Khơi dòng Thiên Đức

Chúng ta hình như đã sai đường lạc lối ở đâu, khi đổi lấy sự phát triển hào nhoáng nào đó, bằng cách bức tử các dòng sông?

Báo VietNamNet tổ chức cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” để quý độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện đẹp, những ký ức về sông, phản ánh những vấn đề về phát triển kinh tế, văn hóa bên những dòng sông và thể hiện những mong muốn, dự định, ý tưởng thúc đẩy sự phát triển bền vững trên các dòng sông và cho cộng đồng.

Cuộc thi diễn ra từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.

Xin trân trọng giới thiệu bài viết Khơi dòng Thiên Đức của tác giả Trần Vi Anh.

Quê tôi cạnh con sông Đuống. Sông này còn có tên chữ là sông Thiên Đức. Nó bắt nguồn từ cửa Đức Giang, tiếp nước của sông Hồng chảy xuống Lục Đầu Giang, đổ nước vào sông Thái Bình là hết. Nó có chiều dài khá khiêm tốn, chỉ đâu khoảng 70 km, chảy qua các huyện quận của Hà Nội và Bắc Ninh. Nhưng vì nó là một nhánh của sông Hồng, nên dòng nước năm xưa mỗi khi lũ về cũng đỏ ngầu phù sa, cuồn cuộn chảy, mênh mang không khác gì sông Cái - dòng sông mẹ.

Mùa hè năm 1976, tôi 15 tuổi, đang học lớp 9 (của hệ phổ thông 10 năm xưa). Một hôm nước sông đang lên, mẹ bảo tôi xuống cánh bãi bên đồng Đìa, cắt nốt mấy rạch đay rồi chiều mẹ về đem xe cải tiến xuống chở. Tôi cầm liềm đi cắt đay rồi buộc chúng lại thành những bó vừa vác. Vừa cắt xong, thì nghe tiếng la hét ầm ầm: “Nước lũ vào bãi rồi!”

Chỉ trong vòng nửa tiếng, từ khi nước tràn lên bãi, tôi mới vác hết những bó đay lên bờ vùng, cả cánh bãi rộng đã thành một biển nước mênh mông. Biết không thể dùng xe cải tiến để chở đay về, nên tôi kết những bó đay lại thành bè. Rồi vừa bơi trên nước lũ, vừa kéo bè đay về làng cách đó độ hơn cây số. Nước ngày càng lên cao, ngập kín cả bờ vùng bờ thửa, đến quá trưa tôi cũng kéo được bè về ven đê làng. Đói. Mệt. Rét run dù đang trưa nắng mùa hè.

Tôi ngồi bệt, chống hai tay về phía sau trên mặt đê, hơi ngả người ra nhìn ngắm dòng nước. Dòng nước lũ không xa lạ gì với tôi, năm nào cũng tràn về ngập hết bãi bờ hai bên sông Đuống. Dòng nước cuồn cuộn đổ về, cánh bãi mênh mông hai bên bờ sông đã biến thành một con sông rộng hàng mấy cây số từ bờ đê bên nọ sang bờ đê bên kia. Nước ngầu đỏ, sủi bọt, phăng phăng cuộn về phía biển. Cuốn theo nó là cơ man củi mục rác rến và cả những cây to nguyên gốc. Thỉnh thoảng xác một con trâu, bò, lợn… chạy lũ không kịp, chết đuối nổi phềnh trôi theo dòng nước. Trưa nắng và cái bụng gào réo khiến tôi không thể ngồi thêm được nữa. Tôi rùng mình ớn lạnh, liêu xiêu đi bộ trên mặt đê về nhà…

Nhưng tôi biết, chỉ mươi hôm cùng lắm là nửa tháng, nước lũ lại rút khỏi cánh bãi. Chỉ cần từng ấy thời gian, tưởng như là một trận hủy diệt mọi sự sống trùm lên dải đất ven sông kia, cơ mà trái lại. Nước rút đi, để lại một lớp phù sa nâu non màu mỡ màng tráng trên ruộng bãi thật tinh khôi đẹp đẽ. Khi gió heo may đầu thu về, đất se khô. Dân làng tôi sang cày cuốc. Những tảng phù sa nục nạc trông ngon lành như miếng gan lợn thái vát bày trên đĩa lòng bữa cỗ quê. Rồi để hong khô, đập vụn, lên luống trồng ngô, đỗ, khoai, rau các thức. Đất mát vừa được phù sa tưới tắm, sâu bọ bị diệt, cây lên như rừng. Những cây ngô cao to gấp đôi cây trồng trong đồng, cho ra ba, bốn bắp. Những luống khoai tây xanh đen vươn ngọn dài ra như thổi, ba tháng sau dỡ lên là những củ khoai vàng ươm, to căng mọng đến ngỡ ngàng. Những khóm chuối cho những buồng dài buông sát đất và những quả to chín ngọt lừ, đứa trẻ lên ba ăn một trái đã no… Dòng nước phù sa sông Đuống tưởng như có lúc rất hung dữ phá phách, lại âm thầm đền bù cho con người những mùa quả lành trái ngọt.

Sông Đuống. Ảnh: Trần Vi Anh

Sông Đuống. Ảnh: Trần Vi Anh

Sau này lớn lên, tôi có điều kiện đọc kỹ lại sử Việt mới biết xưa kia sông có tên là Bắc Giang. Đến khi Đức ông Lý Công Uẩn người làng Đình Bảng bên tả sông, lên ngôi vua sáng lập triều Lý, ngài mới đặt lại tên cho sông là Thiên Đức - cái đức của trời! Nhưng cái tên dân gian, tên thường gọi sông Đuống, chắc đã có từ lâu. Và sẽ còn tồn tại mãi với thời gian. Thi sĩ Hoàng Cầm, người làng Hồ bên bờ hữu, đã viết một bài thơ bất hủ: “Bên kia sông Đuống”, với những câu thơ đẹp đến nao lòng:

“Sông Đuống trôi đi

Một dòng lấp lánh

Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ

Xanh xanh bãi mía bờ dâu

Ngô khoai biêng biếc…”

Nhưng bây giờ không còn những mùa lũ trên sông nữa.

Tôi về quê, ra sông. Vào mùa nước lũ mà con nước cũng không lên nổi bờ vở, nó cứ thoi thóp thấp thỏm mãi dưới lòng sông. Con sông đã bị mất quá nhiều nước cho muôn vàn những đập thủy điện phía thượng lưu. Biết làm sao được, khi một quy luật tất yếu trong đời là sự gì cũng phải trả một cái giá nào đó. Sự phát triển công nghiệp, đời sống sinh hoạt của nước nhà, cần phải có điện. Thế là thủy điện phát triển, là ngăn sông tích nước. Và dòng sông cạn nước. Biết thế mà vẫn đau lòng xiết bao. Nhẽ nào dòng sông Đuống huyền thoại, và cả bao nhiêu dòng sông khác trên khắp dải đất Việt Nam, trên cả trái đất này sẽ dần cạn dòng khô khát rồi chết hẳn sao? Có cách gì để cứu những dòng sông đó không?

Khi nước sông vốn là nguồn sữa mẹ nuôi dưỡng đất đai châu thổ. Đất đai châu thổ là nơi sản xuất lương thực nuôi sống mọi người dân. Không được tưới tắm đầy đủ từ các dòng sông mẹ, đất đai sẽ khô cằn hoang mạc hóa rồi chết đi, lấy gì để nuôi sống con người đây? Lúc bấy giờ hỏi những phương tiện máy móc hiện đại, những hào nhoáng lung linh để làm gì nữa, khi cái căn bản để nuôi sống loài người bị mất! Có dân tộc, quốc gia nào tồn tại được không khi không có lương thực thực phẩm? Có cá nhân nào sống mà không cần ăn uống, chỉ hưởng thụ những cái gọi là “tiện ích văn minh”?

Đã nhiều lần tôi đi trên cánh bãi, trên bờ sông mà tự vấn mình, để tìm câu trả lời.

Thậm chí, tôi đã dành thời gian đi từ đầu nguồn sông Đuống là cửa Đức Giang, chỗ pháo đài Xuân Canh xuôi xuống tận điểm cuối dòng sông, bãi Nguyệt Bàn nơi xưa đã tổ chức Hội nghị Bình Than lịch sử. Dòng sông vẫn yên lặng chảy trong cái ồn ào sôi động của cuộc sống đang phát triển hôm nay. Dòng sông không còn dồi dào nước như xưa, nhưng vẫn còn đó những giá trị nếu chúng ta biết khai thác thích hợp. Ruộng đồng bờ bãi hai bên sông vẫn tốt tươi hoa trái bốn mùa, sẽ cho giá trị cao nếu chúng ta biết trồng cấy đúng cây đúng vụ. Và đặc biệt là những ngôi làng hai bên bờ của con sông vốn nằm trọn trong miền văn hóa Kinh Bắc xưa.

Những ngôi làng mang trong mình đầy những huyền tích, giai thoại và những di tích lịch sử dựng nước giữ nước của cha ông. Đây chính là những ngôi làng đang giữ trong hồn cốt của nó nền tảng văn hóa làng xã nước Việt. Văn hóa nước Việt căn bản là văn hóa làng xã. Mà một nước muốn tồn tại trong thế giới cạnh tranh khốc liệt này, phải có nền văn hóa riêng biệt. Bởi thế giữ gìn làng xã, hồn cốt của quê hương đất Việt có ý nghĩa cực kỳ lớn lao. Nó phải là việc của mọi tầng lớp, mọi người dân trong xã hội.

Nên tôi mơ ước, đến một lúc nào đó sẽ có một dự án đồng bộ, đủ lớn lao đánh thức dòng sông huyền thoại quê tôi, sông Đuống - sông Thiên Đức. Tôi tin rằng bằng trí tuệ của thời đại mới, kỹ thuật hậu công nghiệp, chúng ta sẽ làm được. Chỉ cần có tâm vì đất nước, vì việc chung mà thôi. Sẽ khơi sông, thông dòng chảy như xưa Đức ông Lý Công Uẩn đã từng làm. Sẽ phát triển hạ tầng đồng bộ hai bờ sông, sẽ phát triển nông nghiệp thông minh, chất lượng cao hai cánh bãi. Sẽ tổ chức tour du lịch văn hóa lịch sử kéo từ cửa Đức Giang - pháo đài Xuân Canh đến Lục Đầu Giang với bãi Nguyệt Bàn huyền thoại. Sẽ xây dựng hai bên bờ những resort theo mô hình như những làng quê Kinh Bắc - Bắc Bộ xưa, để du khách nghỉ ngơi sau những chuyến thăm thú di tích lịch sử dày đặc hai bên bờ: làng Lại Đà, sông Ngũ Huyện Khê, Cổ Loa, Cầu Đuống, Phù Đổng, Đình Bảng, Tiêu Sơn, đồi Lim, Chùa Bút Tháp, Chùa Dâu, núi Phật Tích, núi Dạm, núi Thiên Thai, bến Bình Than… Những tên đất tên làng mang đầy huyền thoại. Rồi du khách sẽ được thưởng thức đặc sản miền quê cùng những điệu ca truyền thống quê hương: quan họ, trống quân, chèo, hát văn. Sẽ tái hiện không khí hội hè đình đám mùa xuân Kinh Bắc thâu đêm suốt sáng, thật vui vẻ xiết bao.

Phát triển nông nghiệp thông minh, chất lượng cao, bảo vệ môi trường. Tổ chức du lịch trên sông định hướng văn hóa lịch sử sinh thái. Đó có lẽ là chìa khóa khai mở để làm nên “Huyền thoại sông Đuống”!

Làm như thế, chúng ta sẽ bảo vệ được dòng sông, bảo tồn được những di sản văn hóa quý báu của cha ông. Và cùng với việc bảo vệ môi trường trong lành cho con cháu làm kế sinh nhai bền vững muôn đời, chúng ta sẽ tạo ra được một vùng quê giàu đẹp, thấm đẫm văn hóa dân tộc.

Để kết bài này, xin hãy cùng đọc lại câu thơ mơ ước của cố thi sĩ Hoàng Cầm:

“Bao giờ về bên kia sông Đuống

Anh lại tìm em

Em mặc yếm thắm

Em thắt lụa hồng

Em đi trẩy hội non sông

Cười mê ánh sáng muôn lòng xuân xanh.”

Sông Đuống, 4/2024

Trần Vi Anh

Tổng giá trị giải thưởng lên đến 200 triệu đồng

Cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” do Báo VietNamNet tổ chức, bắt đầu từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.

Ban tổ chức khuyến khích các tác giả dự thi thể hiện tác phẩm dưới hình thức đa phương tiện, trong đó, video clip có độ dài từ 1 đến 3 phút, ngôn ngữ lời bình bằng tiếng Việt, ảnh có số lượng dưới 12 bức kèm chú thích; khuyến khích các tác phẩm dự thi có hơi thở báo chí đời sống, có câu chuyện nhân vật, phản ánh những vấn đề của người dân đang sinh sống tại các dòng sông, có tác động và có ảnh hưởng tới sự phát triển của những dòng sông.

Cơ cấu giải thưởng: 01 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng; 01 giải Nhì trị giá 30 triệu đồng; 02 giải Ba mỗi giải trị giá 10 triệu đồng. Ngoài ra, còn có các giải thưởng phụ do đơn vị tài trợ trao tặng.

Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí ăn, ở, đi lại cho các tác giả đạt giải Nhất, Nhì đang sinh sống ở Việt Nam đến TP. HCM nhận giải. Trong trường hợp nhóm tác giả đạt giải, Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí cho 01 người đại diện nhóm đến TP.HCM nhận giải.

Để biết thêm thông tin chi tiết về thể lệ cuộc thi, xin vui lòng truy cập địa chỉ sau: https://vietnamnet.vn/bao-vietnamnet-to-chuc-cuoc-thi-chuyen-cua-nhung-dong-song-2255386.html

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/khoi-dong-thien-duc-2284275.html