Khỏa thân có phải là hành động đáng lên án?

Hãy tự tin diện những bộ quần áo mà bạn yêu thích, chỉ cần trang phục đó phù hợp với hoàn cảnh. Đừng đánh đồng việc ăn mặc xuề xòa, luộm thuộm với sự giản dị.

Bức tranh The Birth of Venus (Sự ra đời của thần vệ nữ) của họa sĩ Botticelli. Ảnh: Wikipedia.

Một cô nàng đẹp lạ đến ám ảnh mà tôi từng biết đến là nhân vật người đẹp Remedios trong tiểu thuyết Trăm năm cô đơn của Gabriel García Márquez.

Với tôi, nét đẹp lạ của nàng không nằm ở tấm thân nuột nà và gương mặt mĩ miều luôn trong trạng thái hoan hỉ, cũng không nằm ở làn hương quyến rũ và đặc trưng đến mức “người ta có thể chỉ đích nơi nàng từng đứng và thời gian chính xác lúc nàng rời đi”. Cách nhìn nhận của nàng về sự tồn tại của bản thân trong thế giới này mới thật là lạ.

Cuộc sống của nàng không bị ràng buộc bởi bất cứ một luật lệ nào. Nàng ăn khi đói, ngủ đến khi muốn thức dậy, và tỉ mẩn tắm hàng giờ trong niềm thích thú tột bậc. Bất chấp thế gian xô bồ xung quanh, nàng vẫn “luôn luôn sung sướng trong thế giới hiện thực giản dị của mình” nhờ được “miễn dịch với cái xấu từ trong bụng mẹ”.

Trong khi các bà các chị lúc nào cũng tất bật với việc chải chuốt áo xống, Remedios không tìm thấy bất cứ lý do gì để đổ thời gian và tâm trí vào đó. Nàng cứ thế thuồn thuỗn không quần không áo đi lại trong nhà, kể cả khi có khách khứa. Để tránh nghe những lời phàn nàn đầy phiền nhiễu từ những người trong gia đình, nàng tự may cho mình một cái váy vải gai đơn giản.

Nàng hài lòng vì chỉ cần tròng áo qua đầu thì không phải nghe ai phàn nàn nữa. Rồi khi mọi người cứ rỉ rả chuyện tóc phải cắt thế này, phải buộc thế kia, nàng giải quyết tranh cãi nhẹ tênh bằng cách cạo phăng đi mái tóc dài như suối chảy của mình.

Cuốn sách Người tối giản của tác giả Phạm Quỳnh Giang. Ảnh: PQG.

Remedios đẹp lộng lẫy hiện ra với mái đầu trọc lóc và thân thể ngọc ngà miễn cưỡng giấu dưới một lớp váy duy nhất mà không cần đến nội y. Trong tiểu thuyết, nàng là biểu tượng của cái đẹp trong mắt cánh đàn ông, là một đứa thiểu năng trong mắt những người trong gia đình, nhưng lại được cho là người sáng suốt hơn bất cứ ai trong mắt người ông họ.

Còn với tác giả, nàng không thuộc về cõi tục thế này. Thế nên tác giả mới sắp xếp cho nàng được một cơn gió ấm thổi bay về trời vào một ngày nắng đẹp cùng tấm chăn thô trải giường, để lại nỗi hậm hực của cô em vì mất tấm chăn.

Trở lại với thế giới hiện thực, chắc chúng ta tìm đỏ mắt không ra một người "chưa bị xã hội hóa" kiểu Remedios. Bạn nghĩ có ư? Bạn nghĩ bạn cũng giống Remedios ở chỗ không quan trọng hình thức bên ngoài và không để bản thân bị chi phối bởi những thứ khoác lên mình?

Nếu chỉ là phương diện hình thức, tôi cũng biết nhiều người như vậy. Một nhóm nổi danh nhất là hội các bà nội trợ ngày đêm chăm lo cho một chồng và một số con. Vì mải lo cho người khác nên bản thân mình ăn gì mặc gì không còn quan trọng.

Liệu có quá bất công không khi nhóm phụ nữ sống theo kiểu này được các ôngchồng gọi thầm sau lưng là "con mụ vợ xuề xòa", trong khi nàng Remedios xinh đẹp được tác giả vuốt ve bằng lời nhận xét “càng vứt bỏ kiểu cách để tìm kiếm sự thoải mái, càng bỏ qua những quy phạm để tuân theo cái bộc phát tự nhiên, thì nàng càng trở nên đẹp ghê gớm và càng làm cho cánh đàn ông thèm muốn tợn”.

Rốt cục, vì sao có sự khác nhau trong cách nhìn nhận đối với sự xuề xòa của một bên là "con mụ vợ" và một bên là nàng Remedios? Các bà nội trợ xin đừng vội trả lời trong cay cú rằng “vì nó đẹp”, bởi chúng ta cần nhìn nhận nhân vật này ở một cấp độ sâu xa hơn. Như thế nào ư? Phần sau sẽ rõ.

Một buổi trưa nọ, đang mải mê tắm táp thì người đẹp Remedios của chúng ta phát hiện ra một kẻ đang rình trộm từ trên mái nhà. Nàng vẫn nằm trong bồn và tiếp tục tắm, không hốt hoảng, không giận dữ, chỉ tỏ ra lo lắng cho anh chàng kia và lên tiếng cảnh báo nhiều lần về việc mái nhà bị mục.

Lời qua tiếng lại, chàng trai si tình tội nghiệp vẫn đinh ninh rằng Remedios đang bật đèn xanh cho mình nên tha thiết ngỏ lời cầu hôn. Nàng từ chối thẳng thừng, không phải vì anh ta là kẻ biến thái, mà bởi nàng nghĩ có điên mới đi lấy một người rỗi hơi bỏ phí hàng giờ, thậm chí bỏ cả bữa trưa chỉ để… nhìn một cô gái tắm.

Cách nghĩ của Remedios về thân thể của con người vẫn xuất hiện đâu đó trong các tôn giáo, điển hình như Kỳ Na giáo của Ấn Độ. Các tu sĩ thuộc một nhánh lớn của dòng tôn giáo này cho rằng con người tâm linh là “trần truồng” theo nghĩa rộng, không bị ràng buộc vào bất cứ điều gì và không ở trong bất cứ trạng thái vật chất nào. Trong văn hóa tôn giáo Ấn Độ, khỏa thân không được xem là vấn đề dung tục.

Bởi những gì mà người ta cảm nhận được khi khỏa thân là một “thân tâm phơi phới, tự do toàn bộ”, và cảm thấy “cơ thể mình đang chạm vào nắng gió, lòng bàn chân áp sát mặt đất, an tĩnh trong trạng thái buông bỏ những gì che đậy bề mặt, những hình thức và giả trang bên ngoài”.

[...]

Nhắc lại chuyện “con mụ vợ xuề xòa”, rõ ràng trạng thái tinh thần của hai bên hoàn toàn khác nhau. Ở Remedios có một sự yêu thương và hòa hợp với thân thể đến mức hoàn hảo. Chỉ riêng việc nàng có thể nằm hàng giờ trong bồn tắm và tận hưởng từng khoảnh khắc bên cơ thể của mình cũng đã cho thấy điều đó. Sự trân trọng bản thân như vậy chẳng phải là điều mà phụ nữ hiện đại vẫn luôn được nhắc nhở, thậm chí cảnh báo đấy sao?

Phạm Quỳnh Giang/ Thái Hà Books

Nguồn Znews: https://znews.vn/khoa-than-co-phai-la-hanh-dong-dang-len-an-post1457068.html