và đang phục vụ cho khoảng 300 khách hàng ở huyện Tam Nông cùng một số địa phương khác.
Tiếp tục ước mơ số hóa những cánh đồng, Nghĩa đang tiến hành thử nghiệm phần mềm nhật ký điện tử về quá trình chăm sóc cây lúa. Đặc biệt tới đây, Nghĩa sẽ chuyển sang dùng máy bay “make in Viet Nam” của một công ty khởi nghiệp trong nước. “Mình tin người Việt hoàn toàn có thể cùng nhau làm chủ quá trình số hóa ngành nông nghiệp, giúp người nông dân minh bạch sản xuất, làm tiền đề liên kết tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm trong tương lai”, Nghĩa tâm niệm.
Lựa chọn không cô đơn
Những dự án khởi nghiệp trên chỉ là vài nét phác họa cho thấy sự khác biệt trong cách nghĩ, cách làm của những người trẻ khi quyết định trở về gắn bó với nghề nông. Đặc biệt, suốt nhiều năm qua, được sự đồng hành của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (TNCS Hồ Chí Minh), ngày càng có nhiều thanh niên, đặc biệt là thanh niên nông thôn mạnh dạn khởi nghiệp. Theo báo cáo của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, từ năm 2011 cho đến nay, sau khi phát động phong trào “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới”, các cấp bộ Đoàn đã phát triển gần 900 hợp tác xã, gần 2.100 tổ hợp tác thanh niên, khoảng 17 nghìn câu lạc bộ thanh niên làm kinh tế. Đồng thời, tổ chức gần 27 nghìn hoạt động chuyển giao khoa học kỹ thuật; hỗ trợ, tư vấn thành lập doanh nghiệp cho hơn 12 nghìn đơn vị; quản lý qua hoạt động ủy thác gần 2.000 tỷ đồng từ Quỹ Quốc gia hỗ trợ việc làm... Đặc biệt, suốt 15 năm qua, thông qua giải thưởng thường niên Lương Định Của, 1.961 tấm gương thanh niên nông thôn có tinh thần đổi mới, tạo nhiều đóng góp thiết thực cho quá trình hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn đã được vinh danh.
Từng nhiều năm rong ruổi khắp mọi miền của Tổ quốc để xây dựng hệ sinh thái khích lệ thanh niên nông thôn mạnh dạn về quê khởi nghiệp, chị Nguyễn Thị Thu Vân, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trưởng ban Thanh niên nông thôn cho biết: Có thể cách đây hơn 10 năm, câu chuyện về quê khởi nghiệp được coi là một lựa chọn ngược dòng thì giờ đã trở thành lựa chọn quen thuộc, thậm chí theo tôi đó còn là lựa chọn hết sức thông minh của những người trẻ do nắm bắt đúng xu hướng tiêu dùng cao cấp, coi trọng các sản phẩm nông nghiệp sạch, rõ nguồn gốc, xuất xứ. Nhờ tư duy đổi mới, sáng tạo, cách người trẻ tiếp cận với nông nghiệp đang góp phần thay đổi cách thức canh tác, sản xuất ở nhiều vùng quê. Đặc biệt, thông qua hiệu quả của các mô hình, nhiều bạn trẻ hiện nay đã chọn học chuyên sâu về nông nghiệp, xác định ngay từ đầu sẽ ở lại gắn bó, làm giàu từ mảnh đất quê hương.
(Còn nữa)
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/baothoinay-xahoi-phongsu/khoi-nghiep-o-que-huong-647561/