Khoảng 2,6 tỷ người trên thế giới chưa có điều kiện tiếp cận Internet

Những lợi ích của công nghệ tiên tiến vẫn nằm ngoài tầm với của khoảng 2,6 tỷ người trên toàn cầu, những người vẫn đang chờ được kết nối Internet, Tổng Thư ký Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) Doreen Bogdan-Martin cho biết; đồng thời vạch ra các kế hoạch của cơ quan này nhằm thu hẹp khoảng cách.

Người dân kết nối Internet thông qua điện thoại di động ở Cuba. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Bà Doreen Bogdan-Martin nhấn mạnh, báo cáo trên phạm vi rộng của ITU đã chỉ ra vai trò then chốt của tổ chức này trong việc thúc đẩy sự kết nối trên toàn cầu. Được biết, ITU hiện đang bảo vệ 2 mục tiêu quan trọng nhất là: kết nối toàn cầu và chuyển đổi kỹ thuật số bền vững.

Bà Doreen Bogdan-Martin cũng lưu ý khoảng cách rõ ràng về kỹ thuật số ảnh hưởng đến phụ nữ và các cộng đồng bị thiệt thòi. Phụ nữ vẫn chiếm một tỷ lệ không cân xứng trong số những người ngoại tuyến, nhiều hơn nam giới khoảng 20%. Đáng chú ý, ở các quốc gia kém phát triển nhất, chỉ có 30% phụ nữ có khả năng truy cập Internet.

“Tôi đã chứng kiến những phụ nữ không đủ điều kiện để mua điện thoại thông minh, phụ nữ ở những quốc gia mà điện thoại di động tầm trung có thể vượt quá 70% thu nhập hàng tháng của một hộ gia đình trung bình”, Tổng Thư ký ITU nói thêm.

Đối với công nghệ trí tuệ nhân tạo tạo sinh (AI tạo sinh), một lĩnh vực mà ITU giữ vai trò dẫn đầu trong số các cơ quan của Liên Hiệp Quốc (LHQ), Tổng Thư ký ITU nhấn mạnh những ưu và nhược điểm rõ ràng của công nghệ này.

Bên cạnh tiềm năng của AI trong việc giảm thiểu lượng khí thải nhà kính ở mức 10% và thúc đẩy tiến bộ trên khắp 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững của LHQ, bà Doreen Bogdan-Martin cũng cảnh báo trước mối đe dọa mà AI đặt ra, bao gồm các cuộc tấn công mạng và sự xói mòn niềm tin do thông tin sai lệch gây ra.

Giữa các thách thức, bà Bogdan-Martin bày tỏ sự lạc quan, khi trích dẫn các cam kết gần đây của khu vực tư nhân và các tổ chức đa phương với tổng trị giá 46 tỷ USD hướng tới khả năng kết nối mạng có thể tiếp cận được, và đi đến đạt được mục tiêu 100 tỷ USD tổng vốn đầu tư vào năm 2026.

Hơn nữa, ở một số khu vực nhất định, các xu hướng tích cực đã được quan sát thấy. Một báo cáo gần đây của ITU cho hay, việc sử dụng Internet tại 57 quốc đảo nhỏ đang phát triển (SIDS) đã vượt xa mức trung bình của thế giới là 6,7% trong thập kỷ qua, tăng 8,4% mỗi năm trong giai đoạn 2014 - 2023.

THANH NGÂN (Lược dịch từ UN News)

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/the-gioi/khoang-2-6-ty-nguoi-tren-the-gioi-chua-co-dieu-kien-tiep-can-internet-138669.html