Khơi dậy 'sức mạnh mềm' cho một đô thị giàu bản sắc

Truyền thuyết còn lưu lại rằng, trấn thành xưa - TP Thanh Hóa ngày nay, tọa lạc trên lưng chim hạc. Để rồi, cái 'mỹ danh' Hạc Thành đã gắn liền với thành phố như một cách để khẳng định truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời và rực rỡ của vùng đất cổ này.

Quảng trường Hàm Rồng.

Từ xa xưa, hình ảnh chim hạc trong quan niệm của người Việt gắn với “tính thiêng”, hay trở thành một biểu tượng có thể ví như thứ “ngôn ngữ thành hình của tâm linh”. Đó là biểu tượng dạt dào sức gợi, bởi cái giá trị được biểu đạt phía sau biểu tượng ấy đã “giải mã” ra “kiểu lựa chọn” của cha ông về một cuộc sống luôn hướng đến sự cao quý, linh thiêng và khát vọng về sự vững bền, trường tồn. Và, nếu biểu tượng cánh chim từ thời cổ đã xuất hiện trên mặt trống đồng hàm chứa vô vàn giá trị văn hóa; thì khát vọng của con người ẩn giấu phía sau cái biểu đạt lại chứa đựng mọi giá trị nhân văn nhất. Đặc biệt, từ khởi nguồn của thành phố chim hạc, sẽ cho hậu thế những khám phá thú vị về kiến trúc hình lục giác của Thành Hạc; hay những dấu tích, những câu chuyện về thành Tư Phố xưa; rồi truyền thống khai phá đất đai, dựng xây làng xã, phường hội; hay vẻ đẹp của vùng đất học, đất của những văn nhân, tài tử nức tiếng một thời này...

Thành Hạc xưa và TP Thanh Hóa ngày nay nằm cạnh sông Mã - dòng sông lớn nhất và đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với xứ Thanh. Chính vì vậy, thành phố là nơi lắng tụ đa tầng văn hóa - lịch sử, đặc biệt là văn hóa Đông Sơn (700 TCN-100) vùng hạ nguồn sông Mã. Cũng bởi nằm cạnh dòng chảy sông Mã dưới hạ nguồn, nên thành phố chim Hạc đã hình thành nên những lý lẽ sống rất riêng, vừa huyễn hoặc như cổ tích, song cũng rất đỗi chân thực. Không gian khoáng đạt và sự dịu dàng của dòng nước mang đến cho thành phố 2 “sắc màu” đối lập: vừa sống động vừa trầm mặc, vừa hiện đại vừa cổ kính giữa đôi bờ của hiện tại và quá khứ.

Đó là bóng dáng thành phố trẻ hiển hiện trên những công trình kiến trúc hiện đại, điểm tô cho diện mạo mới, sức sống mới năng động. Để “trái tim thành phố” luôn đập những nhịp phấn chấn và mạnh mẽ cùng những vận hội phát triển mới của xứ Thanh. Song, ở một góc khác, xa khỏi mọi sự hối hả là những “khoảng lặng”, nơi thời gian lắng đọng dưới những trầm tích văn hóa. Đó là vẻ yên ả nơi làng cổ Đông Sơn; hoặc “đượm màu” thiền tịnh của Thiền viện Trúc Lâm, hay dưới những đình đài, miếu mạo, chùa chiền. Rồi những dấu ấn của văn hóa truyền thống thuần Việt hiện hữu trên các di sản văn hóa phi vật thể, trong nếp sống, nếp sinh hoạt, trong cách ứng xử với môi trường tự nhiên và xã hội của con người... tất cả đã và đang làm nên diện mạo giàu bản sắc cho vùng đất và con người nơi đây.

Bởi lịch sử lâu đời nên vùng đất chứa đựng nhiều tầng văn hóa từ thời các Vua Hùng dựng nước cho đến hôm nay. Đặc biệt, những di tích, di chỉ đồ đồng tìm thấy ở làng Đông Sơn đã khẳng định về sự tồn tại của một trong những nền văn hóa phát triển rực rỡ bậc nhất: Văn hóa Đông Sơn. Cùng với đó, nhiều di tích lịch sử văn hóa và các di chỉ khảo cổ núi Đọ, Dương Xá (thành Tư Phố), Vồm (Bàn A)...; cùng 85 di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh (19 di tích quốc gia và 66 di tích cấp tỉnh) và hệ thống danh thắng nổi bật với cầu Hàm Rồng, động Long Quan, núi Mật Sơn, Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng... là minh chứng sống động về bề dày văn hóa của vùng đất này. Chưa hết, dưới triều Nguyễn, địa bàn thành phố được chọn lập đàn Xã Tắc (ở Thọ Hạc, năm 1821), đàn Tiên Nông (ở thôn Tạnh Xá, năm 1834), đàn Sơn Xuyên (phía Tây Nam, năm 1825), miếu Thành Hoàng (ở thôn Phú Cốc, năm 1841). Ngoài ra, làng Bố Vệ có thái miếu thờ các vị vua, hoàng hậu và công thần triều Hậu Lê; phường Đông Vệ có chùa Đại Bi (chùa Mật Sơn) thờ Vua Lê Thần tông và 6 vị hoàng hậu...

Vùng đất này từ buổi ban đầu do cư dân bản địa khai phá, giữ gìn và phát triển cho đến khi được chọn để xây dựng nên Trấn Thành (năm 1804), cư dân khắp nơi dần tụ họp về. Phần đa trong số họ là những người có học, có nghề, tính cương trực, cởi mở, giàu lòng nhân ái, yêu nước, hy sinh vì nghĩa lớn. Để rồi, thành phố cũng trở thành cái nôi sinh thành và nuôi dưỡng của lớp lớp người yêu nước, cách mạng. Cũng bởi truyền thống yêu nước được hun đúc và thấm sâu vào biết mấy thế hệ người, nên khi ngọn lửa đấu tranh giành nền độc lập cho dân tộc, giành quyền sống của con người lan rộng, đã thôi thúc con người nơi đây đứng dậy đấu tranh.

Lịch sử đã ghi lại vô số minh chứng về lòng yêu nước, tinh thần quả cảm của người dân nơi đây. Trong đó phải kể đến sự kiện, khi Vua Quang Trung tiến quân ra Bắc tiêu diệt quân Mãn Thanh xâm lược (năm 1788) đã chọn Thọ Hạc là nơi đặt đại bản doanh, tuyển mộ thêm quân và làm lễ thệ sư: Vua tôi đồng lòng đánh một trận khiếp đảm, kinh hồn để bè lũ phương Bắc biết đất Nam có chủ. Hay cuối thế kỷ XIX, Tả dực đô thống Trần Xuân Soạn (quê làng Thọ Hạc) được Điện tiền Thượng tướng quân Tôn Thất Thuyết giao chỉ đạo phong trào Cần Vương chống Pháp (thời kỳ 1885-1895). Ông đã xây dựng làng Thọ Hạc trở thành căn cứ hậu cần của nghĩa quân Cần Vương... Đặc biệt, trong thời đại Hồ Chí Minh, địa danh Hàm Rồng đã chứng kiến những thời khắc lịch sử đau thương nhưng vô cùng quật cường, anh dũng của quân và dân xứ Thanh. Và cầu Hàm Rồng- cây cầu đẹp nhất - đã trở thành biểu tượng của tinh thần quyết chiến và quyết thắng kẻ thù xâm lược.

Thành phố trẻ bên bờ sông Mã đang căng tràn sức sống. Và sâu trong lòng nó, có một “sức mạnh mềm” của truyền thống lịch sử, cách mạng hào hùng và bề dày văn hóa giàu giá trị, đang và sẽ trở thành nền tảng tinh thần, thành nguồn lực nội sinh mạnh mẽ, thôi thúc thành phố bước nhanh, bước mạnh sang một chương mới, với niềm tin và kỳ vọng về sự phát triển thịnh vượng và giàu bản sắc.

Bài và ảnh: Hoàng Xuân

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/khoi-day-suc-manh-mem-cho-mot-do-thi-giau-ban-sac/183548.htm